Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Thành công từ sự nỗ lực




Năm 2017, xếp hạng chỉ số và chỉ tiêu kinh tế - xã hội quốc gia của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Thành tựu này đã được các tổ chức nghiên cứu uy tín của thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, phải khẳng định rằng, thành tựu đáng tự hào này là kết quả từ sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân cũng như của các cấp, các ngành trong suốt thời gian qua.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng đối với cuộc sống của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện với hơn 40 nghìn người tại 38 quốc gia cho biết, Việt Nam ở vị trí số một, với 88% số người Việt được khảo sát cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước, cao hơn nhiều so với con số tương ứng của Ấn Ðộ (69%), Hàn Quốc (68%), Nhật Bản (65%), Philippines (Phi-li-pin) (43%) và mức trung bình 54% của châu Âu, nhất là so với con số chưa tới 37% ở Mỹ… Theo Báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) qua thống kê 134 quốc gia, vùng lãnh thổ, được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình Australia (Ô-xtrây-li-a) công bố ngày 15-11, Việt Nam cũng được xếp vị trí số một trong số ít quốc gia an toàn nhất thế giới, tuyệt đối không có tình trạng khủng bố đe dọa an ninh quốc gia trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2012 - 2016). Còn theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến Expat Insider 2016, được thực hiện bởi InterNations (mạng lưới cộng đồng những người sinh sống, làm việc ở nước ngoài lớn nhất thế giới) công bố trong quý I-2017, thì Việt Nam xếp thứ 11 trong số 67 quốc gia đáng sống đối với người nước ngoài và đã có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số về môi trường làm việc, khả năng ổn định, hòa nhập. Cụ thể, cứ một trong năm người nước ngoài ở Việt Nam cho biết, họ hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở đây. Ðiều này cho thấy, Việt Nam đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho người nước ngoài để du lịch, sống và làm việc.
Báo cáo Thông số an toàn (một nghiên cứu mở rộng toàn cầu) được thực hiện bởi Underwriters Laboratories (UL - một công ty khoa học toàn cầu, chuyên soạn thảo các bộ luật an toàn cho hơn 187 quốc gia) và công bố trong tháng 8-2017, Việt Nam hiện xếp ở vị trí thứ 6 trong số 10 nền kinh tế Ðông - Nam Á (với chỉ số 62/100) về tổng thể an toàn, dựa trên ba yếu tố, gồm: thể chế (kinh tế, giáo dục, công nghệ), các khuôn khổ an toàn (quy định an toàn và cơ sở hạ tầng), kết quả an toàn (những thương tích không chủ ý). Giám đốc An toàn Công cộng của UL, ông David Wroth (Ða-vít Uốt) cho biết, mặc dù tại Việt Nam mỗi năm còn xảy ra hàng nghìn vụ tai nạn lao động, nhưng với sự đầu tư phát triển kinh tế mạnh mẽ và những quy định cải cách đã góp phần thúc đẩy các cải tiến mới về tổng thể tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam. Chỉ số an toàn của Việt Nam được cải thiện liên tục từ năm 2000 đến nay, chủ yếu do các luật được ban hành nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động; số liệu thương tích do tai nạn đang ở mức thấp, chỉ tăng nhẹ qua từng năm, dù rằng thương tích do tai nạn giao thông, đuối nước và các sự cố khác chiếm phần lớn trong danh sách thương tích không chủ ý, tiếp tục trở thành thách thức chính đối với Việt Nam. Ðể khắc phục các vấn đề tồn đọng, UL khuyến nghị Việt Nam tăng cường thực hiện cải thiện tiêu chuẩn phương tiện giao thông, cấm uống rượu, bia và không sử dụng điện thoại khi lái xe, thắt đai an toàn khi lưu thông bằng xe ô-tô (kể cả người lớn lẫn trẻ em). Ðồng thời, cần tích cực hợp tác giữa các Chính phủ với các cơ quan ban, ngành và các tổ chức tiêu chuẩn của quốc tế để xây dựng một bộ luật an toàn dựa trên mô hình khoa học, từ đó đưa ra những giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa các tai nạn trong tương lai…
Một số bảng xếp hạng năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam được thăng hạng vượt trội trong nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về môi trường và kết quả kinh doanh. Ðáng chú ý, Việt Nam đứng vị trí 68 trong số 190 quốc gia/nền kinh tế, tức tăng 14 bậc so với năm 2016 (riêng chỉ số tiếp cận điện năng tăng tới 32 bậc so với năm 2016, tăng 92 bậc so với năm 2013) trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017. Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu hai năm 2017 - 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đưa Việt Nam lên hạng 55, tăng năm bậc so với năm trước và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Liên hợp quốc cũng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm trước (tăng 29 bậc so với năm 2013), và điều chỉnh Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc so với năm 2016, lên mức 68 trong số 157 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Ngày 31-10, trên cơ sở đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà ổn định, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực". Từ năm 2014, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch và Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên một bậc, lần lượt ở mức B1/triển vọng Ổn định và BB-/triển vọng Ổn định. Báo cáo vừa công bố của Moody’s cũng cho biết, chất lượng tài sản và mức sinh lời của các ngân hàng Việt Nam đã, đang và dự báo tiếp tục cải thiện trong 12 đến 18 tháng tới. Tỷ lệ nợ có vấn đề của nhóm 15 ngân hàng đã giảm từ 9,4% năm 2012 xuống còn 7,1% năm 2016 và sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% trong năm 2018.
Ðáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ và Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam có nhiều khởi sắc tích cực ở một loạt chỉ số thống kê kinh tế vĩ mô, lần đầu tiên cả nước đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội cả năm được Quốc hội thông qua. Ðộng lực tăng trưởng đồng đều ở cả đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp,... đều có mức tăng trưởng tốt. Ðồng thời, năm 2017 cũng là năm Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay về kết quả một loạt chỉ số, nổi bật là: tổng thu hút FDI đăng ký mới, mở rộng và góp vốn, mua cổ phần; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động; chỉ số chứng khoán quốc gia (nhất là VN-Index); số lượt khách du lịch quốc tế; dự trữ ngoại tệ; xuất khẩu rau quả; cải thiện thâm hụt ngân sách nhà nước (ước tính)… Dù năm 2017 chúng ta phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, nhưng tính chung 11 tháng, kể từ đầu năm, so với cùng kỳ năm trước, cả nước chỉ có 175,6 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 33,2%, tương ứng với 720,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%. Tính đến hết tháng 6-2017, cả nước đã có 76,44 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên đến 82,19% dân số cả nước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2016; 13,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 6,8%; 11,28 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 7,4%. Ðồng thời, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 74, cao hơn so với tuổi thọ trung bình 71 của toàn thế giới.
Những thành công được ghi nhận kể trên là điều đáng tự hào. Ðó là kết quả của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với những nỗ lực đổi mới toàn diện cả trong nhận thức, chỉ đạo và hành động quyết liệt, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trên hành trình vượt qua chính mình… Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối diện các khó khăn và bất cập trong đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, kiểm soát nợ công, nợ xấu, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, bạo lực gia đình và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội…, cho nên cần phải quyết tâm, hành động thiết thực hơn để khắc phục. Song có thể thấy Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội và sự chuyển mình mới, ngày càng tích cực, tươi sáng hơn.
Thành công không tự nhiên đến nếu khiên cưỡng và trì trệ, thiếu dân chủ và chậm sáng tạo, hoặc thụ động trông chờ sự ban tặng, vay mượn giả tạo, hay công nhận từ bên ngoài. Thực tế cho thấy, để tiếp tục và đẩy nhanh sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, chúng ta cần tiếp tục củng cố sức mạnh toàn dân tộc dựa trên sự đồng thuận giữa ý Ðảng và lòng dân; củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của các sáng kiến, sáng tạo tự do và trách nhiệm cá nhân, cộng đồng người Việt trong nước và ngoài nước; phát triển năng lực và tinh thần nêu gương của lãnh đạo các cấp trong một chính phủ kiến tạo, nhất là sự hoàn thiện, nghiêm minh, hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật,… nhằm bảo vệ các giá trị chuẩn quốc gia, chống lại mọi sự vô cảm, nạn tham nhũng... Nói cách khác, tất cả nỗ lực và mọi nguồn lực trong xã hội đã, đang và sẽ cần phải được thống nhất, phát huy hiệu quả, cộng hưởng và lan tỏa tác động tích cực, vì một mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, tự chủ, trường tồn, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và ngày càng cải thiện vị thế quốc tế.
TS NGUYỄN MINH PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét