Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

VẠCH TRẦN YÊU SÁCH “TÁCH ĐẢNG” CỦA BBC TIẾNG VIỆT

MINH QUANG

 Hơn 90 năm kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển lớn mạnh và là nền tảng vững chắc đưa đất nước vuợt qua nhiều khó khăn để có được vị thế như ngày hôm nay. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội là do lịch sử và nhân dân giao phó và đã được quy định rõ trong Hiến Pháp và pháp luật. Chính vì sự phát triển vững mạnh này mà những năm qua, đã có không ít cá nhân, tổ chức giở chiêu trò, thủ đoạn kêu gọi “đa nguyên, đa đảng”. Trong số đó, BBC Tiếng Việt đã đăng tải bài viết có tựa đề “Việt Nam: Đảng Cộng sản tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định, không biến loạn”.

Như đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là dựa trên yêu cầu thực tế khách quan của lịch sử, đó là cần có một tổ chức đảng thống nhất để lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập. Sự lãnh đạo đúng đắn và mang tính quyết định đó của Đảng đã được chứng minh đến tận ngày hôm nay nhưng đối với những kẻ tàn dư của chế độ cũ, những thành phần chống phá chế độ, chính quyền, đất nước thì họ vẫn xem Đảng là cái gai trong mắt. Chính vì vậy, họ “năm lần bảy lượt” lợi dụng vấn đề, sự kiện diễn ra trong nước để thêu dệt, xuyên tạc, chủ yếu là bám víu vào các giá trị dân chủ và nhân quyền để công kích chính quyền, ra yêu sách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của của Đảng Cộng sản, tiến tới đa nguyên đa đảng với luận điệu huyễn hoặc “đa đảng giúp ổn định, không biến loạn”.

Nghe đã thấy sai rồi, bởi lẽ Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản vẫn ổn định đấy thôi. Kinh tế vẫn phát triển qua từng năm, mặc dù, từ đầu năm 2020, nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân đã vào cuộc kịp thời và quyết tâm cao, đẩy lùi và khống chế thành công dịch vậy. Nhờ vậy, Việt Nam không chỉ bảo đảm tốt tính mạng và sức khỏe của người dân mà còn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn dương, vượt qua nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan,… Được các nước tin cậy, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm của mình trên cương vị là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Liên Hợp Quốc. Sẵn thế đi lên, nước ta còn cho thấy sự trỗi dậy đầy nỗ lực của mình khi tham gia 3 hiệp định thương mại chỉ trong năm 2020, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có. Đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14. Nếu tình hình chính trị-xã hội biến loạn, đất nước không ổn định thì liệu Việt Nam có gặt hái được nhiều “trái ngọt” như vậy?

Không biết trang BBC lấy cơ sở nào để cho rằng “Đảng Cộng sản tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định, không biến loạn”? Trong khi, các quốc gia theo thể chế đa nguyên, đa đảng đang bộc lộ những hạn chế của mình. Sự bất ổn về chính trị xảy ra ở Mỹ, Thái Lan, Myanmar, Belarus,… thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều “khởi nguồn” từ việc tranh giành quyền lực chính trị, mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả việc bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều đau thương, thiệt hại cho nhân dân. Trang BBC Tiếng Việt đã dẫn ra luận điệu của các đối tượng phản động rằng “Việt Nam chưa có dân chủ nên muốn đa đảng thì cũng chưa thể làm ngay”, “Dân bầu lãnh đạo ngay là bất khả thi”. Họ lấy giá trị dân chủ để vờ vịt đòi “Đảng Cộng sản Việt Nam phải tách đôi”. Thử hỏi, một đất nước người dân được tự mình cầm lá phiếu đi bầu; người dân được tự do ngôn luận, bày tỏ mong muốn trong các buổi lãnh đạo gặp mặt cử tri, như vậy không dân chủ thì là gì? Chẳng lẽ thứ dân chủ mà bọn phản động mong muốn là kiểu “dân chủ kiểu Mỹ và Phương Tây”, là việc cảnh sát thẳng tay đàn áp, nổ súng vào người biểu tình, là những trò gian lận bầu cử?

Việc các đối tượng phản động cùng trang BBC Tiếng Việt đưa ra những luận điệu đòi đa nguyên, đa đảng không phải là điều mới. Mục đích của họ ẩn giấu dưới những ngôn từ hoa mỹ và luận điệu vì dân chủ, nhân quyền để dễ dàng lừa dối, “hạ gục” niềm tin của nhân dân với Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng xin hỏi, nếu Việt Nam thực hiện đa đảng thì ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là các tổ chức, đảng phái khác nào đây? Chẳng lẽ là “đảng Việt Tân”, “đảng anh em dân chủ”,… những tổ chức đang đi ngược lại với lợi ích dân tộc hay sao?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”. Những gì Việt Nam đã và đạt được trong thời gian qua chính là minh chứng thuyết phục về sự lựa chọn của nhân dân để Đảng lãnh đạo là đúng.


1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

    Trả lờiXóa