Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

TRONG CHẾ ĐỘ TA, CÁC DÂN TỘC THỰC SỰ BÌNH ĐẲNG, ĐOÀN KẾT, TÔN TRỌNG, GIÚP NHAU CÙNG PHÁT TRIỂN

1. Hiện nay, các thế lực thù địch đang vu khống xuyên tạc rằng: Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “chiếm đất”, “đàn áp, kìm kẹp, ngược đãi người dân tộc thiểu số”, “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”… Thủ đoạn của các thế lực thù địch vừa tinh vi, thâm độc, vừa trắng trợn, đê hèn: lợi dụng những vấn đề lịch sử để lại và những hạn chế, thiếu sót của Đảng, Nhà nước (điều đó là có thật và khó tránh khỏi), chúng thổi phồng, tuyệt đối hóa các hạn chế, sai lầm của Đảng, Nhà nước trong giải quyết vấn đề dân tộc, coi đó là “bản chất” có tính phổ biến của Đảng…

Chúng xuyên tạc, bôi nhọ, “bi đát hóa” sự thật về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Thực chất các quan điểm đó đều thiếu cơ sở khoa học, trái thực tế, rất phản động, nhằm kích động tư tưởng đòi “tự trị”, “ly khai” “chia nhỏ”, “xé lẻ” dân tộc Việt Nam; vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

2. Sự thật, chỉ từ khi Đảng ta lãnh đạo, tổ chức nhân dân ta đấu tranh làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi thì các tộc người và cả dân tộc Việt Nam từ trong đêm trường nô lệ dưới ách áp bức, đô hộ của phong kiến, đế quốc, các tộc người cùng chịu cảnh nô lệ, “một cổ hai tròng”, mặc cảm, miệt thị, ăn hiếp lẫn nhau… mới được “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trở thành chủ nhân chân chính của đất nước.

Chỉ có trong chế độ xã hội mới, quan hệ giữa các tộc người mới được thay đổi và nâng lên trình độ mới: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

Ngay trong Hiến pháp năm 1946, đã khẳng định: Điều 1: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều 8: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung".  Điều 66: “Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước toà án”.

Trong Thư gửi đại hội các dân tộc thiểu số,  miền  Nam  tại  Plâycu,  ngày 19 tháng 4 năm 1946, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia - rai hay Ê-đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”[1].

Nhờ phát huy cao độ sức mạnh tất cả các dân tộc trên cơ sở quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa miền Bắc đi lên CNXH, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà. Hơn hai mươi năm sau, chúng ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, cả nước vững bước đi lên CNXH. Đóng góp vào chiến công chung đó có công sức của tất cả các tộc người, trong đó có các tộc người thiểu số, tiêu biểu là hàng trăm cá nhân và đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người dân tộc thiểu số.

Khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta có điều kiện hơn để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc. Các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, V, VI, được cụ thể hóa tại các Nghị quyết 22-NQTW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị và Quyết định 72-HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng đề ra chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX, X, XI, đặc biệt có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, về công tác dân tộc; Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ, về công tác dân tộc, ngày 14 tháng 01 năm 2011… đã tiếp tục đề ra các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc. Quan hệ dân tộc ở nước ta đã thu được kết quả tốt đẹp.

Trong khi nhiều nước trên thế giới như các nước Bắc Phi, Mỹ Latinh và cả ở Đông Nam Á… xung đột sắc tộc, chia rẽ, ly khai dân tộc xảy ra liên miên thì ở nước ta tình hình chính trị xã hội ổn định, quan hệ dân tộc cơ bản ổn định, tốt đẹp. Quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các tộc người càng được thể hiện đầy đủ hơn.

Thực tế, trong 26 năm đổi mới, tổng thu nhập quốc dân liên tục tăng cao, bình quân đạt 7,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 1990 gần 200 USD, năm 2008 đạt 890 USD năm 2012 đạt gần 1.600 USD/người. Với tiềm lực kinh tế đó, Nhà nước ta luôn chú trọng và càng có điều kiện để đầu tư cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách, chương trình xã hội được triển khai như Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, Chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, Chương trình 135, Chương trình 327, Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình, Chương trình điện lưới quốc gia, Chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân,... đã hướng vào phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước, nhất là vùng dân tộc thiểu số đã giảm nhanh từ 22% (năm 2005) xuống còn khoảng 10% (năm 2012). Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP vẫn còn cao, ở mức bình quân khoảng 45% [2] ; đồng bào các dân tộc thiểu số đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai, công nghệ, thị trường...) và các dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý... Kết cấu hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vùng dân tộc thiểu số từng bước hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh miền núi luôn đạt mức bình quân từ 8 đến 10%/năm trong suốt nhiều năm. Số hộ đói nghèo hằng năm giảm khoảng 4-5%. Kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô.

Cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống vùng dân tộc được xây dựng ngày càng nhiều. Hệ thống ruộng nước, ruộng bậc thang được mở rộng; hệ thống thủy lợi phát triển mạnh: Việt Bắc có 70-80%, Tây Bắc 60%, Tây Nguyên 90% diện tích ruộng được các công trình thủy lợi tưới nước.

Mạng lưới giao thông miền núi phát triển khá: Gần 100% xã có đường ô tô tới trung tâm. Đường mở nhanh, thời gian đi lại được rút ngắn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng. Đây là một thành công lớn của Đảng, Nhà nước ta, đem lại lợi ích toàn diện cho đồng bào.

Trên lĩnh vực giáo dục, từ năm 2000, Việt Nam  đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trong cả nước, từng bước phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở một số tỉnh, thành phố. Việt Nam từ 95% dân số mù chữ năm 1945 thành một nước có trên 95% dân số biết đọc, biết viết. Giáo dục, đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc được quan tâm; quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, xã hội hóa giáo dục, đào tạo thu được thành tựu bước đầu: 100% số xã đặc biệt khó khăn có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90-95%; có 393 trường dân tộc nội trú với 60.000 con em đồng bào dân tộc thiếu số được nuôi dưỡng và học tập không mất tiền. Hiện có trên 6000 con em đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Việt Nam có 30 dân tộc có chữ viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được 8 bộ giáo trình cho 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số chính thức đưa vào giảng dạy: Khmer, Chăm, Hoa, Êđê, Giarai, Bana, Thái và Hmông… Việt Nam được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Đời sống văn hóa của đồng bào được nâng cao: 90% xã có điện thoại, 80% số hộ được xem truyền hình, có kênh VTV5 phát bằng 10 thứ tiếng dân tộc; 90% người dân được nghe đài phát thanh bằng 13 thứ tiếng các dân tộc; có 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy.

Về y tế, hiện nay chúng ta có trên 90% dân số được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Nhà nước cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trên 95,8% phụ nữ khi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ y tế... Việc khám, chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa được quan tâm hơn: Gần 100% số xã có cán bộ y tế trực; 93,5% số xã có trạm y tế; hơn 95% trẻ em được tiêm chủng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các loại bệnh dịch cơ bản được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Bệnh bại liệt ở trẻ em đã hoàn toàn được xóa bỏ.

Đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia ngày càng sâu rộng vào đời sống chính trị của đất nước. Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu được tăng cường và củng cố. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã có bước trưởng thành, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp ngày càng cao. Tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội luôn cao hơn tỷ lệ dân số: khóa X, chiếm 17,33%; khóa XI: 86/ 498 chiếm hơn 17%; khóa XII: 87/493 (17,6%); khóa XIII: 78/500 chiếm 15,6%; Trong hội đồng nhân dân cấp tỉnh khoảng 25%, cấp huyện 20%, cấp xã 24%  người dân tộc thiểu số. Tình hình chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc cơ bản ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững[3]. Chỉ số phát triển con người tăng lên, từ 0,683 vào năm 2000, lên 0,733 vào năm 2008, xếp thứ 100/177 nước thuộc nhóm trung bình cao[4].

Sinh hoạt tôn giáo của các tộc người thiểu số được tôn trọng, bảo đảm. Tính đến tháng 12 năm 2011, nước ta có 13 tôn giáo, với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước cấp đăng ký và công nhận, với gần 24 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 27 % dân số cả nước. Trong đó, tín đồ Phật giáo khoảng 11 triệu, chiếm hơn 12 % dân số cả nước tín đồ Công giáo trên 6 triệu, chiếm 6,84 % dân số cả nước ; Hồi giáo khoảng 75 nghìn, chiếm khoảng 0,08 % dân số cả nước ; Tin Lành khoảng 1 triệu, chiếm khoảng 1,14% dân số cả nước; Cao Đài 2,4 triệu, chiếm 2,76 % dân số cả nước; Phật giáo Hoà Hảo 1,5 triệu, chiếm khoảng 1,7% dân số cả nước; các tôn giáo khác khoảng gần 1,8 triệu người, chiếm 1,88% dân số cả nước. Chỉ tính riêng số lượng tín đồ đạo Tin lành, tính đến tháng 3 năm 2011, ở các vùng như sau : Đồng bằng sông Hồng : 12.637 người, trong đó tín đồ là tộc người thiểu số là 45 người. Trung du và miền núi phía Bắc: 156.000 người, tín đồ là tộc người thiểu số là 154.145 người. Khu vực Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung 81.821 người, trong đó tín đồ là tộc người thiểu số là 15.761 người. Khu vực Tây Nguyên và Bình Phước 447.477 người, trong đó tín đồ là tộc gười thiểu số là 399.593 người. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 73.493 người, trong đó tín đồ là tộc người thiểu số là 2.713 người. Tổng số đồng bào cả nước theo Tin lành là 857.319 người, trong đó tộc người thiểu số 579.035 người[5] .

Trong Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi, ngày 11/4/2013, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nêu rõ: Trong giai đoạn 2006 – 2012 mặc dù nền kinh tế bị suy thoái, ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn, song cũng đã bố trí được hơn 54.770 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ, đầu tư để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi, tạo đà cho khu vực này phát triển như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cho vay vốn… Nhờ các chính sách hỗ trợ, đầu tư cùng sự nỗ lực phấn đấu của bà con các dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay rõ nét. Một số vùng đã có những bước phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, trang trại. Những nơi khó khăn đang được quy hoạch, sắp xếp lại, hỗ trợ sản xuất, giúp đồng bào định canh, định cư ổn định cuộc sống. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thay đổi rõ rệt. Giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Hệ thống trường, lớp học và trạm y tế ngày càng được hoàn thiện[6].

Xã Tân Châu, huyện Di Linh là xã phát triển toàn diện, điển hình. Xã có trên 2.290 hộ, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% dân số. Đến nay xã Tân Châu đã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng cơ quan, công sở, trường học, trạm xá khang trang, hệ thống giao thông, bưu điện, thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân trong vùng. Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao; nhiều diện tích được chuyển đổi sang các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế; thanh niên dân tộc thiểu số được tiếp cận với nhiều ngành nghề mới, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/năm, cao hơn trung bình của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn xã giảm còn 5,1%[7]. Anh K’Dêm, dân tộc K’ho, ở thôn 2, nói: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhất là chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, mà thế hệ trẻ chúng tôi mới có được ngày hôm nay... Với 6 ha cà phê (kinh doanh) năng suất đạt 3 tấn/1ha, thì trừ chi phí công cán một năm thu nhập khoảng trên dưới 400 triệu đồng. Anh đã xây được nhà kiên cố, mua sắm máy móc, để phục vụ sản suất nông nghiệp[8] .

Thô-mát Gian-đơn (Thomas Jandl), Tiến sĩ người Mỹ đã nhiều lần đến Việt Nam, nhận xét: Việt Nam đã rất thành công và đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết vấn đề liên quan đến quyền con người như: Chương trình xóa đói giảm nghèo và hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhìn vào tổng thể, có thể nói Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân… Việt Nam được thế giới biết đến như một tấm gương về tiến độ thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo[9] Tất cả những thành tựu đó đã chứng tỏ quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các tộc người tiếp tục được củng cố, tăng cường. Đây là thành công lớn do công cuộc Đổi mới đem lại, mà những người mặc cảm, định kiến nhất đối với chúng ta cũng không thể nào phủ nhận được.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn. Sự chênh lệch, phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền, các tộc người vẫn còn cao. Vùng dân tộc thiểu số kinh tế phát triển chưa vững chắc, giáo dục y tế và các chính sách xã hội vẫn còn hạn chế nhất định. Tổ chức chính quyền cơ sở một số nơi còn yếu kém, hoạt động hiệu quả chưa cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định... Thực trạng đó không dễ gì giải quyết ngay được. Nước Mỹ, một siêu cường kinh tế mà vẫn còn những vấn nạn khó giải quyết. Chỉ riêng vấn đề nghèo đói, thì tính tới tháng 7/2012 vẫn có tới 46,68 triệu người Mỹ phải xếp hàng xin từ bơ sữa cho tới bánh mì. Tiền trợ cấp thực phẩm cho hơn 45 triệu người nghèo ở Mỹ trong năm 2011 đã ngốn tới hơn 75 tỷ USD. Do đó Việt Nam dù chế độ chính trị có ưu việt, nhưng với trình độ phát triển kinh tế vẫn còn thấp thì làm sao có thể giải quyết tốt mọi vấn đề kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được ngay.

Hạn chế, yếu kém đó có nhiều nguyên nhân. Dân tộc, vấn đề dân tộc có nguyên nhân từ những vấn đề lịch sử để lại; do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên; do phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; do sự chống phá của các thế lực thù địch và do cả những hạn chế, thiếu sót của Đảng, Nhà nước ta; sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, công chức..., đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạch định, thực thi chính sách dân tộc.

Hiện nay, chúng ta càng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục củng cố mối quan hệ dân tộc tốt đẹp hơn. Công cuộc Đổi mới đã đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là bưu chính, viễn thông, dịch vụ, giao thông. Sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tiềm lực, sức mạnh tổng hợp đó đã cho phép Đảng, Nhà nước ta có điều kiện quan tâm, giải quyết vấn đề dân tộc tốt hơn nữa.

Bởi thế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tập trung thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân các dân tộc, củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, bảo vệ bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc và miền núi; khắc phục suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bon chen, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời nhân dân trong một bộ phận cán bộ, công chức..., củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG. H. 2000, tr. 217- 218.

[2]Xem: Năm 2012: Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn khoảng 10%, http://www.gdtd.vn/channel/2773/201212/Nam-2012-Ty-le-ho-ngheo-tren-ca-nuoc-con-khoang-10-1965905

[3] Theo Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX, Về công tác dân tộc, ngày 29-7-2009.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 154.

[5]Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị 01/2005/ CT-TTg, ngày 04/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành

[7]http://lamdongtv.vn/thoi-su/201209/doan-giam-sat-HdNd-tinh-lam-viec-tai-xa-Tan-Chaudi-Linh-ve-NTM-124012/

[8]http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/72/135/135/64536/Tan-Chau-vung-buoc-xay-dung-NTM.aspx].

[9] xem Báo Quân đội nhân dân ngày 13-6-2011.


1 nhận xét: