Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

MỘT SỐ THỦ ĐOẠN CHỦ YẾU KÍCH ĐỘNG “BẤT TUÂN DÂN SỰ” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH HIỆN NAY

Cương Trực

Tiếp tục làm rõ về “bất tuân dân sự”, chúng ta cần chỉ ra một số thủ đoạn chủ yếu các thế lực thù địch hiện nay thường sử dụng để kích động “bất tuân dân sự”. Đó là:

Lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kêu gọi tập hợp lực lượng

Thủ đoạn này hiện nay được dùng khá phổ biến. Các thế lực thù địch thổi bùng các sự kiện, hiện tượng gây bức xúc cho cộng đồng mạng, từ đó, chuyển sự tức giận trên mạng thành hành động bạo lực trong đời thực. Ở Việt Nam, chúng lợi dụng mạng xã hội để kêu gọi thực hiện “bất tuân dân sự” cụ thể trên một số lĩnh vực như: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông; sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung do FOMOSA gây ra; lĩnh vực quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; lĩnh vực giao thông: Các vụ phản đối BOT thời gian qua do các nhóm “Bạn hữu đường xa”, “đảng Việt Tân” và các thế lực thù địch tổ chức tiến hành…

Sử dụng công nghệ thông tin để điều hành, không thành lập ban lãnh đạo, không lộ rõ thủ lĩnh

Thành công nhất của việc sử dụng công nghệ thông tin trong phong trào “bất tuân dân sự” hiện đại là ở Hồng Kông. Những thủ lĩnh trẻ tuổi đã sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức điều hành biểu tình, người đứng đầu các tổ chức chống đối không trực tiếp tham gia biểu tình mà liên kết lại với nhau trên không gian mạng để phối hợp kêu gọi hành động và chỉ đạo biểu tình. Các cuộc biểu tình không có sự lộ diện của “thủ lĩnh”, hầu hết họ đều “ẩn danh”. Những người tham gia biểu tình hầu hết là lớp trẻ, tham gia “thế giới ngầm” của các mạng lưới mạng xã hội được mã hoá; tất cả đều “vô danh” và không thể truy tìm.

Xu hướng bạo lực, phá hoại ngày càng gia tăng

Ở Việt Nam, một số đối tượng quá khích bị kích động “bất tuân dân sự” chống trả, tiến công các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ như sử dụng bom xăng đập phá trụ sở ủy ban nhân dân, đốt ô tô, phá hủy tài sản của tổ chức, cá nhân, như vụ việc xảy ra ở Bình Thuận hồi tháng 6/ 2018. Đặc biệt là vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức đầu tháng 01/2020 là vụ “bất tuân dân sự” điển hình trong thời gian gần đây đã để lại hậu quả nghiêm trọng.

 Lực lượng chủ yếu là giới trẻ, tổ chức biểu tình phân tán ở nhiều địa điểm

Ở Hồng Kông, những người tham gia biểu tình chủ yếu là thanh niên. Họ hầu hết là người gốc Hoa, nhưng phần lớn không nhận mình là người Trung Quốc. Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong - Người đứng đầu phong trào đòi dân chủ của sinh viên Hồng Kông cũng chỉ mới 23 tuổi.

Được sự hỗ trợ từ bên ngoài, thông qua các tổ chức phi chính phủ; tổ chức huấn luyện bài bản, công tác chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ

Đối với Việt Nam, tổ chức phản động Việt Tân, Voice… đã mở nhiều lớp huấn luyện ở nước ngoài về nội dung, hình thức, phương pháp “bất tuân dân sự” cho lực lượng cốt cán để đưa về Việt Nam thực hiện hành động phá hoại. Qua vụ việc Đồng Tâm cho thấy, Lê Đình Kình đã chỉ đạo xác định rõ mục tiêu tiến công, hung khí tự chế (thậm chí cả lựu đạn), phân công cụ thể cho từng nhóm đối tượng chống trả rất quyết liệt… Ngoài ra, “Tổ Đồng thuận” do Lê Đình Kình cầm đầu cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính của các tổ chức phản động cả trong và ngoài nước với số tiền lên đến hàng chục nghìn đôla Mỹ.

Kết hợp chặt chẽ giữa “bất tuân dân sự” với các tổ chức “xã hội dân sự” để tổ chức chỉ đạo, điều hành biểu tình, bạo loạn

Ở Việt Nam, hoạt động “bất tuân dân sự” tổ chức ngày càng chặt chẽ, được một số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice… công khai giật dây. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa “bất tuân dân sự” với “xã hội dân sự”, sử dụng các tổ chức “xã hội dân sự” để tổ chức chỉ đạo, điều hành biểu tình, bạo loạn. Điển hình là các tổ chức “xã hội độc lập” hoạt động theo xu hướng đối trọng với tổ chức của chính quyền nhà nước như: “Phong trào Lao động Việt”, đối trọng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; “Hội Văn đoàn độc lập” đối trọng với Hội Nhà văn Việt Nam, “Hội Nhà báo độc lập” đối trọng với Hội Nhà báo Việt Nam…

Phủ nhận kết quả bầu cử, khoét sâu vào vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”

Thủ đoạn này đã được Mỹ và các nước phương Tây áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như tại Nam Tư năm 2000, Gruria năm 2003, Ucraina năm 2004, 2014, Kyrgyzstan năm 2005. Gần đây nhất là tại Vênêxuêla, vào tháng 05 năm 2018, ông Nicolas Maduro tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Phe đối lập ở Vênêxuêla, Mỹ và Nhóm Lima tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử này. Ở Việt Nam, trước, trong và sau khi Đại hội XIII của Đảng diễn ra, các thế lực thù địch cũng ra sức xuyên tạc, phủ nhận kết quả bầu cử, gây nhiễu loạn thông tin trong xã hội…

Trên đây là một số thủ đoạn chủ yếu nhằm kích động “bất tuân dân sự” của các thế lực thù địch. Chúng ta cần nhận thức một cách rõ ràng, đúng đắn để ngay lập tức đập tan, làm thất bại khi chúng vẫn còn đang “trong trứng nước”.


2 nhận xét:

  1. PHẢI KIÊN QUYẾT VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG KÍCH ĐỘNG "BẤT TUÂN DÂN SỰ"

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa