Suốt thời gian gần đây, nhất là lợi dụng việc khi mà Đảng, Nhà nước ta tổ chức xin ý kiến nhân dân về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì các thế lực thù địch lại càng đẩy mạnh việc chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ nham hiểm, một trong những thủ đoạn họ đã tiến hành là vừa “khuyên”, vừa yêu cầu Việt Nam nên và cần phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, bởi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mới dân chủ, hơn nữa việc thực hiện kinh tế hàng hóa nhiều thành phần tất yếu dẫn tới “đa đảng đối lập”, và chỉ như vậy mới là dân chủ, mới có nhiều dân chủ.
1. Phải chăng ở Việt Nam chỉ có thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập” mới là dân chủ, chế độ một đảng là không dân chủ?
Không, trăm nghìn lần không. Vì rằng, chế độ dân chủ XHCN ở nước ta
chỉ có thể được xây dựng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện, triệt để dưới
sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của một chính đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt
Nam, một đảng mácxit-lêninnit chân chính.
Ở đây cần thấy rằng, dân chủ và đa nguyên chính trị là hai khái niệm
hoàn toàn khác nhau.
Nói dân chủ là
nói đến quyền làm chủ xã hội thuộc về ai. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là
thế nào? Là dân làm chủ”[1]; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân,
vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ
tịch một nước đều là phân công làm đày tớ của dân”[2]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh chế độ dân chủ thực
chất là chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước và Nhà nước là cơ quan quyền
lực của dân, thực thi sự ủy quyền của dân.
Với tư cách là hình thức chế độ chính trị của đất
nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, mang bản chất giai
cấp sâu sắc, do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quy định. Dân
chủ phải gắn với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quyền không thể thoát ly
hoàn cảnh và điều kiện kinh tế - xã hội cho phép thực thi cái quyền đó; dân chủ
gắn với pháp luật, kỷ cương, gắn với dân trí, với trình độ học vấn và dân chủ
còn phụ thuộc vào một loạt yếu tố khác như: tương quan so sánh lực lượng giai
cấp, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, truyền thống
lịch sử... Dân chủ được thực hiện bằng
nhiều hình thức khác nhau, trong đó: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện là
hai hình thức cơ bản nhất; dân chủ được thể hiện trên các lĩnh vực: chính trị,
kinh tế, xã hội, tư tưởng - tinh thần…
Đối với CNXH, dân chủ thuộc bản chất của CNXH, chế độ dân chủ vô sản là chế
độ dân chủ gấp triệu lần chế độ dân chủ tư sản như theo cách nói của V.I.Lênin.
CNXH không thể tách rời dân chủ, không có dân chủ thì không có CNXH. CNXH, chủ
nghĩa cộng sản là đỉnh cao trong sự phát triển của nhân loại, nên cũng là đỉnh
cao của dân chủ. Nền dân chủ XHCN không thể tách rời việc xây dựng và hoàn
thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; trong thiết chế dân chủ,
quyền của công dân, tính tối cao của pháp luật được thừa nhận; những cơ quan
quyền lực nhà nước đều do bầu cử mà ra.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì
CNXH, cho nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh
đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong của nó
là đảng cộng sản. Chỉ giai cấp vô sản và đảng tiên phong của mình với cơ sở xã
hội rộng lớn là quảng đại nhân dân lao động mới có khả năng thiết lập được nền
chuyên chính vô sản vừa bảo đảm dân chủ cũng như lợi ích căn bản của đông đảo
quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô
dịch. Rõ ràng, việc các đảng cộng sản ở các nước vươn lên khẳng định vị trí
đảng cầm quyền duy nhất sau khi đã giành được chính quyền là một quy luật gắn
chặt với tiến trình đấu tranh vì nền dân chủ. Một đảng cầm quyền như vậy sẽ
luôn luôn thống nhất từ trong bản chất, mục tiêu, phương thức của một nền dân
chủ vì quyền lực và lợi ích của đa số những người lao động. Sự cầm quyền (tức
vai trò lãnh đạo của đảng), quyền lực của đông đảo nhân dân gắn bó hữu cơ,
khăng khít với nhau.
Còn nói đến đa nguyên chính trị
là nói đến hệ thống chính trị có nhiều cực, có nhiều đảng phái đại biểu cho
những lợi ích đối lập nhau được tự do hoạt động, đó là một chế độ đa đảng. Chế
độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ, chế độ một đảng không phải là
nguyên nhân của mất dân chủ. Cái gốc để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư
liệu sản xuất nằm trong tay ai. Dưới CNXH tư liệu sản xuất nằm trong tay nhân
dân lao động và họ là người làm chủ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản tư liệu sản
xuất nằm trong tay một thiểu số nhà tư bản, nền dân chủ đó là quyền làm chủ của
một nhóm tư bản độc quyền. Còn quần chúng nhân dân chỉ là những người bị thống
trị. Chính V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Trong chế độ dân chủ tư sản, bọn tư
bản dùng trăm phương nghìn kế, - chế độ dân chủ “thuần túy” càng phát triển,
thì những mưu kế đó càng tinh xảo và có hiệu quả, - để gạt quần chúng ra, không cho họ tham gia quản lý nhà nước”[3]. Chế độ đa đảng trong hệ thống chính trị tư sản chỉ là sự phân chia quyền
lực giữa các phe cánh của một đảng lớn duy nhất là đảng của những nhà tư bản
độc quyền. Không có một nhà nước nào không phải là nhà nước chuyên chính của
một giai cấp. Chỉ có giai cấp tư sản không dám công khai thừa nhận điều đó mà
thôi. Thực chất, chế độ đa đảng ở phương Tây, cũng dựa trên cơ sở nhất nguyên
chính trị, vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ chế độ tư bản. Qua tổng
tuyển cử, đảng có đa số phiếu thì lập chính phủ điều hành công việc, các đảng
khác là đối lập, mà chính các học giả tư sản gọi là đối lập trung thành, nghĩa là không thách thức các thể chế chủ yếu
của chế độ tư bản, chỉ phê phán và phản đối một số chính sách cụ thể của chính
phủ. Rõ ràng, tính nhất nguyên chính trị của nhà nước tư sản càng khẳng định
không bao giờ được lãng quên tính giai cấp của nền dân chủ tư sản. V.I.Lênin
khẳng định một cách dứt khoát rằng: “…đảng thống trị của chế độ dân chủ tư sản
chỉ cho một đảng tư sản khác được
quyền bảo hộ thiểu số; còn đối với giai cấp vô sản, thì trong mọi vấn đề trọng đại, sâu sắc, cơ bản thay cho
quyền bảo hộ thiểu số thì có luật giới nghiêm hay những cuộc tàn sát. Chế độ dân chủ càng phát triển, thì trong
trường hợp có sự chia rẽ về chính trị sâu sắc và nguy hiểm cho giai cấp tư sản,
nó càng tiến gần đến tàn sát hay nội chiến”[4].
Thử hỏi chúng ta có thể xây dựng CNXH với một hệ thống chính trị như vậy
được không? Không! Giai cấp công nhân chỉ có thể đóng được vai trò chủ thể lịch
sử của mình khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo và trong hệ thống chính trị không
có các loại đảng phái đối lập, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Điều này
hoàn toàn dễ hiểu vì ngoài Đảng Cộng sản thì không có một đảng phái chính trị
nào khác có thể lãnh đạo xây dựng CNXH, một chế độ xã hội mà mục tiêu cuối cùng
là xóa bỏ tư hữu và bóc lột. Đã là đảng đối lập với Đảng Cộng sản thì họ chỉ
tìm cách thủ tiêu Đảng Cộng sản, thủ tiêu CNXH. Ngay cả đảng xã hội - dân chủ,
một kiểu đảng đang hấp dẫn nhiều người cũng không phải là đảng có thể lãnh đạo
xây dựng CNXH được. Đường lối của đảng xã hội - dân chủ là đường lối ổn định
chủ nghĩa tư bản, là đường lối cải biên chế độ đó mà không đụng chạm đến chế độ
sở hữu tư bản chủ nghĩa. Đường phân ranh giới giữa CNXH khoa học và CNXH - dân
chủ là thái độ đối với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. CNXH khoa học
chủ trương con đường đấu tranh giai cấp, tiến hành cách mạng XHCN, thiết lập
chuyên chính vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu, xóa bỏ áp bức bóc lột để đưa lại
quyền làm chủ xã hội và no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Còn CNXH - dân chủ thì
chủ trương hòa bình giai cấp, ảo tưởng sự tan biến các giai cấp và hòa nhập chủ
nghĩa tư bản vào CNXH. Cho nên chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản
dựa trên nền tảng học thuyết Mác - Lênin là bảo đảm không gì thay thế được cho
thắng lợi cuối cùng của CNXH. Mọi sự tìm kiếm nào khác, thực hiện “đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập” hay hướng vào con đường xã hội - dân chủ chỉ là mất
phương hướng chính trị- giai cấp, mơ hồ bản chất giai cấp của chế độ XHCN của
chúng ta và tự mình từ bỏ CNXH.
2. Phải chăng ở Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường là kinh tế nhiều thành
phần tất yếu dẫn đến “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”?
Không, không bao giờ xảy ra điều đó cả. Vì rằng, không phải cứ có nhiều
thành phần kinh tế thì ắt có nhiều giai cấp đối kháng và có nhiều đảng phái
chính trị tương ứng.
Các lý luận gia tư sản lập luận rằng, kinh tế thị
trường là kinh tế nhiều thành phần; ứng với mỗi thành phần có một giai cấp hoặc
tầng lớp; mỗi giai cấp hoặc tầng lớp lại có một đảng phái hoặc tổ chức chính
trị tương ứng. Do đó, ở Việt Nam thực hiện kinh tế nhiều thành phần mà lại chủ
trương chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo là “mâu thuẫn”, là “nghịch lý” (!),
thậm chí họ còn đòi nước ta phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập”, chỉ như vậy mới là dân chủ.
Cần thấy rằng, chúng ta phát triển kinh tế thị
trường nhưng không để cho nó vận động một cách tự phát, mù quáng mà phải lãnh
đạo, hướng dẫn, điều tiết, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, vì lợi
ích của đại đa số nhân dân lao động, vì một xã hội công bằng, văn minh. Người
có khả năng và điều kiện làm việc đó không thể ai khác, ngoài Đảng Cộng sản
Việt Nam - đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công
nhân, đại diện và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
toàn thể dân tộc. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định nhất bảo đảm định
hướng XHCN của kinh tế thị trường, cũng như toàn bộ sự nghiệp phát triển đất
nước ta.
Hơn nữa, với kinh tế thị trường ở nước ta, các thành phần kinh tế đều là
những bộ phận quan trọng hợp thành nền kinh tế đất nước, trong đó kinh tế nhà
nước giữ vai trò chủ đạo, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, phát triển
theo định hướng XHCN, do đó không thể cứ nhiều thành phần kinh tế thì có nhiều
giai cấp đối kháng và có nhiều đảng phái chính trị tương ứng. Chiêu bài đòi “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập” của các thế lực thù địch giương ra, thực
chất là mưu toan hạ thấp hoặc xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, gây xáo
động, rối loạn trong nước, lật đổ chính quyền.
Còn thực chất về mối quan hệ giữa dân chủ và “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập” đã được phân tích ở trên, ở đây chỉ xin nhấn
mạnh rằng, dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng
chính trị, vào việc áp dụng hay không áp dụng chế độ “đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập”. Chế độ một đảng hay nhiều đảng, không phải là dấu hiệu của dân
chủ hay không dân chủ. Không phải cứ đa đảng thì dân chủ, còn một đảng thì
không dân chủ. Chế độ một đảng cũng có thể dân chủ và cũng có thể mất dân chủ,
vấn đề là ở chỗ, đảng cầm quyền đó có thực sự cách mạng không, có thực sự vì
lợi ích của nhân dân không. Nếu một đảng cầm quyền, dù mang tên cộng sản, nhưng
thoái hóa biến chất, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân, không có bộ máy và
phương thức hoạt động bảo đảm được dân chủ; không có một cơ chế kiểm soát, giám
sát được quyền lực; nếu như đảng đó không có khả năng xây dựng được một nhà
nước thực sự của dân, do dân, vì dân… thì điều chắc chắn là không thể bảo đảm
được dân chủ.
Rõ ràng, có hay không có dân chủ, dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay
thấp, tất cả phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào
số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị. Tính chất và trình độ dân chủ
của một nước, một xã hội được quyết định chủ yếu bởi tính chất của nền dân chủ,
bản chất của đảng cầm quyền, và ở việc phát huy đến mức nào quyền làm chủ của
đại đa số nhân dân, thực hiện đến mức nào lợi ích và ý chí của đại đa số nhân
dân. Ví như xã hội ở miền Nam nước ta dưới thời Mỹ - Diệm có rất nhiều đảng
như: “Cần lao”, “Nhân vị”, “Duy linh”, “Dân chủ”…nhưng không thể nói rằng đó là
một xã hội dân chủ, càng không thể nói xã hội đó nhiều dân chủ hơn xã hội XHCN
ở nước ta ngày nay.
Bản chất của các thế lực thù địch là không thay đổi; chúng cổ súy cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, với động cơ chính trị đen tối, đó là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì vậy chúng ta phải cảnh giác
Trả lờiXóa