Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

NHẬN ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ PHỨC TẠP MỚI TẠI BIỂN ĐÔNG

 

Phương Ngọc

          Ngày 03/3/2021, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã công bố một phóng sự cho thấy binh lính hải lục không quân và thủy quân lục chiến nước này tham gia cuộc diễn tập trái phép trên đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Đài Loan leo thang và việc Mỹ cho phép 02 nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz phối hợp tác chiến nhằm “hỗ trợ các hoạt động an ninh hàng hải và nỗ lực hợp tác an ninh khu vực” trong khu vực Biển Đông. Ngày 12/3/2021, theo thông báo của Cục Hải sự Hải Nam Trung Quốc, nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận trên Biển Đông kéo dài tới ngày 14/3/2021. Như vậy từ tháng 7/2020 đến nay, Trung Quốc đã liên tục tổ chức nhiều cuộc tập trận trên Biển Đông.

Theo một số trang tin có uy tín, hiện tại đã có 07 nước lớn cam kết sẽ đưa tàu chiến đến khu vực Biển Đông như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, Nhật Bản, Canada với mục đích thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc và bảo vệ tự do hàng hải. Do đó, trong những tháng tới, Biển Đông sẽ có mật độ tàu chiến rất đông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh khu vực.

          Đối với Việt Nam, hành động của các nước có thể đem đến những thuận lợi và khó khăn. Có thể nhờ sức ép của các nước, Trung Quốc sẽ “chùn tay” và không dám tiếp tục thực hiện các hoạt động gây hấn trên Biển Đông. Tuy nhiên, cần đề phòng trường hợp Trung Quốc “trút giận” lên các nước nhỏ hơn trong khu vực, mà Việt Nam là một đối tượng chính trong đó.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 11/3/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có những tuyên bố hết sức cương quyết: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vi phạm chủ quyền đối với 02 quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông” nhưng cũng hết sức mềm dẻo: “Duy trì hòa bình, ổn định, trật tự an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước trên Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 là mục tiêu, lợi ích lâu dài. Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế ở Biển Đông”.

Như vậy, chúng ta đã xác định rõ Biển Đông là một phần máu thịt của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi tình huống có thể xảy ra, Việt Nam luôn cần phải đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ, không khoan nhượng, sử dụng biện pháp hòa bình theo đúng cách ứng xử khéo léo, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp; phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền; đồng thời giữ vững môi trường biển đảo để phát triển đất nước, giữ vững mối đoàn kết bang giao với tất cả các nước, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên thế giới, kiên quyết không để tranh chấp Biển Đông biến thành tranh chấp quốc tế; đồng thời cũng cần có sự tỉnh táo, tránh bị cuốn vào tranh chấp giữa các nước lớn./.

 

1 nhận xét:

  1. Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

    Trả lờiXóa