QĐND Online - 76% người dân Liên Xô ngày 17-3-1991 đã bày tỏ ủng hộ việc duy trì Liên bang, mà không hề biết rằng, họ đang bỏ phiếu ủng hộ cho Liên Xô sụp đổ.
Mikhail Gorbachev - Tổng thống đầu tiên và cũng là duy nhất của Liên Xô. |
Sắp tới, ngày 17-3, tròn 30 năm ngày Liên Xô tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lịch sử dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc này (17-3-1991 – 17-3-2021). Tờ “Pronedra” của Nga mới đây đăng bài viết của tác giả Yulia Yakobson với nhan đề “Liên Xô sụp đổ và vai trò của Mikhail Gorbachev trong việc làm tan rã một nhà nước rộng lớn”. Tác giả viết, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) tan rã trùng với thời điểm Tổng thống đầu tiên và cũng là duy nhất của quốc gia này, Mikhail Gorbachev, lên nắm quyền. Trước năm 1985, Mikhail Gorbachev là cái tên còn chưa được nhiều người biết đến, nhưng chỉ 5 năm sau đó, ông đã ghi tên mình vào lịch sử và địa chính trị thế giới. Gorbachev gần như được coi là người đã làm tan rã một nhà nước rộng lớn. Sự sụp đổ của Liên Xô không diễn ra ngay lập tức, mà đó là kết quả của một chương trình kinh tế và tư tưởng được lên kế hoạch kỹ càng. Câu khẩu hiệu “Cải tổ - Dân chủ - Công khai” đã thu hút sự quan tâm của giới trí thức, những người lúc đó không thể lý giải được ý nghĩa sâu xa của những từ trong câu khẩu hiệu này.
Hai năm sau khi lên nắm quyền và chỉnh đốn hàng ngũ đảng viên dưới quyền, Mikhail Gorbachev tuyên bố thay đổi toàn diện nhà nước Xô Viết và cho rằng, “cải tổ là từ mang nhiều nghĩa và đầy hàm ý”. Nhưng trong nhiều từ đồng nghĩa của ông, nếu chọn ra một từ đúng nghĩa nhất, thì có thể nói rằng, “cải tổ chính là một cuộc cách mạng”. Như vậy, Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đã xác định nhiệm vụ không phải là cải cách dần dần, mà là thay đổi thông qua việc hủy hoại và cắt đứt tính kế thừa. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm đã được lịch sử văn minh hàng thế kỷ qua chứng minh.
Từ năm 1985, Gorbachev bắt đầu kế hoạch 5 năm làm sụp đổ một cường quốc
Với việc theo chân “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô là Alexander Yakovlev, quá trình hủy hoại này vào cuối những năm 1980 diễn ra không giống như một cuộc xung đột giai cấp, mà là sự thay đổi âm thầm trong nhận thức và tư tưởng của mỗi người. Gorbachev đã cùng với Yakovlev âm thầm phá hoại nền tảng văn hóa con người Xô Viết bằng cách “giết dần giết mòn” từng chút một vào nền tảng đó.
Phiếu trưng cầu dân ý tại Liên Xô ngày 17-3-1991 với nội dung “Theo bạn, Có hay Không nên duy trì Liên Xô như một liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng, được đảm bảo đầy đủ quyền và tự do của con người thuộc mọi dân tộc?”. |
Ngoài ra, hỗ trợ đắc lực cho quá trình “cải tổ” này còn có các nhóm văn hóa – xã hội của Liên Xô lúc đó như: Một bộ phận các cơ quan Đảng và Nhà nước muốn vượt qua cuộc khủng hoảng “danh chính ngôn thuận” đã chín muồi, mà vẫn giữ được vị thế của mình; một bộ phận giới trí thức mơ tưởng về tự do và chủ nghĩa phương Tây (chính bộ phận này đã thúc đẩy tư tưởng mơ hồ về tự do và dân chủ, cũng như hình ảnh “những quầy hàng chất đầy thực phẩm”); giới tội phạm có liên quan đến kinh tế ngầm.
Vào thời gian cuối, sự sụp đổ của Liên Xô diễn ra hết tốc lực, trong khi giai đoạn đầu “cải tổ” là một cuộc “cách mạng về nhận thức” được che đậy bằng một thuật ngữ rất mĩ miều là “Công khai hóa”.
Gorbachev và thủ đoạn tinh vi bằng nhận thức
“Công khai hóa” đã dần dần phá hủy toàn bộ nguyên tắc và nền tảng vốn đã hình thành từ trước đó rất lâu. Báo chí bắt đầu đăng tải những bài viết theo chính sách “ngu dân” về đề tài lịch sử và kinh tế kiểu như: “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ nói ra cho các bạn toàn bộ sự thật”.
Để cổ vũ cho hành vi phá hoại của Gorbachev và Yakovlev, một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của Liên Xô đã được tổ chức. Chính việc này đã vi phạm tất cả những điều kiêng kỵ từ trước tới nay ở quốc gia này, bởi người dân Liên Xô vốn hàng thập kỷ qua đã sống trong một đất nước rộng lớn, nay lại đưa ra những vấn đề kỳ lạ đối với họ.
Một câu hỏi trưng cầu ý dân đã giúp Gorbachev làm sụp đổ Liên Xô
Xin nói thêm về câu hỏi được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Ngay từ đầu, cách diễn đạt câu hỏi ghi trên lá phiếu trưng cầu là rất khó hiểu, cụ thể là: “Theo bạn, Có hay Không nên duy trì Liên Xô như một liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền bình đẳng, được đảm bảo đầy đủ quyền và tự do của con người thuộc mọi dân tộc?”
Mikhail Gorbachev. Ảnh: Deita.ru |
Tuy nhiên tại thời điểm đó, cách diễn đạt này trông có vẻ nghiêm túc và đầy trách nhiệm, điều mà “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô Alexander Yakovlev rất quan tâm. Khi đề xuất mô hình “liên bang đổi mới gồm những nước cộng hòa có chủ quyền”, ông ta tỏ ra mâu thuẫn về mặt logic nhưng đã chủ ý làm việc này – đó là thủ đoạn bằng nhận thức trong hành động.
Ý tưởng “phá hoại nhà nước Xô Viết” được áp dụng vào nhận thức xã hội trong suốt nhiều năm cuối cùng cũng đã chi phối trong hệ tư tưởng. Tuy nhiên, 76% người dân Liên Xô ngày 17/3/1991 đã bày tỏ ủng hộ việc duy trì Liên bang, mà không hề biết rằng, họ đang bỏ phiếu ủng hộ cho Liên Xô sụp đổ. Mikhail Gorbachev cũng đã lường trước được việc này. Cuối năm đó, bản đồ chính trị thế giới bất ngờ thay đổi, dẫn đến sự tan rã một nhà nước rộng lớn – Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.
Hé lộ vai trò của Gorbachev đối với sự sụp đổ của Liên Xô
Trong bài viết đăng trên tờ “Rambler” dẫn lời hãng tin “Deita” cho biết, tháng 10-1980 Milkhail Gorbachev trở thành Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Đúng 10 năm sau, vào tháng 10-1990, ông đoạt giải Nobel Hòa bình. Nhà hoạt động chính trị, cựu lãnh đạo một cơ quan tình báo đã hé lộ vai trò của Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev trong việc làm tan rã cường quốc này. Theo lời kể lại của ông này trên truyền hình ITON.TV, sau cuộc gặp với Gorbachev, điệp viên tình báo đã vô cùng ngạc nhiên rằng: “Tại sao người ta lại để cho một kẻ tiểu nhân như vậy lãnh đạo cả một đế chế? Chính ông ta cũng không thể hiểu được tại sao”. Theo Kedmi, vấn đề của nhà nước là ở chỗ, những người như vậy lại được lên nắm quyền lãnh đạo. Gorbachev còn không hề tham gia chạy đua quyền lực như Khrushev hay Brezhnev, mà chính các đồng chí đã đưa ông ta lên nắm quyền. Andropov và Gromyko dường như là những người thông minh khi hình thành nên giới tinh hoa. Nhưng theo Kedmi, chính giới tinh hoa này đã làm cho nhà nước sụp đổ.
Theo nhận định, Gorbachev trên cương vị lãnh đạo nhà nước đã cho thấy sự ngây thơ đến kỳ lạ và niềm tin vào âm mưu diễn biến hòa bình của phương Tây. Gorbachev nghĩ rằng, đất nước của ông ta sẽ được để cho yên bình. Ông ta không nghĩ rằng, NATO có thể lừa dối trắng trợn như vậ. Vị cựu lãnh đạo cơ quan tình báo cho biết, dẫn chứng các thỏa thuận miệng không có trong văn bản của Tổng thống Mỹ và Liên Xô về việc không mở rộng liên minh quân sự về phía Đông. Đó là niềm tin của một kẻ ngu ngốc đầy ngây thơ. Mikhail Gorbachev không hề giải quyết một vấn đề nào trong không gian Xô viết, bao gồm cả vấn đề Karabakh, thậm chí còn khơi mào mọi vấn đề trong đó. Và có rất nhiều vấn đề đã bùng phát: từ Pridnestrov và Kyrgyzstan đến Baku, Vilnius và Tbilisi..
Alexander Yakovlev - “kiến trúc sư cải tổ”, “cha đẻ công khai hóa”
Theo thông tin đăng trên “RIA Novosti”, Alexander Yakovlev (1923-2005) được biết đến với các biệt danh là “kiến trúc sư cải tổ” và “cha đẻ công khai hóa” của Liên Xô. Ông sinh ngày 2-12-1923 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Korolevo, tỉnh Yaroslavl (Liên Xô). Nhờ thành tích chiến đấu trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1944.
Năm 1946, ông tốt nghiệp Khoa lịch sử Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Yaroslavl mang tên K.D. Ushinsky. Trong thời gian đi học, ông phụ trách Bộ môn huấn luyện thể dục quân sự. Ông còn tốt nghiệp Trường Đảng cao cấp trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 1958-1959, Alexander Yakovlev được cử sang thực tập tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), sau đó tiếp tục công việc tại Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1965 ông là Phó Trưởng ban tuyên truyền, và từ năm 1969 đến 1973 là Trưởng ban.
Alexander Yakovlev (bên trái) và Mikhail Gorbachev tại Canada năm 1983. |
Tháng 11-1972, báo Văn học đăng bài viết của ông có nhan đề “Chống chủ nghĩa phản lịch sử”. Vì bài báo này, năm 1973 ông đã bị cách chức và thuyên chuyển sang Canada làm đại sứ Liên Xô trong 10 năm.
Công cuộc “cải tổ” đã cho Yakovlev cơ hội trở về Liên Xô hoạt động tích cực trên chính trường. Năm 1983, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã khăng khăng đề nghị cho Yakovlev trở về Mátxcơva.
Từ năm 1983 đến 1985, Alexander Yakovlev giữ chức Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Năm 1984, ông được bầu làm đại biểu Hội đồng Tối cao Liên Xô. Mùa Hè năm 1985, ông được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Năm 1986, Yakovlev được bầu làm Ủy viên, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách các vấn đề tư tưởng, thông tin và văn hóa.
Tại Hội nghị Trung ương diễn ra vào tháng 01-1987, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, đến tháng 6-1987 cũng tại Hội nghị Trung ương, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ tháng 9-1987, ông là Ủy viên Ủy ban của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu bổ sung các tài liệu liên quan đến các vụ trấn áp những năm 1930-1940 và đầu những năm 1950, còn từ tháng 10-1988 – là Chủ tịch Ủy ban này.
Năm 1988, tại Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ XIX đã thành lập Ủy ban soạn thảo nghị quyết về công khai hóa do Alexander Yakovlev đứng đầu. Ủy ban này đã trình bày văn kiện đề cập đến việc cải tổ trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Tại Hội nghị Trung ương tháng 9-1988 đã phân công nhiệm vụ cho các Bí thư Trung ương Đảng, và Yakovlev trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng về các vấn đề quốc tế.
Mùa xuân năm 1989, Yakovlev được bầu làm Đại biểu nhân dân Liên Xô.
Từ tháng 3-1990 đến tháng 01-1991, ông là Ủy viên Hội đồng Tổng thống Liên Xô. Sau khi được cử giữ chức này một ngày, ông đã nộp đơn xin rút khỏi bộ máy các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tuy nhiên vẫn tiếp tục giữ chức Bí thư Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị cho đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XXVII.
Sau khi giải tán Hội đồng Tổng thống, Alexander Yakovlev được cử làm cố vấn cấp cao của Tổng thống Liên Xô. Ngày 27-7-1991, ông nộp đơn xin thôi chức vụ này.
Ngày 22-7-1991, ông cùng với Alexander Volsky, Nikolai Petrakovy, Gavriil Popovy, Anatoly Sobchak, Ivan Silaevy, Stanislav Shataliny, Eduard Shevardnadze và Alexander Rutsky, ký tuyên bố thành lập Phong trào cải cách dân chủ, sau đó tham gia vào Hội đồng chính trị của Phong trào này.
Ngày 15-8-1991, Ủy ban kiểm tra Trung ương đề xuất khai trừ Đảng đối với Yakovlev vì những phát biểu và hành động gây chia rẽ nội bộ Đảng. Ngày 16-8-1991, ông tuyên bố rút khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 20-8-1991, ông phát biểu tại cuộc mít-tinh bên ngoài tòa nhà Hội đồng thành phố Mátxcơva nhằm ủng hộ chính quyền hợp pháp, chống lại vụ bạo động của Ủy ban Quốc gia về tình trạng khẩn cấp. Cuối tháng 9-1991, ông được cử làm Cố vấn phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt kiêm Thành viên Hội đồng cố vấn chính trị của Tổng thống Liên Xô.
Giữa tháng 12-1991, tại Đại hội thành lập Phong trào cải cách dân chủ, Alexander Yakovlev được bầu làm đồng Chủ tịch Phong trào này.
Cuối tháng 12-1991, ông tham dự sự kiện chuyển giao chính quyền từ Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cho Tổng thống Liên bang Nga Boris Eltsin.
Trong những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Alexander Yakovlev tích cực viết và giảng dạy về lịch sử, chính trị và kinh tế. Ngoài ra, ông còn giữ chức lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Nga và tổ chức Dân chủ quốc tế. Dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin (từ năm 1991 đến 1999), Yakovlev được ví như là “nhà tư tưởng chủ đạo của nền dân chủ Nga”. Ông qua đời ngày 18-10-2005 tại Moscow, thọ 82 tuổi.
Theo hãng tin Nga RIA Novosti, kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu ý kiến dư luận toàn Nga (VTsIOM) thực hiện mới đây cho thấy, 51% người Nga cho rằng, Mikhail Gorbachev lúc đó nghĩ đến lợi ích quốc gia, nhưng đã tính toán sai lầm nghiêm trọng. 22% coi ông là “tội đồ” đã chủ ý làm tan rã một cường quốc vĩ đại, 11% coi ông là “người can đảm”, không sợ chịu trách nhiệm và tiến hành những cải cách cần thiết trong nước. |
QUỐC KHÁNH (tổng hợp theo Pronedra, Rambler, RIA Novosti)
Chỉ cần một bước sai lầm cũng có thể làm tan rã cả một đất nước
Trả lờiXóa