Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

TƯ TƯỞNG “THÀ ÍT MÀ TỐT” CỦA V.I.LÊNIN VỚI VẤN ĐỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TINH GỌN, HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



Tác phẩm “Thà ít mà tốt” được V.I.Lênin đọc cho thư ký ghi lại trong nhiều ngày và công bố trên báo Sự thật số 49 ngày 4-3-1923. Trong tác phẩm, V.I.Lênin đã đánh giá một cách khách quan thành tựu to lớn của bộ máy nhà nước Xô viết sau 05 năm thành lập. Một bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới thực hiện sứ mệnh trong điều kiện đất nước kết thúc nội chiến tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh củng cố chế độ, khôi phục kinh tế. Nền kinh tế nước Nga có sự chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản phẩm nông nghiệp tăng nhanh, quan hệ giao lưu hàng hóa trong nước phát triển, đã cơ bản chấm dứt tình trạng ngăn sông cấm chợ, đời sống của nhân dân nước Nga từng bước được cải thiện.
Nhà nước Xô Viết lúc này đã nắm giữ được những ngành kinh tế trọng yếu như: Ngân hàng, đường sắt, nội thương, ngoại thương… đã tạo được đà để chuyển sang phát triển nền kinh tế với tốc độ và quy mô lớn. Đảng Bônsêvích đã lãnh đạo thành công cách mạng Tháng 10, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo toàn xã hội. Nhà nước Xô Viết đã chi phối và khống chế được giai cấp tư sản, khối liên minh công - nông được củng cố vững chắc hơn. Địa vị của nước Nga trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Chính sách của Đảng đã được V.I.Lênin trình bày một cách toàn diện trong Đại hội 11 (1922). Đại hội khẳng định: Nhiệm vụ xuyên suốt của cách mạng nước Nga là bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nhiệm vụ đối nội, đối ngoại được đặt ra hết sức to lớn. Những thành tựu của nhà nước đó, theo V.I.Lênin, dẫu cho bộ máy nhà nước của chúng ta còn kém cỏi, nhưng nó đã được sáng tạo ra, đó là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, một nhà nước kiểu vô sản đã được sáng tạo ra.
Tuy nhiên, biện chứng của vấn đề không cho phép dừng lại ở đó. V.I. Lênin đã nhận thấy và chỉ ra các yếu kém về bộ máy nhà nước quá cồng kềnh về biên chế tổ chức, yếu kém về năng lực quản lý nền kinh tế đất nước và các lĩnh vực xã hội. Năng lực lãnh đạo, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, phong cách và kinh nghiệm công tác, trình độ học vấn của một số lớn cán bộ, đảng viên, nhân viên trong bộ máy của Đảng, Nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế và không đủ sức đảm đương các cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mình. Công tác thanh tra của Nhà nước và công tác kiểm tra của Đảng hoạt động không đồng bộ và kém hiệu quả. Bản thân một số cán bộ thiếu vững vàng, quan liêu, gia trưởng, ảnh hưởng tư tưởng của người sản xuất nhỏ, tệ nạn quan liêu, hách dịch, bàn giấy rất nặng nề.
Tác phẩm “Thà ít mà tốt” có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Nó trang bị cho những người cộng sản lý luận về xây dựng nhà nước Xô Viết đứng vững và phát triển. Hiện nay tác phẩm này của V.I.Lênin đã và đang tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản về xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Sự nghiệp đổi mới toàn diện ở nước ta đòi hỏi cải cách bộ máy nhà nước trong sạch và vững mạnh. Để thực hiện, có hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ những chỉ dẫn quý báu của V.I.Lênin theo phương châm: “Thà ít mà tốt”. Cần quán triệt và thực hiện tốt những chỉ dẫn phương pháp luận rút ra từ tác phẩm về: Sự kế thừa văn hóa trong xây dựng văn hóa vô sản và xây dựng cải cách bộ máy nhà nước; Sự tiếp thu những thành tựu lý luận, thực tiễn trong xây dựng bộ máy nhà nước ở các nước tư bản tiên tiến có mô hình nhà nước pháp quyền tương đối hoàn thiện và sự tận dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vào xây dụng chính phủ điện tử; Sự giữ vững lập trường, nguyên tắc về lãnh đạo của Đảng với nhà nước và cơ sở nền tảng khối liên minh công – nông – trí; Về sự kết hợp một cách hợp lý giữa cơ quan Đảng và Nhà nước ở những lĩnh vực, công việc có thể: “Làm thế nào có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô-viết? Như vậy, có phải là không có cái gì không thể dung nạp được hay sao?... Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong một bộ dân uỷ như Bộ dân uỷ ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới thành lập?”[1]; Chỉ dẫn về vai trò, hiệu quả của cơ quan thanh tra và ủy ban kiểm tra trung ương trong phòng chống tham nhũng, trong nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, một nhà nước mà sự ưu việt của nó đòi hỏi phải lớn hơn hàng nghìn lần so với nhà nước tư sản.
Đi lên chủ nghĩa xã hội mà là con đường đúng đắn nhất để Nhà nước ta thực hiện được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng, cải cách, làm trong sạch bộ máy nhà nước, phát huy hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước là vấn đề cơ bản của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Điều đó càng phải nghiên cứu, nắm vững những quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề cải tổ bộ máy nhà nước.
Thiện Trí





[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb CTQG, H.2006, tr.452.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét