Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

THỰC CHẤT “NHÂN BẢN, LIÊM SỈ” CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA VÀ HOA KỲ TRONG SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN 1968


Phạm Trung
Ngày 29/12/2017, trên trang VOA Tiếng Việt, tác giả Trân Văn[1] có bài viết ““Tài tình, sáng suốt” nuốt cả nhân bảnliêm sỉ”. Mục đích của bài viết là dựa vào Tuyên bố đơn phương ngừng bắn của các bên tham chiến về mặt thời gian, thời điểm nổ súng để phê phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam “nuốt cả nhân bản, liêm sỉ”, gián tiếp ca ngợi tính “nhân bản, liêm sỉ” của Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ trong sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968.
Trước hết, cần phải hiểu nhân bản và liêm sỉ là gì. Nhân bản được hiểu theo hai nghĩa: Tạo ra nhiều bản giống nhau hoặc nhân văn[2]. Nhân bản sử dụng trong bài viết của Trân Văn nhiều khả năng theo nghĩa nhân văn (cái tốt, cái đẹp do con người, vì con người). Liêm sỉ nghĩa là “Bản tính trong sạch, biết tránh không làm những việc mình phải xấu hổ.”[3]. Theo đó, nhân bản, liêm sỉ đều là những điều tốt đẹp, chính nghĩa, giải phóng con người, vì con người. Trong cuộc chiến giữa một bên là kẻ xâm lược, bóc lột (Hoa Kỳ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa) và một bên bị xâm lược, bóc lột (nhân dân Việt Nam - đại diện là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam), cả thế giới không khó để phân biệt bên nào là nhân bản, liêm sỉ, bên nào là phi nhân bản, liêm sỉ. Đây là một nội dung lớn, ở góc độ toàn cục, lịch sử thế giới đã thừa nhận, không được đề cập đến trong bài viết của Trân Văn.
Bài viết của Trân Văn chỉ lấy một chi tiết nhỏ trong một chiến dịch của một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm để đánh giá tính “nhân bản, liêm sỉ” của các bên tham chiến. Chẳng lẽ đây lại là một cách đánh giá khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển? Không, đây là cách mà một nhà báo đã “28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau” thường hay sử dụng trong các bài viết chống phá Việt Nam trên trang VOA Tiếng Việt.
Tác giả Trân Văn và cả thế giới đều biết: Trước thời điểm Tết Mậu Thân năm 1968, các bên tham chiến đã có một số tuyên bố chính thức về việc sẽ tạm ngừng bắn trong dịp Tết, cụ thể như sau:
Trong buổi phát thanh ngày 19/10/1967, Đài Tiếng nói Việt Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố tự nguyện ngừng bắn từ 01h00 sáng giờ Hà Nội ngày 27/1/1968 đến 01h00 sáng giờ Hà Nội ngày 3/2/1968, thời gian ngừng bắn là 7 ngày. Ngày 17/11/1967, Đài phát thanh Giải phóng của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Quân Giải phóng sẽ tự nguyện ngừng bắn từ 01h00 sáng giờ Hà Nội - 00h00 giờ Sài Gòn ngày 27/1/1968 (28 tháng Chạp) đến 01h00 sáng giờ Hà Nội - 00h00 giờ Sài Gòn ngày 3/2/1968 (ngày 05 tháng Giêng - Âm lịch). Tổng thời gian ngừng bắn là 7 ngày. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam có cùng thời gian ngừng bắn.
Đối với phe Việt Nam Cộng hòa, ngày 16/12/1967, chính quyền Sài Gòn tuyên bố trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ sẽ ngừng bắn trong 48h (02 ngày) từ 00h00 ngày 30/1/1968 (02 tháng Giêng - Âm lịch) đến 00h00 ngày 01/02/1968 (04 tháng Giêng - Âm lịch).
Nhìn vào các mốc thời gian và tuyên bố của các bên tham chiến thấy rằng, nhân dân Việt Nam - đại diện là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chủ động, thiện chí tuyên bố ngừng bắn nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc sớm hơn, trong khoảng thời gian dài hơn (7 ngày), bao gồm cả khắc giao thừa, ngày mùng một, mùng hai, mùng ba Tết, đến tận 05 tháng Giêng. Phe Việt Nam Cộng hòa có chủ trương ngừng bắn muộn hơn, thời gian ngắn hơn (2 ngày), không ngừng bắn trong thời khắc giao thừa và ngày mùng một Tết. Xét về mặt hình thức, hiện tượng bên ngoài cũng có thể khẳng định Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ rất hiếu chiến, không thèm quan tâm đến thời gian tuyên bố ngừng bắn của đối phương và những thời khắc thiêng liêng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Xét về mặt nội dung, bản chất bên trong, cần chú ý một chi tiết quan trọng diễn biến ngay sau đó mà Trân Văn cố gắng lờ đi trong bài viết của mình. Đó là, tuyên bố ngừng bắn ngày 16/12/1967 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã sớm bị Hoa Kỳ ra lệnh hủy bỏ. Trước sức ép của Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn đã rút ngắn thời gian ngừng bắn. Ngày 21/01/1968, cả Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cùng tuyên bố ngừng bắn đơn phương trong khoảng thời gian 12 giờ từ 18h00 ngày 29/1/1968 (01 tháng Giêng) đến 06h00 ngày 30/1/1968 (02 tháng Giêng). Năm ngày sau, ngày 25/01/1968, Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker cùng Đại tướng William Westmoreland yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dỡ bỏ ngừng bắn từ Vùng chiến thuật I đến phía nam thành phố Vinh - Nghệ An, bởi vì quân đội Hoa Kỳ không ăn Tết âm lịch. Giới hạn lệnh ngừng bắn là để quân đội Hoa Kỳ có thể tiếp tục ném bom và càn quét tại các khu vực này. Chiều muộn ngày 29/01/1968 (01 tháng Giêng), Đại sứ quán Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa mới chính thức đưa ra thông cáo báo chí về việc hủy ngừng bắn tại Vùng I chiến thuật đến nam thành phố Vinh. 
Bản chất hiếu chiến, xâm lược của Hoa Kỳ và chính quyền tay sai bộc lộ qua từng chi tiết nhỏ, từ tuyên bố đơn phương ngừng bắn, hủy bỏ tuyên bố, rút ngắn thời gian, giới hạn lệnh ngừng bắn, .v.v.. Mặc dù Quân Giải phóng đã tuyên bố ngừng bắn nhưng đối phương không có thiện chí ủng hộ, chẳng lẽ lại ngồi yên chấp nhận bị đánh, để cho chúng mặc sức ném bom, càn quét, sát hại dân thường. Chiến đấu với đội quân xâm lược hiếu chiến và nhiều thủ đoạn thì phải biết “tương kế, tựu kế”. Do đó, sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tuyên bố hủy bỏ ngừng bắn tại Vùng I chiến thuật, đúng 01h00 sáng ngày 30/01 giờ Sài Gòn (00h00 ngày 30/01 theo giờ Hà Nội), Quân Giải phóng phát lệnh tấn công tại Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Tới 10h00 (giờ Sài Gòn) ngày 30/01/1968, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố hủy bỏ ngừng bắn trên toàn bộ miền Nam. Đêm 30, rạng sáng ngày 31/01, Quân Giải phóng phát lệnh tổng tấn công và nổi dậy toàn miền Nam. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã nổ ra và giành được những thắng lợi lịch sử, buộc Mỹ phải hạn chế ném bom ở Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán.
Hiện nay, trong cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Như thường lệ, Trân Văn lại sử dụng kinh nghiệm viết báo “xuyên tạc lịch sử” hòng tạo ra cái nhìn sai lệch về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, phủ nhận tính nhân văn, chính nghĩa của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam; ngầm che giấu bản chất hiếu chiến, xâm lược của Hoa Kỳ và chức năng tay sai, tính “ngụy quân”, “ngụy quyền” của chính quyền Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) trong cuộc chiến tranh ấy. “Trân Văn” nhiều khả năng có nghĩa là “trân trân”, “nhơn nhơn” xuyên tạc sự kiện lịch sử. Hãy đổi tên thành “Chân Văn” để hiểu đúng về “nhân bản, liêm sỉ” trong lịch sử.





[1] Bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau ở một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
[2] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt 2003, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Đà Nẵng - Hà Nội 2003, tr.709 - 710.
[3] Sdd, tr.567.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét