Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

2018 - Năm đẩy lùi các nguy cơ làm suy yếu Đảng


Ảnh minh họa - Nguồn: tuyengiao.vn
Năm 2017 là năm những hành động cụ thể trong chống tham nhũng, chống lạm dụng chức vụ, quyền hạn được thực hiện quyết liệt, báo hiệu cho một năm 2018 đầy bận rộn của ngành Tòa án, Viện Kiểm sát, đòi hỏi hai ngành này phải thực sự trách nhiệm mới đảm đương được. Bởi, đấu tranh để phát hiện là bước đi đầy khó khăn nhưng kết thúc một cách công bằng, không bỏ lọt người, lọt tội thông qua xét xử của pháp luật cũng không hề dễ dàng. 
Năm 2017, Ban Bí thư đã ra quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật đồng chí Phạm Văn Vọng bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015; thi hành kỷ luật đảng đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh; kỷ luật ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai ông Thanh) giữ các chức vụ khi không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh vì đã vi phạm các quy định về công tác cán bộ, thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm; cách chức nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đối với ông Nguyễn Phong Quang; miễn nhiệm Ủy viên Ban cán sự đảng và chức Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa… Đặc biệt, ông Ðinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, phân công làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; sau đó bị đình chỉ các chức vụ trong Ðảng, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt tạm giam, truy tố và đưa ra xét xử, vì hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN thời gian ông làm Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ðây là lần đầu tiên, một cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật với các hình thức nghiêm minh như vậy.
Năm 2018, một số đại án phức tạp, như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm (phần Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại và các kiến nghị của Hội đồng xét xử)… tiếp tục được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban) chỉ đạo sẽ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử và tiếp tục xét xử. Vụ xét xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ngay từ đầu tháng 1-2018 là một tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Đây chính là những vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với những kỳ vọng về sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Những ngày cuối cùng của năm 2017 (22-12), vụ việc Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nova Bắc Nam 79 (Cty Chấn Phong) bị Cơ quan điều tra Bộ Công an truy nã về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân. Vụ án báo hiệu một đại án liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục được làm rõ trong năm 2018.
Nhìn lại các vụ việc trên thấy một thực tế:
Thứ nhất, có hiện tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan tham mưu, cơ quan công quyền có mối liên kết với doanh nghiệp. Có những trường hợp là cá nhân cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý bị các doanh nghiệp mua chuộc, hối lộ nhưng cũng có trường hợp là hai bên cùng tìm đến nhau vì lợi ích chung, thậm chí có doanh nghiệp chính là “con đẻ”, là “sân sau” của các cán bộ lãnh đạo, quản lý… 
Thứ hai, có sự hình thành các nhóm lợi ích. Chỉ qua một số đại án đã thấy không chỉ có nhóm lợi ích kinh tế, nhóm lợi ích chính trị mà có cả dạng kết hợp của hai nhóm lợi ích này. Nó thể hiện rõ khi các doanh nghiệp dùng tiền để mua chuộc quan chức, từ đó chi phối các chính sách, khiến chính các cán bộ của Đảng, Nhà nước làm sai các quy định của Đảng, Nhà nước; thậm chí các chủ doanh nghiệp dùng tiền để chạy vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan công quyền. 
Thứ ba, sự suy yếu về đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất chấp dư luận, bất chấp các quy định, Điều lệ Đảng, quy định pháp luật để tham nhũng, để lộng quyền, để sống xa hoa, để bổ nhiệm người thân, người có quan hệ đặc biệt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý… 
Thứ tư, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng yếu kém, không dám đấu tranh, phê bình khi trong chi bộ, đảng bộ có cá nhân có biểu hiện vi phạm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước…
Năm 2017, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, là tiền đề vững chắc để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nhiệm vụ chống tham nhũng, vốn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ XII của Đảng.
Với những thành tựu quan trọng của năm 2017, chắc chắn năm 2018 sẽ là năm khởi đầu với những chuyển biến đi vào thực chất. Những bản án sẽ được tuyên trong năm 2018 không chỉ có ý nghĩa với mỗi cá nhân có vi phạm mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên, những người đang và sẽ giữ trọng trách trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… Và chắc chắn những hiện tượng “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra, hiện tượng “một người làm quan, cả họ làm quan”, hiện tượng “quan lộ thần tốc”, “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng”, hiện tượng quan chức ở biệt phủ, con cái đi xe siêu sang… sẽ giảm và nguy cơ “diễn biến tinh vi, phức tạp hơn…” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tiếp tục chỉ ra hoàn toàn có thể bị đẩy lùi.
Chủ trương xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức được xác định là mấu chốt, cốt lõi làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh đã thực sự cho thấy sự đúng đắn của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa “trong nội bộ” được đánh giá là một Nghị quyết có tầm ảnh hưởng rộng lớn, là Nghị quyết đi vào thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, đáp ứng được cả yêu cầu tự bản thân Đảng cần được tăng cường, củng cố vai trò lãnh đạo và địa vị cầm quyền. Những kết quả thực hiện Nghị quyết ngay trong năm đầu triển khai, đặc biệt là trong công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, chống “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên được đánh giá là đã tạo nền móng vững chắc để đẩy lùi nguy cơ làm suy yếu Đảng - vốn là hai trong bốn nguy cơ đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra. Những kết quả này không chỉ ghi dấu ấn cho nhiệm kỳ khóa XII mà chắc chắn còn để lại dấu ấn cho sau này. Rõ ràng không chỉ mọi đường lối, chủ trương của Đảng mà trong từng chính sách, từng hành động cụ thể Đảng ta đều cho thấy đã và sẽ không bao giờ xa rời mục tiêu xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Và một lần nữa bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng là chìa khóa cho mọi thành công, là nhân tố quyết định thắng lợi công cuộc đổi mới, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước tiếp tục được khẳng định./.
Mai AnhNhàn Thư

1 nhận xét: