Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

ĐỐT VÀNG MÃ MỘT TẬP TỤC MÊ TÍN, DỊ ĐOAN CẦN LOẠI BỎ



Hồng Thủy
Tục đốt vàng mã xuất phát từ Trung Quốc, được du nhập từ có từ xa xưa, theo truyền thuyết từ các triều đại Trung Quốc, khi nhà vua băng hà thì tất cả cung nữ, người hầu sẽ phải bị chôn theo để hầu hạ dưới âm phủ. Sau này, họ thấy việc đó độc ác quá nên mới dùng các hình nhân thế mạng để thay vào.
Ở Việt Nam, tập tục đốt vàng mã đã đi sâu vào tiềm thức trong dân chúng từ lâu, qua nhiều thế hệ rất quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt. Tập tục này tin rằng, sau khi chết, con người tồn tại dưới âm phủ vĩnh hằng. Từ đó, người ta có nhu cầu chăm sóc cho người dưới âm phủ như thể đang còn sống trên trần thế. Dẫn đến những tưởng tượng “trần sao âm vậy” trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng với quan niệm theo phong thủy dân gian làm lễ vật dâng sao cúng khấn “dâng sao, giải hạn” để giảm nhẹ vận hạn do có sao chiếu mệnh xấu như: La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch... Có người lạm dụng mua nhiều hình nhân thế mạng để làm lễ cúng cầu tai qua nạn khỏi cho mình và đốt đi nhằm trốn tránh vận hạn. Những ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7) và nhiều ngày lễ khác như Tết Nguyên đán, giỗ chạp, ngày 15 hay mồng 1 âm lịch hằng tháng người dân thường mua tiền vàng và các đồ vàng mã mô phỏng đồ dùng sinh hoạt để đốt cúng cho người thân đã khuất ở dưới cõi âm.
Những quan niệm trên và tục dùng vàng mã, hình nhân thế mạng để lễ, cúng, đốt là mê tín và lệch lạc cần phải loại bỏ ngay, bởi vì những lý do sau:
Thứ nhất, dùng vàng mã, hình nhân thế mạng để lễ, cúng, đốt mang nặng tính mê tín ngoại lai, không phải xuất xứ từ tín ngưỡng của người Việt. Không có kinh sách nào của Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã dùng hình nhân thế mạng để tế, lễ, dâng cúng cho những người đã mất, quá cố để báo hiếu. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi Ban trị sự Giáo hội phật giáo các tỉnh, thành đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự.
Thứ hai, đốt nhiều vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí tiền của, vô nghĩa, không có tác dụng với người âm và cũng không mang lại niềm hoan hỉ và lợi ích thực sự nảo cả. Ước tính mỗi năm, Việt Nam đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn 400 tỉ đồng, với số tiền mà người dân mua vàng mã để đốt này có thể nuôi được hàng triệu người Việt nghèo khó.
Thứ ba, đốt nhiều vàng mã gây ô nhiễm môi trường. Vàng mã thường, hình nhân thế mạng làm từ các loại giấy tái chế và có nhiều hóa chất tạo màu. Người đốt vàng mã bị hại phổi, khói cùng tro than gây ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, đốt vàng mã là một trong những nguy cơ hỏa hoạn gây cháy nổ cao nhất và mất an toàn. Điển hình là vụ cháy ngày 20/02/2018 ở khu vực sân Đền Mẫu, thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Thứ năm, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Việc đốt vàng mã có tác hại, mang lại nhiều hệ lụy. Không khích lệ tập tục này và tiến tới loại bỏ việc đốt vàng mã là điều cần thiết. Thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cần tìm hiểu kỹ, thấu đáo, sâu xa và tự trang bị cho bản thân mình những tri thức đúng đắn về tín ngưỡng, tâm linh, để có thể duy trì được một xã hội phát triển lành mạnh, văn minh và có chính tín.

1 nhận xét: