Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

BÀN THÊM VỀ CHỦ NGHĨA XÉT LẠI



                                                         Tg: Vĩnh Chân

Có rất nhiều hình thức mà các thế lực phản động, phản cách mạng đã đưa ra để chống chủ nghĩa Mác - Lênin, một trong những hình thức cơ bản nhất đó là xét lại nhằm bóp méo, xuyên tạc làm mất đi bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những thế lực đòi xét lại, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin đã xuất hiện ngay từ lúc C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin còn sống và đã phát triển mạnh khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ và đến tận ngày nay.
Chủ nghĩa xét lại là trào lưu tư tưởng chính trị thù địch với chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất hiện trong nội bộ phong trào công nhân và cộng sản dưới chiêu bài “phê phán”, “xét lại”. Về thực chất, chủ nghĩa xét lại là một biến tướng của chủ nghĩa cơ hội. Cơ sở xã hội của chủ nghĩa xét lại là bộ phận được hưởng đặc quyền trong giai cấp công nhân - tầng lớp công nhân quý tộc, công nhân quan liêu. Cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa xét lại là cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng tư sản và hệ tư tưởng cộng sản trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Nguồn gốc của chủ nghĩa xét lại là do sự thắng lợi của cách mạng vô sản, của chủ nghĩa Mác - Lênin làm cho kẻ thù tức tối và khoác cái áo nhà mácxít để đấu tranh chống lại quyết liệt. Chủ nghĩa xét lại xuất hiện còn do trong hàng ngũ những người cách mạng có những phần tử phản bội, không vững vàng, yếu đuối, bị lợi dụng, không đủ khả năng nhận thức đúng những hiện tượng mới của thực tại, những thay đổi trong sách lược của các đảng cộng sản. Ngoài ra, việc các đảng tư sản cầm quyền áp dụng các phương pháp của chủ nghĩa tự to, chính sách cải cách, chủ nghĩa dân tộc cũng là cơ sở làm xuất hiện chủ nghĩa xét lại.
Ngay từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa xét lại đã trở thành một hiện tượng quốc tế, đòi xét lại học thuyết của C. Mác. Chúng tuyên bố rằng chủ nghĩa duy vật từ lâu đã bị cuộc sống bác bỏ, và chúng đề nghị quay trở lại chủ nghĩa duy tâm của E. Cantơ. Quan niệm biện chứng về cách mạng về phát triển đã bị chúng đề nghị thay bằng thuyết tiến hoá. Chúng cũng tuyên bố rằng những những mâu thuẫn giai cấp đang giảm và mờ nhạt đi, rằng chế độ dân chủ tư sản, quyền đầu phiếu phổ thông sẽ thủ tiêu miếng đất đấu tranh giai cấp. Bọn xét lại phủ nhận cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đưa ra khẩu hiệu “Mục đích cuối cùng không là gì cả, phòng trào là tất cả”.
Đến giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở một số nước vào những năm đầu thế kỷ XX, bọn xét lại mưu toan đẩy các đảng cộng sản vào con đường sai lầm là phủ nhận và bôi nhọ tất cả những thành tựu của chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, tuyên truyền tư tưởng cải lương, đòi tự do lập các nhóm phái và thậm chí đòi thủ tiêu các đảng mácxít-lêninnít. Đến nửa cuối những năm 60 của thế kỷ XX chủ nghĩa xét lại được khôi phục ở Tiệp Khắc với mưu toan đẩy nước này chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa; phủ nhận quy luật chung trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; chống lại tư tưởng về tính tất yếu cách mạng xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản; chống lại những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản; kết hợp sùng bái khoa học kỹ thuật với việc phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đề cao trí thức và sinh viên...
Sau khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xét lại vẫn tích cực hoạt động trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Chúng chống lại lý luận và thực tiễn cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa xã hội hiện thực, đòi bác bỏ những thuật ngữ của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các văn kiện của các đảng cộng sản.
Việt Nam, cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trước tác động của cuộc khủng hoảng của các nước chủ nghĩa xã hội trên thế giới, những tư tưởng xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin đã xuất hiện tạo ra những diễn biến phức tạp trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Các phần tử cơ hội, xét lại phủ nhận những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng lý luận về chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xa rời những nguyên lý của đảng cộng sản; tuyên truyền tư tưởng về dân chủ tư sản; phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân...
Ngày nay, chủ nghĩa xét lại có nhiều biến tướng khác nhau. Tuy nhiên, dù được ngụy trang dưới bất kỳ hình thức nào thì chủ nghĩa xét lại cũng không thể thay đổi được bản chất với những toan tính có mục đích của nó. Chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại thì hệ tư tưởng tư sản và tiểu tư sản vẫn có thể thâm nhập vào phong trào cộng sản, biểu hiện ra ở nhiều hình thức của chủ nghĩa xét lại. Đó là biến tướng của chủ nghĩa cơ hội với ý đồ cản trở sự phát triển của lịch sử nhân loại.







1 nhận xét: