Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

NGỌN NGUỒN SỰ BẤT LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN HOA KỲ TRONG KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN



Cương Trực
Kiểm soát súng đạn - vấn đề không mới nhưng muôn thuở đang nóng lên và nhận được sự quan tâm đặc biệt ở Hoa Kỳ sau khi đất nước này vừa chứng kiến những vụ xả súng liên tục mới xảy ra gần đây như ngày 14/2 ở bang Florida khiến 17 người thiệt mạng hay vụ xả súng quán bar khiến 5 người chết ở Puerto Rico vào ngày 26/02. Tổng thống Donald Trump đã công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng, trong đó có quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh và giáo viên tại các trường học của Hoa Kỳ... Tuy nhiên, ý tưởng này lại chịu sự phản đối mạnh mẽ từ các tài phiệt buôn bán vũ khí.
Đại diện cho Hiệp hội Súng trường Hoa Kỳ (NRA) phát biểu trước báo giới ngày 25/2, người phát ngôn Dana Loesch tuyên bố: những vụ thảm sát không phải là lỗi của tổ chức này mà trách nhiệm thuộc về lực lượng thực thi pháp luật địa phương và sự thiếu hành động của các nhà chính trị. Thậm chí, để bảo vệ quyền lợi của các tài phiệt vũ khí, chủ tịch Hiệp hội Súng trường Hoa Kỳ Wayne Lapierre còn lấp liếm: “Đối với những người phản đối sở hữu súng, súng đạn không phải là vấn đề an toàn mà là vấn đề chính trị. Họ chỉ quan tâm đến việc kiểm soát súng. Mục tiêu của họ là loại bỏ quyền sở hữu súng, loại bỏ quyền tự do cá nhân”.
Quyền lực và giàu có, NRA thường xuyên đóng góp hào phóng cho các chiến dịch vận động bầu cử quốc hội cũng như tổng thống Hoa Kỳ. Tổ chức này hoạt động dựa trên phương pháp cung cấp tài chính và tiến hành các chiến dịch quảng bá cho những ứng viên mà NRA ủng hộ. Cựu tổng thống B. Ôbama cũng từng thừa nhận: việc không thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách cơ chế buôn bán và sở hữu súng đạn là thất vọng lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình. Nỗi thất vọng ấy được bắt nguồn từ NRA khi chính tổ chức này đã gây sức ép cho thượng viện Hoa Kỳ phủ quyết đề xuất của chính quyền Ôbama. Bên cạnh đó, NRA còn là tổ chức sân sau của Donald Trump khi ông ta còn là ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ. Điều này khiến cho nỗ lực kiểm soát súng đạn của Hoa Kỳ càng thêm khó khăn hơn.
Sự bất lực của chính quyền Hoa Kỳ trước việc kiểm soát súng đạn là điều mà không ai có thể phủ nhận được. Vấn đề được chỉ ra ở đây không phải là người dân Hoa Kỳ không muốn kiểm soát súng đạn, không phải chính phủ Hoa Kỳ không muốn chấm dứt các vụ xả súng mà bản chất là không thể thực hiện được. Chính quyền của ông Donald Trump cũng như tất cả tổng thống trước đều là kết quả ủng hộ của các trùm tài phiệt trong đó có tài phiệt vũ khí nên tất nhiên không thể ban bố các chính sách đi ngược lợi ích của các tổ chức này. Do đó, kể từ năm 2012, vấn đề kiểm soát súng đạn đã được đặt ra ở Hoa Kỳ, song cho đến nay vẫn chưa có bất cứ dự luật nào chính thức ra đời.
Như vậy, có thể khẳng định, sự bất lực trong kiểm soát súng đạn tại Hoa Kỳ không phải bắt nguồn ở đâu đó như các tài phiệt vũ khí lấp liếm mà xuất phát từ trong lòng xã hội Hoa Kỳ - nơi được ca tụng là thiên đường của tự do và nhân quyền. Chỉ khi nào chính phủ không còn chịu sự chi phối từ các tài phiệt vũ khí thì súng đạn mới được kiểm soát thực sự, và khi đó, các xụ xả súng sẽ chấm dứt trên đất nước Hoa Kỳ.

1 nhận xét: