Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Bài 2: Giải pháp phòng, chống “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội


Ảnh khai thác và chỉ có tính minh họa.
(Tiếp theo và hết)...
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm trong xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về tác hại của nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực để từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội có chất lượng, hiệu quả.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác tham mưu, người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc nhận thức đúng về tác hại của nhóm lợi ích tiêu cực để từ đó thực hiện đúng, thực hiện tốt chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, không lợi dụng để tạo ra lợi ích nhóm để trục lợi, gây thiệt hại cho Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị và cho xã hội. 
Nếu trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, kể cả doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế nói chung còn nhiều “điểm tối”, không rõ ràng, không đồng bộ, thiếu thống nhất, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn thì đó sẽ là cơ hội, là cơ sở cho nhóm lợi ích tiêu cực hình thành, phát triển, dẫn đến lợi ích nhóm tiêu cực cũng hình thành và phát triển, gây tác hại khôn lường cho xã hội. Vì vậy, một trong những giải pháp làm cho lợi ích nhóm tiêu cực ít có cơ hội hình thành và phát triển là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi trong cuộc sống, không bị lợi dụng, lách luật để cấp dưới ban hành chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội hoặc lợi dụng tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, của cấp trên về phát triển kinh tế - xã hội mang tính chất lợi ích nhóm để trục lợi.
Hai là, để thực sự tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm tiêu cực thì phải tăng cường công tác giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu); thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm; nêu cao ý thức thực hiện đúng quy định về đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. 
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần động viên người thân trong gia đình chấp hành nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước, không lợi dụng vị trí công tác của mình để trục lợi. 
Ba là, cần sớm xây dựng những giá trị chuẩn chung, những cơ chế hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo sự đồng thuận trong xã hội. 
Cần hoàn thiện Luật Đầu tư công và làm rõ quyền tự chủ địa phương với yêu cầu quản lý nhà nước tập trung, thống nhất (đặc biệt là trong quy hoạch tổng thể chung và quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường); phân biệt rạch ròi giữa mục tiêu vì lợi nhuận với mục tiêu phi lợi nhuận, nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ kinh tế của các hoạt động đầu tư công; giữa quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh; khắc phục sự thiếu minh bạch trong chính sách, thông tin và cả trong hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường chất lượng, hiệu qủa đầu tư; tăng yêu cầu giải trình, sự phản biện và giám sát xã hội; giảm thiểu căn bệnh thành tích, bệnh coi trọng hình thức trong hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. 
Sớm nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm đề án Trung tâm giao dịch đất của các địa phương để khắc phục tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng và hạn chế khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý đất đai thời gian qua.
Bốn là, cấp ủy, tổ chức đảng, uỷ ban kiểm tra cấp trên chú trọng, tăng cường, đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung kiểm tra, giám sát, kiểm soát cán bộ, đảng viên dưới quyền trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là phải hết sức coi trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực (quyền lực chính trị, quyền lực hành chính, quyền lực kinh tế) của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cơ quan, đơn vị, kể cả cán bộ tham mưu cấp chiến lược từ cấp tỉnh trở lên trong việc tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết vể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lực chính trị, quyền lực hành chính, quyền lực kinh tế đều phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ bằng chế độ, quy định cụ thể, không được lạm dụng để trục lợi. Ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, giám sát đối với cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chủ trì ở các cấp trước khi kết thúc nhiệm kỳ để chống "tư duy nhiệm kỳ" và "lợi ích nhóm" (1).
Năm là, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức gắn với đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn lợi ích nhóm tiêu cực để trục lợi trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng thực hiện quy định tất cả công chức khi vào làm việc tại cơ quan đảng, chính quyền đều phải kê khai trung thực, đầy đủ, chính xác tài sản của bản thân và của gia đình mình và sau đó phải thực hiện kê khai thường xuyên hằng năm; cuối nhiệm kỳ công tác hoặc trước khi được điều động, điều chuyển, luân chuyển công tác mới, bảo đảm minh bạch các nguồn thu nhập của bản thân và gia đình.
Lợi ích nhóm thực ra là sự câu kết của những cán bộ đương chức thoái hoá biến chất với những kẻ lợi dụng những người này để có được những cơ chế, chính sách có lợi cho mình. Đơn giản chỉ cần một chữ ký, một cái thư tay để thuận tiện trong trong việc cấp đất, cấp dự án cũng sẽ đem lại những lợi ích vô cùng lớn, nhưng không phải cho nhân dân mà là cho một nhóm nhỏ người. Lợi ích nhóm có nhiều cách biểu hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, nhưng không thể không nhận diện được và phòng ngừa, ngăn chặn nó. Vì vậy, phải triệt để xoá bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp", tăng cường minh bạch, công khai hoá để phòng, chống triệt để “lợi ích nhóm”. Rà soát lại công tác cán bộ vì nhân tố con người là quan trọng nhất và quyết định tất cả. Phải xây dựng một bộ tiêu chí cụ thể, sát hợp hơn để đánh giá cán bộ một cách công khai, công bằng, hiệu quả. 
Sáu là, đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hoá, chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá và đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu; khắc phục tình trạng “ô dù”, chạy chọt, nhưng không bảo đảm chất lượng cán bộ; coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, đủ tâm và đủ tầm gánh vác trọng trách để kiên quyết chống biểu hiện “lợi ích nhóm” trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển. 
Có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát và xử lý kịp thời các hoạt động phi pháp, ngăn chặn các biểu hiện bất minh, giàu lên một cách nhanh chóng, lợi ích nhóm tiêu cực, bảo đảm không có cơ hội để lợi dụng tạo ra nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng những công cụ, biện pháp giám sát của cộng đồng, của nhân dân và xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường, bất minh nhằm ngăn chặn sự nảy sinh, phát triển nhóm lợi ích tiêu cực và lợi ích nhóm tiêu cực để trục lợi.
Bảy là, có chủ trương, biện pháp quyết liệt phòng, chống nhóm lợi ích trong một số lĩnh vực nhạy cảm, đang gây bức xúc cho xã hội như trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản; trong thực hiện các dự án đầu tư, kể cả bằng vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài; trong quản lý giá cả; trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại,... 
Thực hiện nghiêm nguyên tắc trong hoạch định chính sách là các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước "không được ngồi cùng mâm" với người xây dựng chính sách, mà phải tách biệt khối doanh nghiệp ra khỏi bộ chủ quản - người xây dựng chính sách; không để tình trạng quan hệ bố con, anh, chị, em chi phối mối quan hệ này. Các bộ ở nước ta hiện nay vừa là bộ chủ quản, vừa là người xây dựng chính sách, vừa là người điều tiết thị trường thì việc bảo vệ cho doanh nghiệp "con" của mình là điều dễ hiểu. Vì vậy, phải coi trọng tham vấn trong xây dựng, hoạch định chủ trương, chính sách, nghị quyết một cách công khai, minh bạch để hạn chế, loại trừ lợi ích nhóm tiêu cực./.
-------------------------------------------------
(1) Để chống tình trạng này, kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy "Quy hoạch chung có thể thay đổi nhà lãnh đạo, quản lý" chứ nhà lãnh đạo quản lý không được thay đổi quy hoạch chung. Điều đó có nghĩa là nhà lãnh đạo, quản lý, khi được giao điều hành thực hiện chính sách, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phải tuân thủ theo quy hoạch chung, không được tự ý thay đổi quy hoạch chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong trường hợp nhà lãnh đạo, quản lý không điều hành thực hiện đúng quy hoạch chung đó, kinh tế - xã hội không phát triển được thì coi như thất bại, không có năng lực thì sẽ bị thay thế bằng nhà lãnh đạo, quản lý khác có khả năng điều hành có hiệu quả hơn. Còn trong trường hợp xét thấy quy hoạch chung cần phải được điều chỉnh thì tự nhà lãnh đạo, quản lý đó không thể tự mình thực hiện, tự quyết định được, phải đề nghị cấp có thẩm quyền lập hội đồng xem xét, quyết định việc điểu chỉnh hay không điều chỉnh. Vấn đề này đã từng bước khắc phục tư duy nhiệm kỳ của các cấp lãnh đạo trong thời gian qua ở Trung Quốc./.

Cao Văn Thống*, TS. Trần Duy Hưng***Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, **Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét