Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI LÀ SỰ LỰA CHỌN TẤT YẾU CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM


                                             Vĩnh Chân

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là vấn đề khách quan của cách mạng Việt Nam, phù hợp với sự phát triển tất yếu của lịch sử, xu thế của thời đại và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Sự phát triển của lịch sử nhân loại cho thấy, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đưa lại độc lập dân tộc thực sự, mới  tạo nên khả năng khách quan để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người toàn diện triệt để. Đồng thời, tính chất của cách mạng vô sản cho thấy, đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để nhất. Mục tiêu cách mạng vô sản  là lật đổ giai cấp thống trị lỗi thời, thiết lập quyền thống trị của giai cấp vô sản để xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa. Vấn đề giành chính quyền,  giành độc lập dân tộc mới chỉ là bước đầu, xây dựng thành công xã hội mới nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người mới là mục tiêu lâu dài và cao cả của cách mạng vô sản.
Đối với dân tộc Việt Nam, độc lập dân tộc  là khát vọng ngàn đời của nhân dân ta. Đồng thời, độc lập dân tộc là quan điểm nhất quán, là quyết tâm cao độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Hồ Chí Minh viết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[1]“Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[2].  
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, độc lập dân tộc trong thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: "Giai cấp tư sản ngày càng xoá bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất và về dân cư. Nó tụ tập dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của sự thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những địa phương độc lập liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, Chính phủ, thuế quan khác nhau thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất"[3]. Khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao, bước vào độc quyền thì vấn đề độc lập dân tộc cũng có những sự vận động, có nhiều thay đổi phức tạp. Đối với nội bộ dân tộc, bọn tư bản độc quyền nắm mọi quyền lực của dân tộc; lợi ích về kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự, ngoại giao của dân tộc bị chi phối bởi lợi ích của tư sản độc quyền và xuất hiện các mâu thuẫn giữa các giai cấp trong lòng dân tộc. Còn quan hệ với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại, những kẻ độc quyền tiến hành xâm lược, nô dịch dân tộc khác, liên minh với các lực lượng độc quyền của các cường quốc để phân chia lại thị trường, thuộc địa. Hành động dã man đó vừa phá vỡ sự thống nhất dân tộc, vừa làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các dân tộc ngày càng sâu sắc. Do đó, đã làm phát triển phong trào giải phóng dân tộc để chống lại sự nô dịch, xâm lược nhằm xác lập quyền độc lập dân tộc mình.
Mục tiêu độc lập dân tộc chúng ta đã giành được, mục tiêu chủ nghĩa xã hội đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, trên con đường phát triển của cách mạng, để mục tiêu chủ nghĩa xã hội thời gian không phải ngắn, cách mạng nước ta đang gặp phải nhiều cản trở, thử thách rất lớn. Một trong những cản trở đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Chúng sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt đã và đang chống phá quyết liệt độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tiếp sức cho chiến lược “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch đang gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, chấp hành kỷ cương, phép nước không nghiêm, làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống của dân tộc nhằm chuyển hoá từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa. chống lại tính tất yếu lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, mặc dù chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô tan rã, Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội không còn là một hệ thống, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại tiến bộ đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng những người cộng sản và nhân dân Việt Nam đã khẳng định “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[4]. Đó còn là sức sống trong triệu triệu trái tim và khối óc của nhân loại tiến bộ.





[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 1995, tập 9, tr. 314.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tập 1, tr. 10.

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 602-603.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG - Sự thật, Hà Nội. 2011, tr. 69.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét