Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

YÊU CẦU CƠ BẢN TRONG ĐẤU TRANH LÝ LUẬN HIỆN NAY

 HH

Đấu tranh lý luận (ĐTLL) là một nội dung, một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, chịu sự quy định và phải phục tùng cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ấy; đồng thời đấu tranh giai cấp, dân tộc còn đặt ra cho cuộc ĐTLL những yêu cầu, nội dung mới. ĐTLL luôn là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta. Đó là hoạt động có tổ chức, mang tính tích cực, chủ động đòi hỏi phải đáp ứng tốt những yêu cầu cơ bản sau:

Một là, giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Một môi trường hoà bình, ổn định là đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới và chấn hưng đất nước, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chiến lược bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới như Đảng ta xác định. ĐTLL phải đáp ứng yêu cầu đó và phục vụ có hiệu quả yêu cầu bức thiết, quan trọng hàng đầu đó. Điều đó đặt ra vấn đề là, không phải vì lo “cố giữ” ổn định chính trị, tư tưởng mà không dám kiên quyết đấu tranh; và cũng không phải chúng ta tích cực đấu tranh nhưng lại thiếu biện pháp đúng đắn, phù hợp, vì điều đó dễ làm cho tình hình chính trị, tư tưởng phát triển theo chiều hướng xấu đi, làm mất ổn định. Vì thế, trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận, đòi hỏi chúng ta vừa phải kiên quyết đấu tranh vừa phải biết đấu tranh, phải biết kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; làm phá sản các quan điểm lý luận sai trái, thù địch. ĐTLL là nhằm vạch rõ tính chất phản động và làm phá sản những quan điểm lý luận, tư tưởng sai trái, thù địch. Song, điều quan trọng là thông qua đó để bảo vệ, khẳng định và phát triển những luận điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đó là hai mặt của một vấn đề tác động và thúc đẩy lẫn nhau, đòi hỏi đều phải đồng thời thực hiện tốt trong quá trình đấu tranh. Làm thất bại các quan điểm sai trái, thù địch chính là góp phần tích cực bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển những tư tưởng, lý luận của CNCN. Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thúc đẩy sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN là điều quyết định làm thất bại, phá sản các quan điểm lý luận sai trái, thù địch. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng phản ánh nội dung, mục đích của quá trình ĐTLL, là phương châm chỉ đạo ĐTLL trong điều kiện mới. Vì vậy, điều quan trọng là trên cơ sở khẳng định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng làm phá sản những quan điểm lý luận sai trái, thù địch. 

Ba là, nâng cao khả năng miễn dịch, sức đề kháng trước những quan điểm lý luận sai trái, thù địch.

Vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong ĐTLL là phải nâng cao được khả năng miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể xã hội ta, của hệ thống chính trị, nhất là của Đảng, của cán bộ, đảng viên trước sự công kích, phá hoại của các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận.

Các quan điểm lý luận sai trái, thù địch được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tung ra với nhiều hình thức vừa công khai, trắng trợn vừa ngấm ngầm, che dấu kín đáo. Điều đó làm cho cuộc ĐTLL của chúng ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp, việc phê phán, bác bỏ không dễ dàng chút nào. Những quan điểm lý luận sai trái, thù địch len lỏi và thẩm thấu vào từng con người, từng cán bộ, đảng viên, dễ sinh ra sự “viêm nhiễm” tư tưởng mà có thể không biết. Từ bị “viêm nhiễm” ít đến bị “viêm nhiễm” nhiều dần dần dẫn đến bị thay đổi về chất, làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biến chất cán bộ, đảng viên, biến chất từng con người và từng tổ chức trong cả hệ thống chính trị của đất nước. Đây thực sự là vấn đề hết sức nguy hiểm. Tính nguy hiểm này không chỉ được quy định bởi các nội dung lý luận sai trái, thù địch, mà còn bởi con đường, hình thức thẩm thấu của nó đến từng con người và từng tổ chức là hết sức phức tạp và tinh vi. Tuy nhiên, tình hình trên diễn ra như thế nào, mức độ ra sao và tác động, ảnh hưởng của nó đến chúng ta, đến từng con người, từng tổ chức và cả hệ thống chính trị đến đâu lại phụ thuộc vào chính chúng ta, phụ thuộc vào sức đề kháng, khả năng tự miễn dịch của cơ thể xã hội ta, của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên của Đảng.

Đã đến thời điểm mà cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận đòi hỏi Đảng ta phải có thái độ kiên quyết hơn, nghiêm khắc hơn nữa trong xây dựng chính bản thân mình, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cao cấp và khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bốn là, chủ động đấu tranh, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong ĐTLL.

Thực tiễn thời gian qua, chúng ta có lúc còn chưa phê phán mạnh và chưa đấu tranh kiên quyết chống những quan điểm lý luận mơ hồ, sai trái; còn “thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”. Trong bối cảnh mới của sự mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, vấn đề đấu tranh chống các quan điểm lý luận sai trái, thù địch càng trở nên hết sức phức tạp. Tính phức tạp của vấn đề phản ánh cụ thể ở những nội dung của các quan điểm lý luận sai trái, thù địch, ở thái độ của chúng ta đối với cuộc đấu tranh. Không phải không có tư tưởng e ngại rằng, nếu quá kiên quyết đấu tranh sẽ gây ra “những bất lợi” cho quá trình chủ động hội nhập quốc tế, cho quá trình làm ăn, hợp tác của nước ta với nước ngoài.

 Sự e ngại này xem ra không phải là không có cơ sở. Nhưng để cho sự e ngại này phát triển đến mức thiếu kiên quyết, không dám “phê phán mạnh” thì lại là một sai lầm hữu khuynh. Chúng ta cũng không rơi vào “tả khuynh”, vì điều đó cũng không có lợi cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc ĐTLL, làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình”, âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch phải là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công tác lý luận hiện nay như Đảng ta đã nhiều lần khẳng định. Tích cực, chủ động đấu tranh vừa là quan điểm vừa là phương châm hành động trong ĐTLL, điều đó càng trở nên quan trọng trong tình hình hiện nay. Các thế lực thù địch tung ra các quan điểm sai trái, thù địch về lý luận không phải là thực hiện một cách tự phát, tùy hứng, mà là một tổng thể các hoạt động và thủ đoạn được tiến hành một cách có tổ chức, còn có sự chỉ đạo thống nhất theo từng đợt, từng giai đoạn, trên từng nội dung lý luận, trên từng lĩnh vực cụ thể.

Trong khi đó, công tác lý luận của chúng ta còn nhiều yếu kém, bất cập, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, phương pháp chưa linh hoạt, chưa tạo được sự thống nhất cao và thông suốt đối với một số vấn đề trong đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; công tác lý luận chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu của cách mạng. Tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, thờ ơ thiếu trách nhiệm, chỉ hô hào chung chung, thiếu biện pháp cụ thể… trong ĐTLL diễn ra không phải là hiện tượng cá biệt trong một số tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cả các cơ quan chức năng, chuyên trách về công tác lý luận, cần phải nhanh chóng khắc phục. Không khắc phục được tình trạng này thì dù chúng ta có cố gắng bao nhiêu, thì cuộc ĐTLL vẫn không thể đạt được kết quả mong muốn.

Cần tỉnh táo, phân biệt rõ đâu là những nhận thức không đúng, không đầy đủ mà sinh ra các quan điểm lý luận sai trái, đâu là sự cố tình chống phá, là thủ đoạn của bọn cơ hội chính trị; đâu là sự thiếu hụt về lý luận, là yếu kém, khuyết điểm và hạn chế của chúng ta. Tuy đây là vấn đề rất phức tạp, nhưng nếu không phân định rõ, chúng ta khó có thể có biện pháp “đánh đúng”, “đánh trúng” đối tượng, và cuộc ĐTLL của chúng ta không thể đạt được hiệu quả thực tế. Phát huy vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các học viện, nhà trường, các cơ quan báo chí trong nghiên cứu, tuyên truyền khẳng định tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chú trọng vào những vấn đề lý luận nguyên tắc, nhạy cảm; đấu tranh sắc bén phê phán, bác bỏ những quan điểm lý luận sai trái, thù địch, vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng và công tác lý luận, “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận”[1]. Cần làm cho tư tưởng mang tính lý luận hơn nữa; lý luận phải thể hiện rõ hơn nữa tính tư tưởng. Công tác tư tưởng sẽ kém hiệu quả, tính chiến đấu sẽ không cao, nếu như những nội dung mà công tác này đấu tranh, truyền tải đến con người lại không được luận giải một cách thuyết phục, có cơ sở khoa học. Công tác lý luận sẽ kém giá trị, thậm chí có hại nếu như nó không rõ phương hướng tư tưởng. Công tác lý luận trong bất kỳ trường hợp nào cũng đều là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và là một lĩnh vực của cuộc đấu tranh ấy. Sự gắn kết giữa tư tưởng và lý luận trong cùng một công tác, cùng một mặt trận là sự gắn kết hai mặt của một vấn đề trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, trong ĐTLL, cần phải được nhận thức đúng và thực hiện tốt trong quá trình đấu tranh.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong ĐTLL.

ĐTLL là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của tất cả các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên. Vấn đề quan trọng là phải phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các tổ chức trong quá trình đấu tranh. Một sự chỉ đạo chung phối kết hợp tất cả các tổ chức, các lực lượng trong ĐTLL không những là cần thiết mà còn đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp, đủ hiệu lực. Yêu cầu cơ bản của cơ chế là phải phát huy được trách nhiệm, vai trò, sức mạnh của tất cả các lực lượng, các tổ chức, huy động được tối đa đến mức cần thiết, đủ độ các phương tiện, nhất là hệ thống báo chí (báo viết, báo điện tử, mạng internet, phát thanh, truyền hình…) và phối hợp được tất cả các lực lượng, các “quân binh chủng” đó trong một mặt trận đấu tranh chung.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan lý luận trong đấu tranh. Các cơ quan lý luận, văn hoá tư tưởng đóng vai trò nòng cốt trong ĐTLL. Vai trò nòng cốt đó thể hiện ở chỗ: (i) với chức năng, nhiệm vụ và ưu thế của mình, các cơ quan và lực lượng này là lực lượng trực tiếp, trực diện đấu tranh chống các quan điểm lý luận sai trái, thù địch; (ii) đó là những lực lượng định hướng và hướng dẫn các lực lượng khác tham gia ĐTLL tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình đấu tranh.

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận thực sự vững mạnh, có đủ số lượng cần thiết và chất lượng cao. “Tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận, nhất là cán bộ chủ chốt”[2] gắn với việc “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận, cải tiến tổ chức nghiên cứu lý luận phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn”[3]. Theo đó, cần phải rà soát lại toàn bộ đội ngũ, chỉ rõ những hạn chế, bất bập, thiếu hụt cả về tư tưởng, chính trị, trình độ lý luận, trình độ đấu tranh của đội ngũ. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cấp, các cơ quan có kế hoạch, biện pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ đáp ứng yêu cầu tác chiến trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đủ sức đấu tranh, làm thất bại các quan điểm lý luận sai trái, thù địch. Đây là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, nhằm tạo nên “cốt vật chất” bảo đảm thắng lợi cho cuộc ĐTLL của chúng ta, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chu đáo và thực hiện tốt.

Sáu là, có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, khuyến khích, bảo vệ các tổ chức, cá nhân tích cực ĐTLL.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng hô hào nhiều nhưng trực tiếp tham gia đấu tranh ít là do chúng ta chưa có được chính sách, cơ chế để khuyến khích, bảo vệ các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân tích cực tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận. Cần có chính sách khuyến khích, động viên, tạo điều kiện; đặc biệt có chính sách bảo vệ, để họ có thể yên tâm hơn, vững tin hơn, nâng cao bản lĩnh hơn trong đấu tranh với các quan điểm lý luận sai trái, thù địch. Không có cơ chế, chính sách, hoặc chính sách, cơ chế không phù hợp, không đủ hiệu lực thì cuộc ĐTLL có thể chỉ mang tính chất hô hào chung chung, khó có được đầy đủ dũng khí cho đội ngũ trực diện tham gia đấu tranh. Và do đó, tình trạng “ai đấu tranh thì cứ đấu tranh”, “ai hô hào thì cứ hô hào” sẽ diễn ra và phát triển, ảnh hưởng rất tiêu cực đến quá trình đấu tranh./.


 



[1] Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 255

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 131.

[3] Đảng Cộng sản Việt NamVăn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 257.

1 nhận xét: