Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN VAI TRÒ TO LỚN CỦA CÔNG ĐOÀN

 Hồng Hạc

Công đoàn đóng vai trò là “sợi dây chuyền nối liền đội tiền phong với quần chúng của giai cấp tiên tiến và nối liền đội tiền phong ấy với quần chúng lao động”. Công đoàn chính là nơi thu hút, tập hợp rộng rãi quần chúng vào hàng ngũ tổ chức của mình để giáo dục, thuyết phục quần chúng, huấn luyện quần chúng, làm cho quần chúng ủng hộ và đi theo Đảng. V.I.Lênin khẳng định: “Công đoàn tạo ra mối liên hệ giữa đội tiền phong với quần chúng; công đoàn lấy công tác hằng ngày để thuyết phục quần chúng”. Đảng phải lãnh đạo công đoàn, nắm lấy tổ chức này, gắn bó với nó và phát triển nó, vì đây là quy luật của lịch sử phong trào công nhân. “Giai cấp vô sản ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa công đoàn và Đảng của GCCN”

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc bản chất, phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn. Chúng thường tập trung chống phá trên một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, chúng cho rằng do sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, máy móc giữ vai trò trung tâm chứ không phải công nhân và nhà tư bản cũng không còn bóc lột công nhân.

Trên thực tế, lịch sử phát triển của các cuộc CMCN cho thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ ngày càng tạo ra số lượng việc làm mới nhiều hơn số việc làm bị mất đi. Đồng thời, xu hướng công nghiệp hoá của hơn 100 quốc gia trên thế giới hiện nay đang là nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về quy mô của GCCN toàn cầu. Hơn nữa, khi càng ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất, thì công nhân càng bị bóc lột một cách tinh vi hơn, bởi kỹ thuật, công nghệ hiện đại dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người.

Thứ hai, luận điệu cho rằng, ở các nước tư bản hiện nay mâu thuẫn giữa công nhân và tư sản không đối kháng như trước.

Về thực chất, ở một số nước tư bản phát triển hiện nay, công nhân có cổ phần, được nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần. Nhưng đó chỉ là sự điều chỉnh trong lòng chủ nghĩa tư bản để điều hòa mâu thuẫn, bản chất bóc lột không thay đổi. Trên thực tế, công nhân có cổ phiếu nhưng giá trị rất thấp; bất bình đẳng xã hội vẫn là đặc trưng, bản chất của chủ nghĩa tư bản.

Thứ ba, chúng cổ súy cho tư tưởng “những người vô sản trên thế giới ngày càng bị phân tán” (C.Wright Mills trong “The Power Elite”)

Thực chất, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN 4.0, tính liên kết của công nhân ngày càng cao. Tính liên kết này do tính chất xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ: Trong CMCN 4.0, việc sản xuất và trao đổi theo các chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVCs) đã trở thành phổ biến trong liên kết quốc tế.

Cùng với đó là các hình thức liên kết phong phú khác như mạng sản xuất, xuất khẩu lao động tại chỗ, làm việc theo nhóm chuyên gia…; khoảng 80% thương mại quốc tế và 60% sản xuất toàn cầu mang tính hợp tác xuyên quốc gia có sử dụng chuỗi cung ứng lao động toàn cầu xuyên biên giới. Điều đó còn thể hiện ở những nỗ lực trong hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân thế giới: hoạt động của các tổ chức vì sự tiến bộ (Hội đồng Hoà bình thế giới; Liên đoàn Công đoàn thế giới; Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi chống chủ nghĩa đế quốc, phân biệt chủng tộc…); từ những mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ vì hoà bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.

Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, trong đó có những luận điệu phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm, nâng cao đời sống của người lao động, tổ chức và hoạt động phải phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người lao động. Điều này góp phần xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với tổ chức Công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Đồng thời, “tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động… cho đoàn viên, người lao động”. Đó là “kháng sinh” hiệu quả nhất, bền vững nhất trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay./.


 

1 nhận xét: