Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Phòng, chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

 TCCS - Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay, cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

1- Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, chủ nghĩa cá nhân không có nhiều điều kiện để phát triển. Khi đã giành được chính quyền, do cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các lĩnh vực gắn liền với nhiều quyền lợi và lợi ích, nên chủ nghĩa cá nhân vị kỷ có môi trường phát triển. Cùng với đó, “sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân” (1). Hơn nữa, “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra” (2); “Đảng ta là một Đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng” (3). Từ thực tế đó, đồng thời dự báo chiều hướng phát triển của tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm sức để giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng, phải là công bộc của dân, Chính phủ phục vụ nhân dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh. Người nhấn mạnh, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng để xây dựng được chính phủ phục vụ nhân dân, thực sự là công bộc của dân, thì việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan từ Chính phủ cho đến các làng phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết, trước hết, phải chú ý giải quyết hết các vấn đề liên quan tới đời sống của dân, phải có tinh thần chí công vô tư; đồng thời, nghiêm khắc phê phán, lên án những căn bệnh, như cậy thế, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, óc bè phái đang ngự trị trong đầu óc của không ít cán bộ, đảng viên.

Trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ có cơ hội phát triển. Số đông cán bộ ta vẫn giữ được truyền thống cách mạng, hết sức trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, nhưng cũng có cán bộ, đảng viên ỷ thế cậy quyền, ngông nghênh, lấy của công dùng vào việc tư; tư túng, kéo bè kéo cánh, kiêu ngạo, coi khinh dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Những thói hư, tật xấu đó là do cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, gian giảo, xảo quyệt. Đây là một kẻ địch bên trong mỗi con người. Đối với đế quốc bên ngoài, ta có thể dùng súng, dùng đạn để bắn. Với kẻ địch trong người thì không thể dùng lựu đạn mà ném vào được. Nó vô hình, không dàn ra thành trận, luôn luôn lẩn lút trong ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Người sa vào chủ nghĩa cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, của gia đình mình, mà không nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của Đảng và nhân dân. Nếu có nghĩ đến, thì bao giờ cũng đặt lợi ích của mình và gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung. Đây là một bệnh chính, sinh ra nhiều chứng bệnh khác. Do vậy, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình” (4). “Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể” (5). Người nhấn mạnh, đây là nguyên tắc tối cao của Đảng, là tính Đảng. Mỗi đảng viên phải khắc ghi điều đó (6).

Bác Hồ bên các cháu thiếu nhi_Ảnh: Tư liệu

2- Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung cũng như từng mặt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng; tiến hành nhiều cuộc vận động, chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị; ban hành các chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… Đặc biệt, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục; được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đã thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, “lợi ích nhóm”, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Sự suy thoái trên, suy cho cùng là do mắc phải chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, thể hiện trong quan hệ giữa đảng viên với nhau, giữa đảng viên và nhân dân, nhiều người chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình; đặt lợi ích của mình lên trên, lên trước lợi ích của Đảng, Nhà nước, của tập thể, cơ quan, đơn vị. Trong công việc, không ít đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn, núp bóng việc chung để mưu cầu lợi ích cá nhân, đánh bóng tên tuổi. Ở đây là cả lợi ích vật chất và tinh thần. Những người này bề ngoài lấy danh nghĩa là tập thể, việc chung của cơ quan, đơn vị, nhưng thực chất thì chỉ nghĩ làm sao có lợi nhất cho bản thân mình.

Trong quan hệ với nhau, chủ nghĩa cá nhân làm cho ít có sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ, thiếu tình đồng chí yêu thương lẫn nhau, mà thay vào đó là sự thờ ơ, vô cảm, đố kỵ, ganh tị, kèn cựa địa vị. Không ít người quan tâm đến nhau một cách giả tạo, không xuất phát từ tình yêu thương con người.

Vì cá nhân chủ nghĩa, tham danh lợi, tiền tài, một số cán bộ, đảng viên sẵn sàng sử dụng mọi âm mưu, thủ đoạn để tranh quyền, đoạt lợi nhằm đạt được mục đích của mình. Họ nói xấu, hãm hại người tốt, người giỏi, đứng về phe này chống phe kia, hình thành “nhóm lợi ích” cục bộ, bè phái, ê kíp để loại bỏ đối thủ của mình. Không ít cán bộ, đảng viên đã lồng ghép, đan xen lợi ích, phe nhóm mình trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách, khiến nhiều chủ trương, chính sách tốt đẹp bị méo mó, người dân không được thụ hưởng đầy đủ các lợi ích mà chính sách mang lại. Cũng vì lợi ích cá nhân, trong thực thi công vụ, không ít cán bộ, đảng viên đã gây khó dễ, tìm cách “vòi vĩnh” người dân và doanh nghiệp để trục lợi, nhất là trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, nhiều lợi ích, dễ phát sinh tham nhũng, như quản lý đất đai, bất động sản, tài chính - ngân hàng, đầu tư công,…; thậm chí, có sự móc ngoặc giữa cán bộ, đảng viên trong cơ quan và giữa các đơn vị, cơ quan khác nhau nhằm bòn rút tiền của, tài sản của nhân dân. Những vụ án, vụ việc trong thời gian gần đây, ví như vụ Việt Á, vụ án ở Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC)… đã minh chứng cho điều này, làm suy giảm vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; suy giảm niềm tin của nhân dân, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Các đại biểu tham quan Triển lãm "Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên" trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027_Ảnh: TTXVN

3- Để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình cho cán bộ, đảng viên.

Để chống chủ nghĩa cá nhân, cần tăng cường, đổi mới hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng gắn với việc thực hành chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, phải khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ là công bộc của dân.

Cán bộ, đảng viên cần xây dựng tác phong liêm chính, chí công vô tư, tính tổ chức, ý thức kỷ luật, đi sâu, đi sát, gần gũi với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Từ lời ăn tiếng nói đến mỗi cử chỉ, hành động phải chuẩn mực, đúng đắn. Trong giải quyết công việc, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước. Nếu lợi ích chung của Đảng, của nhân dân mâu thuẫn với lợi ích của cá nhân thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng, của nhân dân. Chỉ khi làm được điều đó, uy tín, vị thế, niềm tin của nhân dân với Đảng cầm quyền mới được củng cố và tăng cường.

Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, xem đây là vũ khí sắc bén để giáo dục cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên sửa chữa được khuyết điểm, phát huy ưu điểm, ngày càng tiến bộ. Cần thực hiện tự phê bình và phê bình với một thái độ thành khẩn, tinh thần xây dựng, đoàn kết, thân ái, vì sự tiến bộ của tổ chức, đoàn thể, của đồng chí và của chính bản thân mỗi người.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng hoàn thiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao; cũng như cơ chế bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng; kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, các chế tài trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền càng cao trách nhiệm càng lớn, không để bất kỳ quyền lực nào, dù lớn đến đâu, đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm tập thể và cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, công khai, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân và báo chí.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhất là nhân dân có vai trò rất lớn trong việc giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.  Thiết lập và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài nhà nước thông qua vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của báo chí, truyền thông. Cần phát huy được tối đa sự tham gia của đông đảo nhân dân, “phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng” (7). Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để nhân dân tích cực, chủ động tham gia chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không muốn liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM” (8).

Để phát huy tốt hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và của báo chí, các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những phản ánh về các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm” trong cán bộ, đảng viên; xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan báo chí, giữa các cơ quan báo chí với nhau trong việc thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các bộ, ngành liên quan… để giải quyết, xử lý những vụ việc do báo chí phát hiện.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tấm gương của người đứng đầu có tác động rất lớn đến suy nghĩ, tư tưởng, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” diễn ra gây bức xúc trong xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng đều liên quan đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Khi người đứng đầu sa vào chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan, đơn vị, bản thân người lãnh đạo, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Ngược lại, nếu người đứng đầu có đạo đức, nhân cách, năng lực chuyên môn, có tác phong liêm chính, hết lòng vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị sẽ được mọi người kính trọng, có tác dụng dẫn dắt tư tưởng và hành động đối với cán bộ, đảng viên, góp phần vào sự thành công của mọi chủ trương, đường lối cũng như củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Bên cạnh việc phát huy vai trò nêu gương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, xử lý nghiêm người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình trực tiếp quản lý.  Thực tế cho thấy, “nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, xảy ra khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng động, dám nghĩ, dám làm, cần đổi mới phương thức tuyển chọn, đánh giá bổ nhiệm cán bộ, đổi mới việc bầu cử trong Đảng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ./.

BÌNH YÊN

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 601 - 602
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 303, 301 - 302
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 11, tr. 610, 610
(6) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 6, tr. 290
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 7, tr. 362
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 8, 127

1 nhận xét:

  1. Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh rất nguy hiểm cần phải điều trị triệt để

    Trả lờiXóa