QPTD-Bộ đội Đặc công là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội ta - một trong những lực lượng nòng cốt tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Với thế trận hiểm hóc, linh hoạt; lực lượng nhỏ, gọn, tinh nhuệ; cách đánh độc đáo, sáng tạo, Bộ đội Đặc công đã bí mật luồn sâu, lót sẵn, bất ngờ, đồng loạt đánh nhanh, đánh hiểm, diệt gọn mục tiêu,… tạo điều kiện cho quân, dân miền Nam tiến công và nổi dậy. Đây là nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến đặc công - bài học kinh nghiệm quý cần được nghiên cứu, vận dụng hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Năm 1967, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, thế, lực của ta, của địch và thời cơ chiến lược, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến để giành thắng lợi quyết định trong thời gian ngắn. Thực hiện chủ trương đó, tháng 7/1967, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam. Thời cơ phát động cuộc Tổng tiến công vào dịp Tết, trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, nhằm lúc địch sơ hở; ta sử dụng lực lượng tổng hợp; trong đó, nòng cốt là Bộ đội Đặc công - lực lượng đặc biệt, tập kích vào các mục tiêu trọng yếu trong thành phố, thị xã, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Đơn vị K12 nhận cờ trên giao cắm trên thành Huế |
Để biến quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng thành hiện thực và trên cơ sở thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt”1, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công khẩn trương xúc tiến mọi công tác chuẩn bị cho Tổng tiến công. Tiến hành vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu đặc công “luồn sâu, đánh hiểm”; phối hợp với các lực lượng chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bám trụ giữ vững mục tiêu. Những đòn đánh lợi hại gắn với những chiến công lẫy lừng của Bộ đội Đặc công trong cuộc Tổng tiến công đã gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế, khiến Nhà trắng và Lầu Năm Góc phải bàng hoàng, sửng sốt, góp phần quan trọng cùng quân, dân cả nước giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải “xuống thang” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi vang dội của quân và dân ta nói chung, của Bộ đội Đặc công nói riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã để lại nhiều bài học quý; trong đó, nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến đặc công là vấn đề có tính cơ bản, nổi bật cần được nghiên cứu, phát triển, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trước hết, tập trung cao độ trong công tác tổ chức chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ, chu đáo mọi mặt cho nhiệm vụ tác chiến đặc biệt. Thực hiện quyết tâm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Trung ương, chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Đặc công đặc biệt coi trọng làm công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tác chiến. Trước hết, tập trung tuyển chọn kỹ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia tác chiến, bảo đảm có sức khỏe tốt, quyết tâm cao; trên cơ sở đó, kiện toàn tổ chức, biên chế; tổ chức huấn luyện nắm chắc kỹ thuật cải trang, nghệ thuật luồn sâu, lót sẵn bí mật, cũng như chiến thuật đánh độc lập các căn cứ, hậu cứ, kho tàng, sân bay, các mục tiêu trong địa bàn thành phố và đánh hiệp đồng với bộ binh, pháo binh, bộ đội địa phương; xây dựng, phát triển lực lượng cả về số lượng, chất lượng, nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu Bộ đội Đặc công cho các chiến trường2. Trên cơ sở nắm chắc tình hình địch, Bộ đội Đặc công tổ chức xây dựng, bố trí thế trận đặc công cả ở cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, bảo đảm bí mật, hiểm hóc, bất ngờ, đáp ứng yêu cầu luồn sâu, đánh hiểm, có mũi nhọn, có chiều sâu, vừa đánh đồng loạt các mục tiêu bên trong, vừa tiến công từ nhiều hướng, mũi từ bên ngoài vào tiếp ứng, có thể tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng với các lực lượng. Đồng thời, nhanh chóng điều chỉnh lực lượng; tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ; tập trung ưu tiên những trọng điểm, địa bàn quan trọng, mục tiêu hiểm yếu; tổ chức lực lượng đặc công chủ lực Miền, đặc công các quân khu, sư đoàn, đặc công các tỉnh luồn lót, ém sẵn sát các mục tiêu, địa bàn được phân công. Nhờ đó, “Đến ngày giáp Tết, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đặc công, hàng chục tấn vũ khí đặc chủng đã nằm ở vị trí tập kết. Bộ đội Đặc công như những lưỡi dao nhọn, sẵn sàng đâm thẳng vào yết hầu quân địch khi có lệnh”3. Cùng với đó, Binh chủng chú trọng chuẩn bị cơ sở vật chất hậu cần; cải tiến vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu; nghiên cứu, phát triển cách đánh trong thành phố, thị xã trên bộ và các mục tiêu đặc biệt ở dưới nước; biên soạn tài liệu huấn luyện cho bộ đội. Tổ chức giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phát huy bài học kinh nghiệm quý báu đó, các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Binh chủng cần quán triệt, thực hiện hiệu quả đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chiến lược, đề án, kế hoạch,... về điều chỉnh lực lượng Quân đội trong giai đoạn mới, xây dựng Binh chủng “Cách mạng, chính quy, đặc biệt tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”, lấy xây dựng “tinh nhuệ về chính trị” làm cơ sở, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng Binh chủng “tinh, gọn, mạnh”, đến năm 2030 xây dựng hiện đại; huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân. Thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, huấn luyện chuyên ngành đặc công toàn quân, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tăng cường nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, đặc biệt là nghệ thuật cải trang, ngụy trang, luồn lót, áp sát mục tiêu trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Hoàn thiện, triển khai thực hiện đề án “Xây dựng, phát triển, sử dụng lực lượng Đặc công toàn quân đến năm 2025…” và đề tài “Phát triển lý luận các hình thức chiến thuật đặc công trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. Tổ chức nghiên cứu, nắm chắc tình hình chiến trường trên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm; điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến các cấp sát với nhiệm vụ, địa bàn, khả năng lực lượng, phương tiện. Kết hợp đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện chuyên ngành với cải tiến trang thiết bị theo hướng “gọn, nhẹ, tiện dụng, bí mật, sức công phá cao” gắn với thực hiện chiến lược bảo đảm vũ khí, trang bị lực lượng đặc công giai đoạn 2021 - 2030.
Trình diễn vượt tường lửa |
Hai là, sử dụng lực lượng hợp lý, tổ chức các mũi nhọn bất ngờ, đồng loạt đánh nhanh, trúng, hiểm ngay vào mục tiêu trọng yếu, giành thắng lợi. Trong cuộc Tổng tiến công và nội dậy Tết Mậu Thân 1968, trên cơ sở điều tra, nắm chắc tình hình địch, địa bàn và khả năng lực lượng, phương tiện của ta, Bộ Tổng Tư lệnh và Binh chủng đã tổ chức sử dụng lực lượng Đặc công hợp lý, phát huy cách đánh sở trường, kết hợp sự vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể, tạo sức mạnh ở thời điểm và thời cơ quyết định, đủ sức tiến công tiêu diệt đồng loạt các mục tiêu ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và nhiều thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Ở Sài Gòn, ta sử dụng 11 đội biệt động đồng loạt tiến công các mục tiêu trọng yếu nhất, như: tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha cảnh sát, v.v. Ở nội thành Huế và vùng ven đô ta sử dụng 03 tiểu đoàn và 06 đội biệt động cùng với tự vệ, 08 tiểu đoàn bộ binh, một số đại đội địa phương trên các cánh quân, các hướng tiến công đánh chiếm, làm chủ 39 mục tiêu quan trọng, như: Đồn Mang Cá, sân bay Tân Lộc, khu Đại Nội, sở chỉ huy địch ở Nam Giao, Tam Thai,… tiêu diệt 03 tiểu đoàn địch. Ở các thành phố, thị xã khác trên toàn miền Nam, Bộ đội Đặc công làm lực lượng nòng cốt, đi đầu trong đánh chiếm các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng nhất (các tiểu khu, biệt khu, tỉnh đường, cảnh sát, sở chỉ huy các cấp, căn cứ xe tăng, trận địa hỏa lực,…). Bằng cách đánh độc đáo, sáng tạo, linh hoạt: tập kích bí mật, hóa trang tập kích, tập kích bằng hỏa lực,… Đặc công thực sự là lực lượng xung kích, mũi nhọn, đánh chiếm các mục tiêu chiến dịch, chiến lược cả ở địa bàn tác chiến và hậu phương địch, cả trên bộ và trên mặt trận sông nước, trụ bám đánh phản kích, làm chủ toàn bộ hoặc một phần mục tiêu, tạo thế, thời cơ cho các lực lượng khác và quần chúng tiến công, nổi dậy. Có thể nói, trong điều kiện cuộc Tổng tiến công chiến lược ta không có Không quân, Thiết giáp và hạn chế về Pháo binh, các đơn vị chủ lực binh chủng hợp thành chủ yếu tác chiến ở vòng ngoài thì đòn đánh đồng loạt của Đặc công vào các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trên toàn chiến trường miền Nam đã đạt hiệu quả to lớn, không chỉ gây thiệt hại về lực lượng, phương tiện, mà còn làm rung chuyển cả tinh thần, thế bố trí và ý chí xâm lược của địch4.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Đặc công cần nghiên cứu, vận dụng sáng tạo bài học này vào quá trình xác định các mục tiêu, địa bàn trọng yếu, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của Quân đội cần bảo vệ; trên cơ sở đó, sử dụng tập trung lực lượng, phương tiện một cách hợp lý để bảo vệ an toàn. Phân định rõ mục tiêu, nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất cho từng đơn vị, bộ phận; xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp với tính chất mục tiêu, đặc điểm địa bàn, khả năng lực lượng, phương tiện của từng đơn vị và dự kiến các tình huống, cách xử lý; sử dụng lực lượng hợp lý, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Binh chủng và lực lượng Đặc công toàn quân cần nắm chắc quyết tâm tác chiến bảo vệ Tổ quốc, phương án, quyết tâm tác chiến phòng thủ chiến lược trên các hướng chiến trường, phòng thủ các quân khu, quân chủng, địa bàn và tổ chức, biên chế, phương thức tác chiến của đối phương cả trên bộ, trên sông, trên biển để tham mưu cho Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn,... xác định mục tiêu tiến công và sử dụng lực lượng Đặc công trong các loại hình, quy mô, môi trường tác chiến. Nghiên cứu, phát triển cách đánh, phương pháp tác chiến của Đặc công bộ, Đặc công biệt động, Đặc công nước đối với từng loại mục tiêu, địa bàn; chú trọng những hình thức, đơn vị, lực lượng mới. Tăng cường diễn tập tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, làm cơ sở bổ sung, phát triển lý luận sử dụng lực lượng Đặc công bảo vệ mục tiêu của ta, tiến công mục tiêu đối phương trong điều kiện chiến tranh hiện đại.
Ba là, tăng cường phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng, xây dựng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược. Thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đặc biệt là trên các địa bàn tác chiến chiến lược: Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cho thấy, Bộ đội Đặc công, nhất là Đặc công biệt động đã phối hợp, hiệp đồng tương đối chặt chẽ với các lực lượng trong nội đô, quân chủ lực Miền, bộ đội địa phương trên các cánh quân, hướng, mũi ở ven đô, lực lượng tiến công vòng ngoài để tổ chức nắm địch, xác định mục tiêu, xây dựng, bố trí thế trận đặc công và triển khai lực lượng. Ở nội đô, Đặc công tập trung phối hợp với tự vệ mật, công an, các đội vũ trang công tác, mặt trận, cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng, phát triển các cơ sở mật, cơ sở nhân dân, các vùng lõm, tạo hành lang, bàn đạp xung quanh căn cứ địch; vừa phối hợp, vừa tận dụng thế trận của bạn, địa phương để bí mật luồn sâu, ém sẵn lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần,… sẵn sàng tiến công5. Trong quá trình tác chiến, với vai trò là lực lượng nòng cốt, Bộ đội Đặc công chủ động hiệp đồng với bộ binh, pháo binh, lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp, bí mật, bất ngờ đồng loạt tiến công làm chủ phần lớn các mục tiêu trên khắp các chiến trường, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công.
Kế thừa, phát triển, vận dụng bài học này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Bộ đội Đặc công cần phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ A2, chống khủng bố,… theo các quyết tâm, phương án tác chiến ở các cấp. Chú trọng hiệp đồng với Tổng cục II trong nắm tình hình địch, Hải quân, Cảnh sát biển trong xử lý các tình huống trên biển; lực lượng vũ trang các quân khu, tỉnh (thành phố) trong thực hiện quyết tâm tác chiến phòng thủ; Bộ Tư lệnh Thủ đô trong bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và các sự kiện chính trị trọng đại của quốc tế, đất nước, Quân đội diễn ra trên địa bàn. Do tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của Đặc công liên quan nhiều đến các địa bàn, khu vực, mục tiêu, cần sự che chở, đùm bọc của nhân dân, đòi hỏi Bộ đội Đặc công phải tăng cường xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân”, tận dụng, khai thác các cơ sở chính trị, cơ sở vật chất trong nhân dân phục vụ cải trang, ngụy trang, nghi binh, bảo đảm công tác hậu cần, kỹ thuật tại chỗ. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không chỉ che dấu hoạt động của Bộ đội Đặc công, mà còn cung cấp thông tin về an ninh, an toàn mục tiêu, địa bàn, tình hình địch; tự nguyện giúp đỡ Bộ đội Đặc công thực hiện nhiệm vụ, thực sự là chỗ dựa vững chắc về mọi mặt, là cơ sở, tiền đề để Bộ đội Đặc công hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, cao cả mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó; xứng đáng với truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn” - Binh chủng hai lần “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Thiếu tướng HOÀNG MINH SƠN, Tư lệnh Binh chủng Đặc công
_________________
1 - Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ đội Đặc công trong ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19/3/1967).
2 - Năm 1967, Binh chủng tổ chức huấn luyện 3.835 quân nhân, trong đó có 457 cán bộ; tăng cường 2.563 cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường. Ở miền Nam phát triển được hàng vạn chiến sĩ gồm 01 trung đoàn, 02 đoàn, 21 tiểu đoàn, 58 đội và hàng trăm tổ, mũi, v.v.
3 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử nghệ thuật sử dụng Đặc công trong các chiến dịch (1950 - 1975), Nxb QĐND, H. 1996, tr. 37.
4 - Ta đã tiêu diệt và làm tan rã 147.000 tên địch, phá hủy 34% vật tư dự trữ chiến tranh của địch ở miền Nam, phá 4.200 (trong số 5.400) ấp chiến lược, giải phóng thêm 1,4 triệu dân.
5 - Cuối năm 1967, ở Sài Gòn có 19 cơ sở chính trị, 325 gia đình cơ sở, 400 điểm giấu, ém quân ở sát các mục tiêu. Ở Huế, các khu vực Viễn Chinh, Đức Thái, Dương Mồng,… đã chuẩn bị sẵn lương thực và hàng trăm hầm bí mật cho Đặc công ém quân gần địch.
bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa