Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

LỰC LƯỢNG ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TƯ TƯỞNG CỦA V.I.LÊNIN

ĐH

Theo V.I.Lênin, vấn đề quan trọng là giai cấp công nhân còn phải biết tổ chức sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, còn phải “có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để bảo vệ lấy mình”. Chính vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã tiến hành một loạt biện pháp quan trọng để bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng. Người thường xuyên chú trọng đến xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Hồng quân vững mạnh, tăng cường khả năng quốc phòng, coi đó là một nhiệm vụ hệ trọng của chính quyền mới. Người chỉ rõ: “Hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”[1].

Những nguyên tắc mới trong quan hệ quốc tế, những vấn đề chống chiến tranh, bảo vệ đất nước được thể hiện trong Sắc lệnh Hòa bình đã tạo điều kiện quan trọng cho việc xây dựng, củng cố quốc phòng và lực lượng vũ trang. V.I.Lênin một mặt ra sức động viên các tầng lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng xây dựng xã hội mới; mặt khác giáo dục nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tổ quốc, xây dựng sức mạnh quốc phòng, xây dựng quân đội công nông vững mạnh; đồng thời thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết bảo vệ Chính quyền xô viết non trẻ, vượt qua mọi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên.

Tuy nhiên, khẳng định phương thức đấu tranh vũ trang không có nghĩa là trong tư tưởng của V.I.Lênin không chứa đựng vấn đề đấu tranh phi vũ trang, cũng như sự kết hợp giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh phi vũ trang trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc tập trung khôi phục và xây dựng kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) đẩy mạnh phát triển kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các tầng lớp nhân dân; vạch trần âm mưu phá hoại của các thế lực đế quốc phản động, bọn Mensêvích; mở rộng các hoạt động đối ngoại… đã thể hiện rõ sự quan tâm của Người đến những hoạt động phi vũ trang và gắn bó chặt chẽ với các hoạt động vũ trang để bảo vệ tổ quốc.

Theo V.I.Lênin, giai cấp công nhân phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, quốc phòng và đối ngoại để bảo vệ tổ quốc, có nghĩa là phải “huy động hết thảy để bảo vệ lấy mình”. Tư tưởng đó thể hiện một cách sâu sắc sự gắn kết giữa các biện pháp, giữa các lĩnh vực đấu tranh trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

 




[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb TB, M,1979, tr.368-369.

1 nhận xét: