(TG) - Có nhiều từ, cụm từ vốn ban đầu được sử dụng trong phạm vi, môi trường, lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: ra quân, chiến dịch, phương án,... nhưng sau đó lan sang lĩnh vực khác và dần trở thành những từ, cụm từ được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Thời gian gần đây, cụm từ “từ sớm, từ xa” cũng đang trở nên quen thuộc với nhiều ngành, nhiều người vì ý nghĩa tích cực của nó.
Cụm từ “từ sớm, từ xa” vốn chủ yếu sử dụng trong lĩnh quốc phòng, quân sự. “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” được hiểu là bảo vệ Tổ quốc từ bên ngoài lãnh thổ và bảo vệ, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, lấy việc phòng ngừa từ sớm, chuẩn bị từ trước làm chủ yếu, theo phương châm không phải sử dụng chiến tranh. “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” được hiểu là kịp thời nhận diện, phát hiện và xử lý những nhân tố bất lợi từ “trong trứng nước” và dập tắt ngay những mầm mống yếu tố có thể gây đột biến làm phương hại đến toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Cụm từ “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” có cội nguồn sâu xa từ lịch sử. Cách nay gần 6 thế kỷ, vào mùa xuân Nhâm Tý năm 1432, sau khi dẹp cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn - do tù trưởng Mường Lễ, châu Ninh Viễn (nay là tỉnh Lai Châu) cấu kết với Kha Lại (người Ai Lao) làm phản ở biên giới phía Tây Bắc - trên đường hồi Kinh, vua Lê Thái Tổ đã sáng tác hai bài thơ. Một bài được khắc trên vách núi đá tỉnh Lai Châu, một bài khắc trên vách núi đá tỉnh Hòa Bình. Trong đó, bài thơ lưu lại tại núi đá tỉnh Hòa Bình có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an” (dịch nghĩa là: Biên phòng phải lo sẵn phương lược/ Giữ nước cần tính kế lâu dài). Lời khẳng định của vua Lê Thái Tổ thể hiện tầm nhìn chiến lược về sự nghiệp giữ nước nói chung, kế sách bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia nói riêng.
Khởi nguồn từ hai cụm từ “lo sẵn phương lược”, “tính kế lâu dài” trong di sản văn hóa giữ nước của ông cha ta, các nhà nghiên cứu quân sự thời hiện đại đã chuyển hóa thành phương châm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” để vừa khẳng định sự tiếp nối truyền thống lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, vừa nhấn mạnh tinh thần chủ động, tích cực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời bình. Thực chất của phương châm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” là ý chí cách mạng tiến công, tư thế chủ động, tinh thần nhất quán “Lo giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Đó chính là chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cả về kế hoạch, phương án, lực lượng, thế trận và vật chất chất hậu cần - kỹ thuật để bảo vệ đất nước ngay trong thời bình, khi chưa xảy ra chiến tranh và không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Với ý nghĩa đó, thời gian gần đây, cụm từ “từ sớm, từ xa” đã lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, đối ngoại... Ví như: Công tác xây dựng pháp luật cần chuẩn bị từ sớm, từ xa; Quốc hội chuẩn bị từ sớm, từ xa cho hoạt động giám sát năm 2023; Chuẩn bị từ sớm, từ xa để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa; Phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa; Chiến lược quảng bá văn hóa cần chuẩn bị từ sớm, từ xa; Phòng ngừa bệnh tật từ sớm, từ xa; Hiệu quả hoạt động đối ngoại phụ thuộc vào công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa...
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trong nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc họp, nhiều người thường sử dụng cụm từ chuẩn bị “từ sớm, từ xa” với hàm ý tích cực là động viên, khích lệ, thúc giục, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức phải luôn có tinh thần tự giác, chủ động trong mọi hoạt động, công tác.
Theo tâm lý học giải thích, chủ động là một thói quen mà mỗi người bằng ý chí của mình có thể rèn luyện được từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, học tập, lao động, công tác. Từ góc độ cá nhân, tính chủ động không chỉ giúp con người suy nghĩ linh hoạt hơn, thái độ sống tích cực hơn, hành động nhiều hơn để đạt được kết quả tốt đẹp hơn; mà còn giúp mỗi người tự tin hơn, dễ tìm thấy và nắm bắt được nhiều cơ hội hơn, được đánh giá cao hơn, trách nhiệm hơn, lường trước được nhiều rủi ro hơn. Từ phương diện tổ chức, tính chủ động sẽ góp phần gắn kết các cá nhân và tạo động lực thúc đẩy tập thể làm việc, hoạt động, công tác đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Khi tính chủ động được thể hiện ở tư duy mẫn cảm, tầm nhìn xa trông rộng, nhận đúng diễn biến tình tình, dự đoán/tiên lượng những tình huống có thể xảy ra để tìm cách ứng phó hiệu quả, phòng ngừa những bất trắc, đẩy lùi những nguy cơ, đó chính là bản chất của kế sách, mưu lược, phương châm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Nhìn rộng ra ở các lĩnh vực khác, khi các tổ chức, cơ quan, đơn vị đều chú trọng quan tâm xây dựng mọi kế hoạch, phương án hoạt động, công tác bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, khả thi thì đó chính là thể hiện tinh thần, tư duy chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để hướng tới giải quyết, xử lý mọi công việc được suôn sẻ, hanh thông và là tiền đề, cơ sở để có thể giành kết quả cao nhất, hiệu quả tốt nhất./.
Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN HẢI
việc gì cũng phải làm sớm
Trả lờiXóa