Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ VĂN HÓA TỪ CHỨC

Hồng Hạc

Quan niệm “đã lên không xuống, đã vào không ra”, “cán bộ bị kỷ luật hay có vấn đề thì mới rút lui” cần phải nhìn nhận vấn đề này là việc bình thường của quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Chuyện "có xuống có lên, có vào có ra" là lẽ đương nhiên của cuộc sống và nhất là trong công tác cán bộ. Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã thể hiện những giá trị tinh hoa của văn hóa từ chức trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của chính giới Đông, Tây xưa và nay - rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, nghĩa tình.

Trong lịch sử, Cao Lỗ có thể được coi là người khởi đầu cho văn hóa từ chức của quan giới Việt Nam. Cao Lỗ chính là người đã giúp An Dương Vương chế ra “Linh quang kim trảo thần nỏ” và chỉ huy, huấn luyện quân đội sử dụng thành thạo loại nỏ liên châu vô cùng lợi hại này, khiến đạo quân xâm lược từ phương Bắc của Triệu Đà nhiều phen bị đánh bại. Thành Cổ Loa và nước Âu Lạc nhờ thế được bảo vệ. Tuy nhiên sau đó, do mắc phải kế ly gián của cha con Triệu Đà, lại “bị Lạc Hầu gièm pha”, Cao Lỗ đã phải từ chức. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có đủ cơ sở sử liệu để khẳng định Cao Lỗ là nhân vật lịch sử hay huyền sử. Dẫu vậy, chuyện ông từ chức, bỏ đi đã in đậm trong “ký ức” dân gian, trở thành một trong những cách người đời sau lý giải nguyên nhân của lần mất nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhưng thông điệp mà dân gian nghìn đời nay truyền lại thì là sự thật, đó là nếu nội bộ lãnh đạo không đoàn kết, nếu nhân tài không được trọng dụng, bị ngược đãi buộc phải ngoảnh mặt, quay lưng thì xã tắc suy yếu, thậm chí lâm nguy, diệt vong.

Trường hợp Chu An (Chu Văn An, 1292 - 1370) triều Trần. Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan, mở trường dạy học, học vấn tinh thông. Ông nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, nhiều trò đỗ đại khoa và được triều đình nhà Trần giao đảm trách chức vụ quan trọng, trong đó nổi tiếng nhất là Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát. Các học trò này của Chu Văn An từng làm quan, giữ chức Hành khiển (tương đương với Tể tướng). Đến đời Trần Dụ Tông, thấy Vua “ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước”, khuyên can Vua không nghe, Chu Văn An liền dâng sớ xin xử chém bảy tên nịnh thần, là những kẻ được Vua yêu. “Người bấy giờ gọi là ‘thất trảm sớ’”. Dụ Tông không nghe, ông liền treo mũ từ quan, lui về Chí Linh dạy học.

Trường hợp từ chức của Chu Văn An tiêu biểu cho một mô-típ từ quan điển hình trong lịch sử quan trường Việt Nam. Sau ông còn có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1481 - 1585, triều Mạc) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926, triều Nguyễn) cũng rút lui khỏi quan trường theo cùng một cách. Họ đều là những bậc tài cao, đức lớn, tiết tháo, cương trực. Họ tham chính, làm quan là để phò vua, giúp nước, giúp dân chứ không mưu cầu danh lợi cho cá nhân hay dòng họ. Nhưng, như Ngô Sỹ Liên đúc kết: “Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua [sáng] tôi [hiền] gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó”(6). Sự từ quan của những người này như một sự phản kháng tiêu cực, mong cảnh tỉnh nhà vua và triều đình, và cốt để giữ tròn tiết tháo, đức hạnh bản thân.

Trong lịch sử chính trị cách mạng Việt Nam đã có những tiền lệ lịch sử về sự từ chức của những cán bộ cao cấp trong Đảng. Trước khi giành được chính quyền, trong thời kỳ 1936 - 1938, các đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập đã từng tự nguyện rời khỏi chức vụ Tổng Bí thư của Đảng để bảo đảm sự thống nhất về đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, nhất là sự hài hòa giữa đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và đường lối chung của Quốc tế Cộng sản lúc đó. Tuy không tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư, nhưng các đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập vẫn tiếp tục tham gia Ban Thường vụ Trung ương(9) của Đảng và vẫn tiếp tục tham gia lãnh đạo Đảng, cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.

Ngày nay, các quan chức trên thế giới từ chức vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung lại có mấy nhóm nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, họ từ chức vì tự thấy mình không đủ điều kiện tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, bất lực trước tình thế khó khăn, như trường hợp Thủ tướng Yoshihide Suga thất bại trong ngăn ngừa sự bùng nổ đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản. Thứ hai, họ từ chức vì những bê bối cá nhân (bị phát hiện tham nhũng, ngoại tình, đạo văn hay ngủ gật lúc họp hành,...) và do đó bị mất uy tín nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu tới tổ chức hoặc chính thể. Thứ ba, họ từ chức vì bị ép phải từ chức, như trường hợp anh em Thủ tướng Thái Lan Thaksin - Yingluck và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Dư chấn của những sự từ chức này có khi là tích cực, có khi là tiêu cực đối với cộng đồng và đất nước.

Quy định số 41-QĐ/TW, của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” vừa là sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu được đúc rút ra từ văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống, từ chính kinh nghiệm chính trị của Đảng, đồng thời lại tương thích ở tầm văn hóa rất cao với các thông lệ chính trị tiến bộ trên thế giới. Vì vậy, Quyết định này vừa rất nghiêm minh, vừa rất nhân văn, nhân ái./.

 

 

1 nhận xét: