Bài 1: Tạo chuyển biến vững chắc về chất lượng huấn luyện

Triển khai đồng bộ và toàn diện, tập trung đổi mới, đột phá để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo, diễn tập, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của Quân đội là yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) cả nước để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Nhiều kết quả nổi bật trong huấn luyện, diễn tập, hội thao

Thiếu tướng Thái Văn Minh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, cho biết: Năm 2022, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 60-KL/QUTW ngày 18-1-2019 của QUTƯ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 về nâng cao chất lượng huấn luyện năm 2013-2020 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Cục Quân huấn thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với thủ trưởng BTTM, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân và lực lượng DQTV cả nước làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện; hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới. Cán bộ các cấp được tập huấn, bồi dưỡng chu đáo trước khi bước vào huấn luyện cũng như thường xuyên hằng tuần; tập trung vào những nội dung mới, khó, nhất là ở các đơn vị thực hiện tổ chức, biên chế mới. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả huấn luyện được tiến hành sâu sát, cụ thể, thực chất, kịp thời phát hiện những bất hợp lý, hạn chế để điều chỉnh, khắc phục...

Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, toàn quân tổ chức huấn luyện đạt kết quả khá toàn diện, cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên và DQTV. Các đơn vị coi trọng huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) có trong biên chế, nhất là VKTBKT mới; huấn luyện chiến thuật cơ bản, vững chắc... Đại tá Hà Viết Liễn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) cho biết: Là đơn vị được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm thực hiện biểu tổ chức biên chế đơn vị bộ binh thời bình biên chế hỏa lực mạnh, Sư đoàn đã chú trọng đổi mới công tác huấn luyện, tập trung huấn luyện làm chủ các loại vũ khí mới được trang bị. Quá trình huấn luyện thực hiện đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; coi huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo nhiệm vụ; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực và luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu. Sư đoàn 10 đã đưa một số hỏa lực mới được biên chế vào diễn tập bắn đạn thật, đạt kết quả cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Toàn quân phấn đấu tạo đột phá trên các mặt công tác
Thực hành đánh địch tiến công đường không trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bắc Ninh, năm 2022. Ảnh: VĂN HIỆP 

Nét nổi bật trong huấn luyện ở các đơn vị bộ binh, bộ binh cơ giới là hoàn thành những bài bắn súng bộ binh, bắn trên xe, trong đội hình tiểu đội và diễn tập vòng tổng hợp có bắn đạn thật ở các cấp, các hình thức chiến thuật sát với địa bàn, đối tượng tác chiến. Huấn luyện của Hải quân và Phòng không-Không quân tập trung nâng cao trình độ khai thác, sử dụng VKTBKT hiện có, làm chủ những loại mới được biên chế, nâng cao khả năng hiệp đồng chiến đấu trong lực lượng và các quân chủng, binh chủng, ngành, theo các phương án tác chiến. Các đơn vị binh chủng, ngành huấn luyện đúng chương trình, kế hoạch, đồng bộ cho cả chỉ huy, cơ quan, phân đội theo chức năng, nhiệm vụ; chú trọng nâng cao năng lực hiệp đồng, cơ động, tốc độ triển khai chiến đấu, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, năm 2022, toàn quân tổ chức huấn luyện, diễn tập sát với thực tế chiến đấu, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Ngoài những cuộc diễn tập lớn rất thành công, như diễn tập bắn, ném bom, đạn thật tổ chức ở Khánh Hòa; phối hợp diễn tập đặc công; diễn tập cứu hộ, cứu nạn Việt Nam-Lào-Campuchia, toàn quân tổ chức tốt các cuộc diễn tập chỉ huy-cơ quan, diễn tập đối kháng, diễn tập thực binh có bắn đạn thật, hiệp đồng quân chủng, binh chủng... Các quân khu tăng cường chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố có bắn đạn thật cho các lực lượng, diễn tập phòng thủ dân sự, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống cháy rừng... “Thông qua các cuộc diễn tập, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của cấp ủy, chính quyền, LLVT và nhân dân các địa phương; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng; đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh và chuẩn bị những phương án, kế hoạch sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra”-Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định.

Bên cạnh đó, năm 2022, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích tại các hội thi, hội thao cả trong nước và quốc tế, như tại SEA Games 31, Bộ Quốc phòng cử 71 vận động viên tham gia đoàn Thể thao Việt Nam, thi đấu 21 môn, giành được 49 huy chương các loại, trong đó có 26 huy chương vàng, 15 huy chương bạc. Tham gia Army Games 2022, đoàn QĐND Việt Nam xếp thứ 5 trên tổng số 34 đoàn, giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 5 huy chương đồng. Tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 cũng đạt thành tích xuất sắc, phá nhiều kỷ lục quốc gia. Giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN, QĐND Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn... 

Toàn quân phấn đấu tạo đột phá trên các mặt công tác
Bộ binh thực hành đánh địch đột nhập trong diễn tập năm 2022 của Sư đoàn 3 (Quân khu 1). Ảnh: KIM NGỌC 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Quân huấn, công tác huấn luyện năm 2022 cũng còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm, như: Việc quán triệt, triển khai thực hiện các hướng dẫn ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc; vẫn còn hiện tượng chỉ huy, cơ quan thiếu sâu sát trong chỉ đạo, kiểm tra, chưa có nhiều biện pháp tích cực, quyết liệt để khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; công tác chỉ đạo, điều hành huấn luyện có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp... Các đơn vị cần có biện pháp khắc phục triệt để những hạn chế này.

Nâng độ khó để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Thời gian tới, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trong đó con người là yếu tố quyết định theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh “người trước, súng sau”. Ông cha ta đã đúc kết “khổ luyện mới thành tài”, cường độ học tập, huấn luyện, rèn luyện của bộ đội đòi hỏi cao hơn, hiệu quả hơn. Toàn quân phải quán triệt tốt yêu cầu này, trước hết là thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực toàn diện của đội ngũ cán bộ, vì "cán bộ là gốc của mọi công việc"; tích cực đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện. Quá trình huấn luyện phải luôn gắn với giáo dục chính trị, rèn luyện bộ đội và đơn vị về thể lực, sức cơ động và chấp hành kỷ luật, thực hiện nền nếp chính quy; chú ý nâng dần độ khó, bảo đảm yêu cầu ngày càng cao để có thể đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình huống. Cần nghiên cứu đổi mới diễn tập và tổ chức hội thi, hội thao trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp để các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ quen dần với sự khẩn trương, đáp ứng được đòi hỏi của tác chiến hiện đại; tăng cường kiểm tra đột xuất và phúc tra để đánh giá thực chất kết quả huấn luyện; có giải pháp hiệu quả và duy trì nghiêm các quy định để không xảy ra mất an toàn trong huấn luyện...

Toàn quân phấn đấu tạo đột phá trên các mặt công tác
Xe tăng và bộ binh phát triển đội hình tiến công địch trong diễn tập hiệp đồng binh chủng của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Ảnh: KIM NGỌC 

Tại Hội nghị tổng kết công tác tham mưu toàn quân năm 2022, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu: Năm 2023, toàn quân tiếp tục đổi mới, đột phá thực hiện nhiệm vụ huấn luyện theo nghị quyết mới của QUTƯ về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, sử dụng thành thạo VKTBKT hiện có, nhất là VKTBKT, khí tài mới... Các cơ quan, đơn vị phải xác định rõ công tác huấn luyện là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và của mọi tổ chức, mọi quân nhân. Tăng cường huấn luyện cơ động, huấn luyện đêm, cường độ cao trong mọi điều kiện, sát với nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, môi trường và phương án tác chiến. Tổ chức diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên địa bàn và trong KVPT; diễn tập nhiều cấp, nhiều hình thức, trong đó có diễn tập đối kháng. Chú trọng nâng cao khả năng xử trí linh hoạt các tình huống, đưa bộ đội vào sát thực tế phương án, nhiệm vụ; tuyệt đối không hạ thấp chỉ tiêu, thực hiện đúng tài liệu, giáo trình, điều kiện kiểm tra huấn luyện... 

Qua thực tiễn tìm hiểu và trao đổi với cán bộ, chiến sĩ nhiều đơn vị, chúng tôi nhận thấy, để nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện thì trước hết, cấp ủy, chỉ huy phải thực sự chú trọng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ huấn luyện, tuyệt đối không "khoán trắng", lơi lỏng, thiếu sâu sát trong công tác huấn luyện. Các đơn vị cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn một số nội dung tập trung đổi mới, đột phá bảo đảm phù hợp, hiệu quả với đơn vị mình theo phương châm trước hết phải khắc phục triệt để những khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện; về nội dung huấn luyện cần tập trung đột phá vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm gắn với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu, chỉ đạo của cấp trên, bảo đảm cho bộ đội và đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đặc biệt là đáp ứng với yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao và các thách thức an ninh phi truyền thống có thể xảy ra. Về tổ chức, phương pháp huấn luyện thì đổi mới, đột phá phải nhằm thực hiện tốt mục tiêu huấn luyện đòi hỏi ngày càng cao; xác định cụ thể việc cần đột phá trong công tác chuẩn bị, thực hành huấn luyện, diễn tập và trong kiểm tra, đánh giá kết quả... Quá trình huấn luyện, diễn tập cần coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, thao trường... 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW do Bộ Quốc phòng tổ chức tháng 11-2022, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Công tác huấn luyện trong toàn quân đã có sự đổi mới toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường rèn luyện, bảo đảm sát thực tiễn hơn, nâng dần độ khó để bộ đội và đơn vị có thể đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao trong tình hình mới. 

NGÔ DUY ĐÔNG