Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

VAI TRÒ CỦA LÝ LUẬN ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG XÃ HỘI

 HH

Lý luận có vai trò vô cùng to lớn đối với cách mạng xã hội bởi: 

Một là, lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo cách mạng. Trong quá trình cách mạng xã hội, bất cứ giai cấp nào muốn thu được thắng lợi, giữ được vị trí thống trị và lãnh đạo xã hội đều cần có một học thuyết, một cơ sở lý luận chứng minh cho tính đúng đắn, hợp lý của những mục tiêu, lý tưởng mà giai cấp mình theo đuổi, từ đó thống nhất về ý chí, về tổ chức để có thể tập trung toàn bộ lực lượng vật chất tiến hành cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng xã hội đều cần những nhà khai sáng, những nhà lý luận, những nhà tư tưởng tiến hành công tác lý luận và công tác tư tưởng phục vụ cho cuộc cách mạng đó.

Là một trong những lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản, đồng thời là một nhà lý luận thiên tài, nhà tư tưởng sáng suốt, nhà tổ chức thực tiễn năng động, sáng tạo, V. I. Lênin đã hết sức coi trọng vai trò của lý luận trong sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Người coi lý luận cách mạng là một điều kiện cần của quá trình cách mạng, vì “Không có lý luận thì xu hướng cách mạng mất quyền tồn tại và sớm hay muộn, nhất định sẽ rơi vào tình trạng phá sản về chính trị”[1] và “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[2]. Điều đó cho thấy, nhờ có lý luận khoa học, đúng đắn soi đường, dẫn dắt nên hoạt động thực tiễn cách mạng của con người bớt mò mẫm, bớt tự phát, tránh được những chệch hướng có thế xảy ra. Trên cơ sở  lý luận đó hoạt động thực tiễn của con người luôn có định hướng rõ ràng. Bởi vậy, lý luận khoa học, cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò soi đường, dẫn dắt chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nó vạch ra phương hướng, biện pháp cho nhân dân Việt Nam thực hiện nhằm xây dựng XHCN vì mục tiêu, lý tưởng ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Cách mạng XHCN là quá trình hoạt động tự giác của hàng triệu quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giải quyết hàng loạt nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới đầy khó khăn phức tạp. Vì thế, để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ thực tiễn đó và tránh những sai lầm, vấp váp dễ phạm phải, cần có sự chỉ dẫn của lý luận khoa học. Đối với bất cứ vấn đề lớn hay nhỏ, nếu chưa làm sáng tỏ về lý luận thì khi đi vào hoạt động thực tiễn cụ thể sẽ gặp lúng túng, thậm chí bế tắc, lúc đó dù muốn hay không cũng phải trở lại xem xét quan điểm lý luận.

Hai là, lý luận khoa học, đúng đắn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành một phong trào thực tiễn rộng lớn nhằm cải tạo hiện thực khách quan hiệu quả. Nói cách khác, lý luận khoa học, đúng đắn khi đã thâm nhập vào quần chúng nhân dân sẽ giúp cho quần chúng nhân dân hiểu thực chất vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Khi hiểu đúng vấn đề, quần chúng nhân dân mới tin và từ niềm tin đó họ sẽ hành động cách mạng, cải tạo thực tiễn xã hội, phục vụ cho mục đích tiến bộ xã hội. Vì vậy, C. Mác đã khẳng định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”[3]

 Ba là, lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh khái quát những vấn đề sinh động của thực tiễn. Nó bị thực tiễn quy định, nó phụ thuộc vào thực tiễn, nhưng lý luận có tính độc lập tương đối so với thực tiễn, do vậy nó có thể vượt trước thực tiễn, góp phần định hướng cho thực tiễn. Đặc biệt là lý luận khoa học, đúng đắn do phản ánh được quy luật vận động, phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định nên nó có thể dự kiến được xu hướng biến đổi, phát triển của xã hội, dự báo được những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng CNXH, v.v.. Vì vậy, cách mạng xã hội của nước ta phải luôn luôn được chỉ đạo bởi lý luận khoa học. 

Ý thức được vai trò to lớn của lý luận đối với thực tiễn phát triển đất nước, các nhà lãnh đạo trong mọi thời đại đều quan tâm đến việc khái quát lý luận, đổi mới lý luận cho phù hợp với cuộc sống, không thể gò thực tiễn sinh động theo lý luận của ngày hôm qua. Đây là công việc không bao giờ kết thúc, nó đòi hỏi sự đóng góp lâu dài, liên tục của đội ngũ đông đảo các nhà lý luận. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, xây dựng lý luận, tạo ra một lý thuyết khoa học không bao giờ là mục đích tự thân. Nói cụ thể hơn, đằng sau lý luận là lợi ích của giai cấp hay nhóm người, tập đoàn người nào đó. Chính V. I. Lênin đã từng khẳng định về vấn đề này: “không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận nói trên, cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp, mà lại không tuyên truyền trong công nhân những kết luận của lý luận đó và không giúp đỡ họ tổ chức nhau lại”[4]Vì những lợi ích giai cấp, dân tộc, hay nhóm người, tập đoàn người nào đó nên kết quả của tri thức, của lý luận của các chủ thể khác nhau cũng khác nhau. Nói cách khác, không phải mọi sản phẩm lý luận đều mang tính khoa học, đều phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phủ định thành quả cách mạng của Đảng cộng sản và nhân dân lao động của nước ta. Trước tình hình phức tạp của thời đại, khi tiến hành công tác nghiên cứu lý luận phải kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, có căn cứ khoa học và đủ sức thuyết phục với tất cả những quan điểm lý luận không khoa học. V. I. Lênin đã từng chỉ đạo: “nhiệm vụ lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác là đả phá sự giả dối”, “chống lại những sự công khích vô căn cứ và những mưu toan bóp méo lý luận”[5] để “bảo vệ khỏi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản – học thuyết của CNXH khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”[6].

 



[1] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tập 6, tr. 468.

[2] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tập 6, tr. 32.

[3] C. Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 1, tr. 580.

[4] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1974, tập 1, tr. 382.

[5] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1974, tập 4, tr. 232.

[6] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1974, tập 6, tr. 336.

 

1 nhận xét: