Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Nhận diện và phê phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với “bệnh quan liêu” - ý nghĩa trong đấu tranh phòng, chống quan liêu hiện nay

TCCS - Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân - mà một biểu hiện của nó chính là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền... trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - vẫn tiếp tục soi sáng sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay; góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dựng xây đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Nhận diện và phê phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với “bệnh quan liêu”

Trong số các vĩ nhân để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử nhân loại suốt hai thế kỷ XIX và XX, V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh là những người đã phân tích kỹ và phê phán một cách gay gắt nhất, đồng thời hành động một cách quyết liệt nhất chống lại bệnh quan liêu; đặc biệt là, đã tiến hành những điều đó ngay từ khi chính quyền cách mạng mới được thành lập.

V.I. Lê-nin mất sớm, nên chỉ trực tiếp lãnh đạo chính quyền từ cuối năm 1917 đến đầu năm 1924. Tuy chỉ với một thời gian ngắn như vậy, nhưng ông đã sớm nhận diện và phê phán tệ quan liêu, nạn hối lộ trong chính quyền Xô-viết, và đã có dự báo chính xác về nguy cơ của nó đối với sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã khẳng định rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(1). Cũng từ buổi đầu, với cương vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, Người đã đặt toàn bộ sự quan tâm vào việc xây dựng một nền hành chính nhà nước làm “công bộc” của nhân dân.

Người xác định, nhân dân là lực lượng, là sức mạnh của Chính phủ, còn Chính phủ là người hướng dẫn, tạo điều kiện, giúp đỡ nhân dân, “Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối... Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”(2).  Người nhấn mạnh: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của  dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ”(3). Điều này luôn được Người nhấn mạnh trong những dịp thích hợp, với những đối tượng thích hợp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân ở xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (năm 1958)_Ảnh: Tư liệu

Chúng ta có thể tìm thấy hầu hết các bài nói và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi vừa là lãnh tụ của Đảng, vừa là người đứng đầu bộ máy nhà nước, đến trước khi Người qua đời, đều đề cập hoặc toàn diện, hoặc một khía cạnh của vấn đề chống bệnh quan liêu, bảo đảm dân chủ, để Đảng và Nhà nước ta thực sự là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Với tầm nhìn của nhà chính trị được hình thành bởi một nhân cách văn hóa kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách đề phòng và khắc phục căn bệnh trầm kha của tất cả các nhà nước cai trị đã có trong lịch sử là chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, với những biểu hiện của nó là bệnh quan liêu, tham nhũng; động cơ của hầu hết quan lại trong nhà nước này là làm quan để phát tài, mưu “vinh thân phì gia” với ý thức ngạo mạn: Mình là “quan phụ mẫu” (cha mẹ của nhân dân).

Có thể thấy rõ, nhiều năm ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cho đến những giây phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực, kiên quyết, kiên trì nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện của nó như tệ quan liêu, tham nhũng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong nền hành chính nhà nước.

Chủ nghĩa cá nhân

Những người theo chủ nghĩa cá nhân sống và làm việc theo triết lý vị kỷ, đặt cái “tôi” lên trên hết, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”Những cán bộ, đảng viên theo chủ nghĩa cá nhân sống một cách thấp hèn, “không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình, không quyết tâm vươn lên phía trước. Họ hững hờ như những người không có lý tưởng, đến đâu hay đó, qua tháng qua ngày. Đối với công việc của cách mạng, không có thái độ người làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm, mà thường bị động ngồi chờ”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm. Chủ nghĩa cá nhân là “kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta”. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người viết: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(5).

Quan liêu trong hoạt động công vụ

Theo cách hiểu thông thường, quan liêu là những người nắm quyền cai trị áp đặt ý chí của mình lên toàn xã hội; hoặc là, những thói tật gắn liền với bộ máy hành chính, như “bệnh giấy tờ phiền nhiễu”, thói hách dịch, và thiếu trách nhiệm trong công việc, thích phô trương...

Theo Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, quan liêu gắn liền với chế độ xã hội mang đặc trưng đẳng cấp, đặc quyền đặc lợi: “Về mặt chính trị - xã hội, chế độ quan liêu có nghĩa là sự thực hiện quyền lực của những người có đặc quyền do giai cấp thống trị chọn lựa. Một khái niệm cùng loại là chủ nghĩa quan liêu, có nghĩa là phương pháp cai trị thông qua các quan lại hoặc bộ máy quan lại tách rời nhân dân... Nét đặc trưng của bộ máy quan lại - quan liêu là tính biệt lập, tính đẳng cấp, sự đàn áp sáng kiến của những người thực hiện,... C. Mác viết, “ ... ở đâu nó cũng đối lập với các mục tiêu “thực tế”,... Các nhiệm vụ nhà nước biến thành các nhiệm vụ quan liêu giấy tờ hoặc là các nhiệm vụ quan liêu giấy tờ biến thành các nhiệm vụ nhà nước”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích chi tiết, đầy đủ, cụ thể hơn về bệnh quan liêu. Người cho rằng, quan liêu không chỉ có trong các cơ quan nhà nước, mà có cả trong Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Người chỉ rõ, trong một cơ quan, một tổ chức, người quan liêu là những cán bộ, công chức tựa như “ông quan cách mạng”; là kẻ thù bên trong, nằm trong các tổ chức của ta, nó ngấm ngầm ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng. Những kẻ đó chính là những cán bộ công quyền nhưng xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không thương yêu nhân dân. Bệnh quan liêu biểu hiện ra bên ngoài với muôn hình vạn trạng khác nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác họa chân dung của người cán bộ mắc bệnh quan liêu là “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. Anh ta vênh váo, lạnh lùng và bệ vệ. Mỗi hành động của anh ta khi đứng trước mọi người y như một viên chánh án phán quyết và mỗi lời nói của anh ta như là một mệnh lệnh tối cao. Anh ta coi thường pháp luật, coi khinh cấp dưới, coi khinh nhân dân. Nó biến nguyên tắc tập trung dân chủ thành nguyên tắc tập trung chuyên chế, biến nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, bộ phận phục tùng toàn thể, địa phương phục tùng Trung ương thành tập trung cục bộ và địa phương chủ nghĩa. Chính vì vậy, nên kẻ quan liêu “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông vua con ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân”(7).

Vì quan liêu, tất nhiên họ không sâu sát thực tế, quen ngồi nghe báo cáo không kiểm tra, nên sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng trong hai khâu quan trọng nhất là: 1- Hoạch định chính sách, ra quyết định; và 2- Công tác cán bộ.

- Về vấn đề thứ nhất: muốn hoạch định chính sách, ra quyết định, chỉ thị đúng thì “Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương”(8); tức là, phải thu nhận thông tin, xử lý thông tin; nhưng, vì quan liêu quen làm việc lối bàn giấy, không chịu đi sát thực tế, học tập, lắng nghe, chỉ tiếp nhận thông tin một chiều, không kiểm định thông tin, nên sinh ra chủ quan nóng vội, đề ra những chủ trương, quyết định sai lầm, không sát thực tế và không được lòng dân.

- Về vấn đề thứ hai: Cũng vì quan liêu nên không điều tra, kiểm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, vì thế trong công tác nhân sự thường mắc bệnh “ba ham” là:

 “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình. Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”(9).

Những sai lầm nói trên đã làm phát sinh tình trạng thiếu công bằng, thiếu bình đẳng, làm cho nội bộ chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết trầm trọng. Bệnh quan liêu tạo ra sự chuyên quyền, độc đoán, làm cho cấp dưới, mọi người bất mãn hoặc sợ sệt, không dám (hoặc không muốn) phát huy sáng kiến và lòng hăng hái trong công việc, dẫn tới mọi cái đều phụ thuộc vào một hay một vài cá nhân. Tình trạng đó tạo ra một thứ văn hóa xấu trong công sở là thói xu nịnh; đồng thời, không tạo môi trường cho đấu tranh tự phê bình và phê bình; mà ngược lại, tạo ra môi trường tốt nhất để cho “ông quan liêu” lấy của công làm của tư hoặc ban phát ân huệ, tạo những vỏ bọc bảo vệ cho địa vị và những đặc quyền, đặc lợi của mình; từ đó, lại phái sinh ra những hậu quả xấu như chủ nghĩa hình  thức, giả dối, với trên “làm thì láo, báo cáo thì hay”, với nhân dân và cấp dưới thì hứa hẹn kiểu mị dân.

Ngoài những biểu hiện chung nhất đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ nhiều biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu. Đó là: “Ích kỷ, hủ hóa... cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia,..., lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc... Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”(10). Nếu quan liêu là “con đẻ” của chủ nghĩa cá nhân thì chính quan liêu lại là “cha đỡ đầu”, góp phần nuôi dưỡng, ấp ủ, dung túng, bao che cho nạn tham ô, lãng phí.

Tác hại của bệnh quan liêu là vô cùng nguy hiểm, nó đã làm tiêu vong sự nghiệp của biết bao nhiêu chính khách và các chế độ chính trị. Bệnh quan liêu làm tiêu tan phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ và cơ quan nhà nước, làm cho dân sợ, dân ghét và dân khinh. Chính V.I. Lê-nin khi đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) và để chính sách ấy đi vào cuộc sống, cũng đã “đề nghị... đem truy tố trước tòa án về tệ quan liêu và xử phạt hết sức nghiêm khắc”; và Người đã cảnh báo rằng: “Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(11) (tệ quan liêu).

 Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy và chỉ ra muốn thắng “giặc ngoại xâm” thì trước hết và đồng thời phải chống “giặc nội xâm”. Người viết: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu  thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu... Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(12).

Trong những năm cuối đời, Người vẫn trăn trở rất nhiều về sứ mệnh của Đảng ta - đảng cầm quyền. Vì thế, ngoài bản Di chúc, Người còn căn dặn: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(13).

Ý nghĩa trong đấu tranh phòng, chống quan liêu hiện nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực_Ảnh: TTXVN

Để vận dụng những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đấu tranh phòng, chống quan liêu hiện nay có hiệu quả tích cực, cần xuất phát từ luận đề trong tư tưởng của Người là: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong/ Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(14).

Chúng ta vừa tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống thì điều quyết định là ở công tác xây dựng Đảng, mà mấu chốt chính là ở công tác nhân sự vừa mới được kiện toàn và được đánh giá là cẩn trọng, đúng quy định. Tuy vậy, ngay sau Đại hội, có địa phương, một vài cán bộ chủ chốt vẫn mắc bệnh “một người làm quan cả họ được nhờ”; ban thường vụ cấp ủy nơi đó vẫn mắc bệnh quan liêu hoặc né tránh, nể vì, xu nịnh một cách vô nguyên tắc, tới mức các cơ quan cấp trên phải vào cuộc xác minh và có kết luận rõ ràng. Hiện tượng nói trên cho thấy, chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” vẫn hoành hành ở một số nơi.

Sự việc trên chứng tỏ điều mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, phê phán: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”(15).

Do vậy, để đấu tranh phòng, chống quan liêu hiện nay cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở các cấp ủy đảng và cơ quan nhà nước. Tăng cường phòng, chống quan liêu trước tiên từ trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị; và trước tiên nữa là từ mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra các cấp từ trên xuống dưới, để bảo đảm rằng các cơ quan thanh tra không mắc bệnh “quan liêu bàn giấy”, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra phải thực sự có phẩm chất tốt, không có lòng tham, vụ lợi và phải có dũng khí không e dè, vị nể bất cứ ai.

Thứ hai, có đủ cơ sở pháp lý và thiết chế để bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với các hoạt động công quyền. Có như vậy, Đảng ta mới phòng ngừa, ngăn chặn được bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, khi các chức vụ chủ chốt từ cơ sở cho đến cấp Trung ương trong các cơ quan nắm quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) hầu hết là đảng viên. Vì vậy, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động công quyền là việc làm vô cùng cần thiết.

Thứ ba, đổi mới phong cách lãnh đạo. Trong tình hình hiện nay, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần trực tiếp liên hệ với nhân dân, lắng nghe nhân dân, đối thoại với nhân dân, hơn là chỉ nghe báo cáo của cấp dưới, của đảng viên; khi tiếp xúc với cử tri ở đâu thì nên tiếp xúc “với các tầng lớp người”, như Bác Hồ đã căn dặn, chứ không nên chỉ tiếp xúc một cách hình thức với những người mà cấp ủy và chính quyền nơi ấy đã lựa chọn.

Cần có chế độ kiểm tra nghiêm ngặt, thường xuyên đối với người đứng đầu các cơ quan, nhất là khi hiện nay đang thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy, đồng thời cũng là người đứng đầu đơn vị. Cần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm kín, theo định kỳ một năm vài lần với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và công khai kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Đây cũng chính là một dạng thức để lắng nghe được ý kiến phê bình của cấp dưới với cấp trên, trong khi tình trạng sợ mất lòng, sợ bị trù úm vẫn đang tồn tại dai dẳng.

Thứ tư, chống quan liêu để khắc phục tình trạng “tham nhũng chính sách”. Đảng ta đang thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đơn vị, nhất là cho cấp tỉnh thì càng cần chống “tham nhũng chính sách”, để vừa bảo đảm phát huy tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của các địa phương, đơn vị, vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất, mang tính toàn vẹn từ trên xuống dưới.

“Tham nhũng chính sách” là việc lợi dụng các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng tài nguyên quốc gia..., để mưu lợi bất chính. Thời gian qua, có những quy định chưa rõ ràng, hoặc trong khi thực hiện do quan liêu mà để lại hậu quả rất lớn (như vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, đấu giá quyền cho thuê hay quyền sử dụng đất,...). Ngoài ra, các quy định liên quan đến ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính, về quy trình, thủ tục, về phân cấp, phân quyền trong quyết định các dự án cũng là những “mảnh đất” màu mỡ có thể phát sinh nguy cơ “tham nhũng chính sách”.

Muốn phòng, chống “tham nhũng chính sách”, cần phải:

- Chống quan liêu ngay từ gốc, trong hai khâu là: 1- Ngay trong các cơ quan dự thảo, soạn thảo, đề xuất chính sách; 2- Trong các cơ quan phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Bên cạnh đó, đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, các cơ quan hữu trách, doanh nghiệp, những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Quốc hội cần nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm tra; hoạt động thẩm tra cần trí tuệ, bản lĩnh và có tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện.

- Thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan có trách nhiệm thẩm định các chính sách, dự án. Có như vậy mới khắc phục được những hành vi thông đồng, cố tình “cài cắm” vào quy định của pháp luật những nội dung nhằm trục lợi cho cá nhân, phe nhóm hoặc đơn vị mình.

- Bảo đảm sự liêm chính trong xây dựng luật. Nếu không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khiếm khuyết; tạo ra mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

- Chống quan liêu trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (văn bản dưới luật), vì nó rất dễ trở thành công cụ để cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản này lợi dụng để hiện thực hóa “lợi ích nhóm” của mình, dẫn đến xung đột với lợi ích chung...

Thứ năm, chống quan liêu trong việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả. Luật Sở hữu trí tuệ của nước ta có quy định về quyền và bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả... Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Trong tiêu chuẩn để được đề bạt hay công nhận của các chức danh quản lý, lãnh đạo, giảng dạy... đều cần có văn bằng, chứng chỉ, học vị, chức danh; nhưng, hiện nay nạn “đạo văn” đang đặt ra nhiều vấn đề đau đầu cho các hội đồng chấm và xét duyệt luận văn, luận án, nghiệm thu các đề tài khoa học...

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay là khá phổ biến, nhiều trường hợp cũng chưa được phát hiện, chưa bị lên án nghiêm khắc. Trong nghiên cứu lý luận và các đề tài khoa học đã cho thấy tình trạng chi phí thì cao, số lượng thì nhiều, nhưng hiệu quả và chất lượng lại thấp. Điều này đã được minh chứng qua nhận định mang tính tổng kết như sau: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ”(16)./.

PGS, TS. TRẦN ĐÌNH HUỲNH
Nghiên cứu viên cao cấp

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 74
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 468
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 611
(6) Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 260 - 261
(7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 88, 289, 318 - 319
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr.  90 - 91
(11) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 54, tr. 157, 235
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 7, tr. 357
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 672
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 5, tr. 280
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,
t. I, tr. 94 – 95
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 90 - 91

1 nhận xét: