Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CỦA VIỆT NAM TẠI HIỆP ĐỊNH PARIS NĂM 1973

 Phạm Trung

Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973 - 27/01/2023) là dịp để nghiên cứu, rút ra nguyên nhân thắng lợi trong ngoại giao của Việt Nam. Ký kết Hiệp định Paris năm 1973 là một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam. Thắng lợi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Một là, kiên định mục tiêu độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc trong ngoại giao.

Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngoại giao Việt Nam không thể không kiên định với mục tiêu này. Mục tiêu nổi bật của ngoại giao Việt Nam năm 1973 là độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris. Tại Hội nghị Paris, Việt Nam thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi. Nhờ vậy, Việt Nam luôn giữ vững thế chủ động tiến công, kiên định mục tiêu và nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược đàm phán, nhờ đó luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Hai là, phát huy tính năng động, sáng tạo trong ngoại giao.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ nhằm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Nhiều cán bộ ngoại giao xuất sắc đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, lựa chọn, rèn luyện và tin tưởng giao nhiệm vụ. Đây là nhân tố then chốt làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris 1973. Đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, ngày càng trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đội ngũ cán bộ ngoại giao thực hiện tốt phương châm, sách lược “vừa đánh, vừa đàm”, sáng tạo, linh hoạt tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác nhằm đạt được mục tiêu chiến lược.

Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong ngoại giao.

Thực hiện nguyên tắc toàn diện của phép biện chứng duy vật, Việt Nam thực hiện tốt việc kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh dân tộc là sức mạnh của giương cao ngọn cờ chính nghĩa: Hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; là sức mạnh của đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn của Đảng; là sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung, sự ủng hộ của nhân dân thế giới về hòa bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa tại Hội nghị ký kết Hiệp định Paris 1973.

Bốn là, giữ vững sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với ngoại giao.

Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, ngoại giao Việt Nam nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo hệ thống thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế. Trên cơ sở đó, Đảng ta đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, xác định phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

Trên đây là những nguyên nhân thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Xác đinh nguyên nhân thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973 có giá trị to lớn đối với ngoại giao của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thụ động, trông chờ, ỷ lại; không biết kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong ngoại giao.

1 nhận xét: