Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA V.I.LÊNIN

 ĐH

Học thuyết của V.I.Lênin về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những cống hiến vĩ đại của Người, có tầm quan trọng lý luận to lớn và giá trị chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Trong đó, tư tưởng về phương thức đấu tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một nội dung cơ bản hợp thành Học thuyết. Nghiên cứu làm rõ những nội dung cơ bản trong Học thuyết bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay đối với nước ta là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó tạo cơ sở cho chúng ta hiểu rõ hơn Chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới của Đảng, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng và khó lường của tình hình, cũng như sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Phương thức đấu tranh bảo vệ tổ quốc là cách tiến hành bảo vệ nhằm đạt  mục đích bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề lý luận, thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt, gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu, nhiệm vụ và những vấn đề cơ bản của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc được xác định đúng, nhưng có thể sẽ không được thực hiện có hiệu quả nếu phương thức đấu tranh không đúng và không thực hiện tốt. Trong thực tiễn, nhất là trong thực tiễn chiến tranh, nhiều khi thất bại trong chiến tranh không phải do mục tiêu, nhiệm vụ xác định không rõ ràng, đường lối, chủ trương sai, cũng không phải do thiếu lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật mà là do không có phương thức đấu tranh, phương thức tác chiến đúng, phù hợp và hiệu quả. 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I.Lênin đã khẳng định một cách dứt khoát tính tất yếu khách quan giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải tiến hành bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người nêu rõ, chúng ta phải tiến hành “cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc”[1]. Luận điểm kinh điển đó của V.I.Lênin chỉ ra rằng, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan ngay sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền nhà nước, tiến hành tổ chức xây dựng xã hội mới. Đối với nước Nga lúc này, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn là đòi hỏi cấp thiết phải được thực hiện với tư cách là một cuộc chiến tranh - “chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa” trước sự bao vây, uy hiếp và tiến công bằng vũ lực của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động hòng bóp chết Nhà nước xô viết non trẻ.  

Luận điểm kinh điển trên được V.I.Lênin tiếp tục nhấn mạnh và cụ thể thêm: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để bảo vệ lấy mình”[2]. Người còn chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”[3]. Như vậy, V.I.Lênin đã đề cập đến vấn đề vũ trang bảo vệ tổ quốc một cách rất gắt gao, rất bức thiết, với một tầm quan trọng đặc biệt, coi đó là một vấn đề liên quan trực tiếp đến sự “tồn tại” của chế độ xã hội mới, đến “giá trị” của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đó là sự phát triển lôgíc tất nhiên từ tư tưởng về bạo lực cách mạng của C.Mác và Ph.Ăngghen, cũng như tư tưởng của chính V.I.Lênin trước đó trong điều kiện lịch sử mới, điều kiện giai cấp công nhân đã có Tổ quốc của mình. Trong tác phẩm “Cương lĩnh quân sự của cách mạng vô sản” viết cuối năm 1916, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, bọn phản động trong nước và cả giai cấp tư sản các nước khác đều “muốn tiêu diệt giai cấp vô sản chiến thắng của nước xã hội chủ nghĩa”[4]. Sự “muốn tiêu diệt” ấy bằng vũ trang của chủ nghĩa đế quốc đã buộc giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhất thiết phải vũ trang bảo vệ tổ quốc của mình, nếu không chủ nghĩa xã hội sẽ “không thể tồn tại được”.

Ở đây, tuy chưa trực tiếp nói đến hai chữ “phương thức”, nhưng qua những luận điểm lý luận của V.I.Lênin cho thấy, tư tưởng về phương thức đấu tranh vũ trang và tính tất yếu của phương thức đấu tranh này trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã thể hiện rõ. Nói đến tính tất yếu khách quan của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà không nhận thức đúng tính tất yếu giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải vũ trang bảo vệ tổ quốc, không nhận thức đúng phương thức đấu tranh vũ trang là chưa hiểu đầy đủ nội hàm tư tưởng của V.I.Lênin về tất yếu bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb TB, M,1978. tr.102.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb TB, M,1981. tr.165-166.

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 35, Nxb TB, M,1978. tr.145

[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb TB, M,1981. tr.173

1 nhận xét: