Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

VỀ CÁC QUYỀN KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ VĂN HOÁ Ở VIỆT NAM

 

Bảo Ngọc

Đến những năm cuối thập kỷ 80, Việt Nam vẫn là một nước nghèo; nền kinh tế tăng trưởng thấp, sản xuất trì trệ; đời sống nhân dân khó khăn; tình trạng thất nghiệp và mù chữ chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư; nhiều nhu cầu của người dân về vật chất và tinh thần chưa được đáp ứng… Mặc dù khó khăn như vậy, song các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, được thể hiện rõ trong các chính sách phát triển đất nước của Chính phủ và được thực thi trên thực tế, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước.

Sau hơn 20 năm Đổi mới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, bình quân 7,5%/năm. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tạo việc làm và cải thiện đời sống của người dân. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế mà còn giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho Nhà nước tập trung đầu tư nhiều hơn cho các mục tiêu ưu tiên như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các vùng khó khăn...

Hệ thống luật pháp của Việt Nam từng bước được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển hài hòa các mặt xã hội, bảo đảm cải thiện mọi mặt đời sống của người dân. Với nhiều nội dung mới, phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, Hiến pháp năm 1992 và hệ thống các văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ Sức khỏe Người dân 1989, Bộ luật Lao động 1994 (sửa đổi và bổ sung năm 2002 và 2006), Luật Giáo dục 1998 (sửa đổi năm 2005), Luật Đất đai 2003, Luật Bảo hiểm Xã hội 2006, Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006... đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng và tương đối đầy đủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Hệ thống pháp luật của Việt Nam trên lĩnh vực này được đánh giá là đã tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế và tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Chính quyền địa phương được phân quyền mạnh hơn về quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư, y tế, giáo dục... để chủ động triển khai những chính sách phát triển phù hợp với tình hình của địa phương mình. Các Ủy ban Quốc gia vì Sự tiến bộ của Phụ nữ, Ủy ban Quốc gia về Người Cao tuổi, Ủy ban Phòng chống Tham nhũng được thành lập để thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ về phương hướng và giải pháp đối với những vấn đề liên quan; tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đôn đốc và giám sát việc thực hiện của các cơ quan chính phủ. Các tổ chức, đoàn thể nhân dân như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam... đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Chính phủ Việt Nam đang triển khai Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2001 – 2010, Tầm nhìn đến 2020, lồng ghép chặt chẽ các MTTNK nhằm ưu tiên và tạo bước chuyển mạnh trong công tác xoá đói giảm nghèo; đổi mới giáo dục và đào tạo; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ người dân; giảm thất nghiệp và tạo việc làm; phát triển mạng lưới an sinh xã hội và xây dựng kết cấu xã hội bền vững.

Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là mục tiêu xuyên suốt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sau hơn 20 năm Đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người (năm 1990) lên 1024 USD/người (năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia từ hơn 60% vào năm 1990 đã giảm xuống còn 13,8% năm 2008. Chuẩn nghèo quốc gia của Việt Nam từng bước được nâng lên và đang dần tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế.

Nhà nước Việt Nam coi đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Mạng lưới trường học được phát triển đều khắp. Năm 2000, Việt Nam công bố hoàn thành phổ cập tiểu học, vượt trước 15 năm so với thời hạn của MTTNK. Việt Nam đang tiến hành phổ cập trung học cơ sở. Tính đến hết năm 2007, 42/63 tỉnh thành đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở. Hiện nay, Việt Nam được UNESCO xếp thứ 64/127 nước về phát triển giáo dục.

Việt Nam tạo điều kiện để mọi người dân thụ hưởng quyền được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên các đối tượng phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách có tính chiến lược như tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống lao, phòng chống HIV/AIDS... đã mang lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ (1990) xuống còn 25,9‰ (2007), dưới 1 tuổi từ 31‰ (2001) xuống còn 16‰(2007); tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em chỉ còn 21,2% (2007); tỷ lệ tử vong ở phụ nữ sau sinh giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (1990) xuống 75/100.000 trẻ (2007). Hầu hết các xã đặc biệt khó khăn tại các vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế; đa số thôn, bản có y tế cộng đồng, góp phần cơ bản ngăn chặn các bệnh dịch xã hội hiểm nghèo, nâng cao sức khoẻ, cải thiện đời sống đồng bào.

Việt Nam đang tích cực triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm 2006 – 2010, tập trung vào chính sách cho vay giải quyết việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về Việc làm và các Dự án Hỗ trợ, góp phần đẩy nhanh quá trình tìm kiếm việc làm của người lao động. Trong 8 năm thực hiện (2001 – 2008), cả nước đã có 12,44 triệu việc làm mới, trong đó thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là gần 9,3 triệu, thông qua Quỹ Quốc gia về Việc làm là hơn 2,6 triệu. Kể từ 01/01/2009, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần trợ giúp tối đa cho người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đây là một bước tiến bộ đáng ghi nhận của Việt Nam nếu so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Hiến pháp 1992 nêu rõ công dân có quyền tham gia sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa (Điều 60). Chính phủ Việt Nam không ngừng xây dựng và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân. Bên cạnh các cơ chế chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hoá, Chính phủ cũng ban hành chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc, nhất là của các dân tộc thiểu số, trong đó có bảo tồn tiếng nói và chữ viết. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thống nhất trong sự đa dạng của 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam.

 Thành công về tăng trưởng và ổn định kinh tế trong 20 đổi mới vừa qua đã góp phần không nhỏ để đảm bảo ngày càng tốt hơn không chỉ các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội cho mọi người dân mà còn cả các nhóm quyền khác.

1 nhận xét: