Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

NHẬN DIỆN NHỮNG CHIÊU TRÒ LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

MINH QUANG

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa quan tâm, chăm lo, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ta.

Tuy nhiên, để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch từ lâu xem tôn giáo là một trong những mũi nhọn để công kích, chống phá. Những đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ XHCN dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò của Đảng, Nhà nước ta. Để nâng cao cảnh giác, tích cực đấu tranh với các thế lực thù địch, cần phải nhận rõ có chiêu trò của chúng trong lợi dụng vấn đề tôn giáo hiện nay, đó là:

Trước hết, các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng: “CNXH không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo; công dân theo đạo không được xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam”; cố gắng tạo ra khoảng cách cũng như dùng các thủ đoạn làm tăng sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không những phủ nhận những kết quả trong công tác tôn giáo mà còn ra sức lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai.

Thứ hai, xây dựng các tổ chức lấy danh xưng tôn giáo cùng với việc thiết lập các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, blog… để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa các tôn giáo để đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ đi sâu vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà nước ta, thậm chí cố tình “diễn trò”, lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng hay tìm mọi cách chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận nhân dân với hệ thống chính trị.

Thứ ba, các tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế sâu sắc. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng mọi chiêu trò để vu khống Đảng, Nhà nước ta “xâm phạm quyền tự do, đàn áp tôn giáo”; từ đó, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng quốc tế lên tiếng, can thiệp.

Thứ tư, lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số linh mục, chức sắc tôn giáo có nhiều tham vọng chính trị và lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền, xuyên tạc hết sức phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động một bộ phận nhân dân có đạo gây rối.

Thứ năm, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc song phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, vùng có đạo và không có đạo còn có sự chênh lệch. Các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn có vị trí chiến lược nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Dựa vào đặc điểm địa lý; khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đã lợi dụng để hình thành, phát triển những tôn giáo cực đoan, dị dạng trái với các giá trị văn hóa của tôn giáo, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, từ đó thúc đẩy kết hợp chống phá sự nghiệp cách mạng cả về vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Thực tế đã khẳng định, việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chính sách nhất quán của Đảng ta kể từ khi thành lập đến nay, là một nội dung cốt lõi trong quan điểm, chính sách của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong các giai đoạn cách mạng, quan điểm, nhận thức của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo luôn có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thực tiễn cách mạng Việt Nam, cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Điều 24 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Như vậy, nhận diện âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch để mỗi chúng ta luôn đề cao cảnh giác, tích cực tuyên truyền, đấu tranh với chúng là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng hiện nay.

 


1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa