Bảo Ngọc
Quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền bầu cử, ứng cử... là những quyền cơ bản nhất của con người, nhưng phải đến năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam “đã trở thành một nước độc lập”, người dân Việt Nam mới thực sự được hưởng các quyền cơ bản này. Và kể từ thời điểm đó đến nay, dù phải trải qua chiến tranh, mọi người dân Việt Nam luôn được bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng toàn diện và đầy đủ các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự, chính trị.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên
tinh thần đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ năm 1986 đến nay, Việt
Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó
các quyền về dân sự, chính trị được quy định một cách cụ thể và toàn diện hơn.
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận đầy đủ các quyền con người (Điều 2 và 50).
Nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt qua các chương, mục của Hiến
pháp và được cụ thể hoá tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trực tiếp liên
quan đến lĩnh vực dân sự, chính trị như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử Đại
biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân,
Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án Nhân
dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự,
Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật
Khiếu nại, Tố cáo, Luật Đặc xá, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo... Nguyên tắc
bình đẳng, không phân biệt đối xử (Điều 52 Hiến pháp 1992) là nền tảng xuyên
suốt các văn bản pháp luật của Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng cho việc đảm
bảo và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể. Các văn bản
pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ các quyền dân sự, chính trị được thừa
nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và các công ước quốc tế về nhân
quyền, đặc biệt là Công ước về Quyền Dân sự Chính trị.
Nhà
nước Việt Nam nỗ lực xây dựng và kiện toàn các thiết chế đảm bảo quyền con
người trên thực tế. Hệ thống các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng bảo vệ
pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích của công dân được củng cố. Nổi bật là
vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát hoạt động của cơ
quan Nhà nước; việc bảo đảm tính độc lập của hệ thống tư pháp; hiệu quả của hệ
thống cơ quan điều tra Nhà nước cũng như vai trò ngày càng tăng của các tổ chức
chuyên môn như các đoàn luật sư, hội luật gia, cơ quan công chứng, văn phòng
trợ giúp pháp luật... Vai trò và tiếng nói của các tổ chức, đoàn thể nhân dân
như Hội Chữ thập Đỏ, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội
Người Cao tuổi… trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ngày càng được
coi trọng.
Nhà
nước Việt Nam đặc biệt coi trọng việc bảo đảm cho mọi người dân quyền tham gia
quản lý Nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do
họ lựa chọn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao (hơn 99%) tại kỳ bầu cử Quốc hội khoá XII,
tháng 5/2007, cho thấy người dân ngày càng ý thức rõ hơn về quyền của mình và
vai trò quan trọng của Quốc hội trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý Nhà
nước và xã hội của người dân. Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần đại biểu Quốc hội
chất vấn các thành viên Chính phủ được truyền hình trực tiếp, ngày càng đi vào
thực chất và trở thành diễn đàn để người dân, thông qua đại biểu do họ bầu ra,
chất vấn chính sách, cách thức điều hành của Chính phủ, đề xuất các giải pháp
khắc phục khó khăn, thách thức.
Phát
huy quyền làm chủ của người dân ở cấp địa phương – nơi trực tiếp thực hiện mọi
chủ trương, chính sách của Nhà nước, được coi là mục tiêu và động lực đảm bảo
thắng lợi của công cuộc Đổi mới tại Việt Nam. Quy chế Dân chủ ở cơ sở do Nhà
nước ban hành năm 1998 đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích
cực vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách
của Nhà nước, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng; vị
trí làm chủ của người lao động ở cơ sở không ngừng được nâng cao. 100%
xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban Thanh tra Nhân dân và 37/64 tỉnh thành
chỉ đạo cơ sở thành lập Ban Giám sát Đầu tư Công cộng.
Quyền
khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Công tác tiếp dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân đã có sự đổi mới tích cực. Từ 2006
đến 2008, tỷ lệ giải quyết tố cáo khiếu nại của các cơ quan hành chính đạt
83,2%; các cơ quan thi hành án dân sự địa phương 92,5%. Pháp luật cũng quy định
việc đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho những người bị oan sai.
Quyền
lập hội của người dân được bảo vệ bằng các đạo luật quan trọng và nhiều văn bản
dưới luật liên quan, cụ thể là tại Điều 69 Hiến pháp 1992, và tại Nghị định số
88/ 2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và
quản lý hội. Ở Việt Nam hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên
tỉnh, thành phố (so với 115 vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ
chức ở cấp địa phương, và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi
lĩnh vực xã hội.
Việt
Nam có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau và 80% người dân có
đời sống tín ngưỡng. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu
cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu đảm bảo đời sống tín
ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Tính đến 2008, ở Việt Nam có 12 tôn giáo, trong
đó một số tôn giáo có đông tín đồ như Phật giáo, Công giáo, Tin lành ... . Các
sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hàng năm của nhiều tôn giáo được
tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Đặc biệt, Đại lễ Phật
đản LHQ năm 2008 được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 4.000
tăng ni, phật tử trong đó có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia,
vùng lãnh thổ trên thế giới. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây
mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì và mở
rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo tại nước ngoài
(Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ ...). Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động tham gia
nhiều hoạt động y tế, văn hoá, xã hội, nhân đạo… đóng góp cho quá trình xây
dựng đất nước, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi; đại diện chức sắc các tôn
giáo tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu
học hỏi, trao đổi giáo lý, giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN…
Quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân Việt Nam được thể
hiện rõ qua sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội
dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến năm 2008, cả nước có hơn
700 cơ quan báo chí in với 850 ấn phẩm, gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, 68 đài
phát thanh, truyền hình của trung ương, cấp tỉnh và đài truyền hình kỹ thuật số
mặt đất (đài truyền hình Việt Nam phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam), 80
báo điện tử và hàng nghìn trang tin điện tử trên mạng Internet, 55 nhà xuất
bản. Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân,
là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của
nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp
luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Người dân Việt Nam ngày càng
tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với
khoảng 20 triệu người truy cập, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của
châu Á (18%). Ngoài hệ thống thông tin, báo chí, truyền thông trong nước, người
dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh
truyền hình nước ngoài, như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp
chí quốc tế lớn khác.
Nhà
nước Việt Nam chủ trương đảm bảo quyền con người, song nghiêm trị những hành vi
vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh cho toàn xã hội, vì lợi ích
của mỗi người dân. Mục tiêu quan trọng của án phạt tù là nhằm giáo dục pháp
luật cho người phạm tội để họ trở thành người có ích và sớm tái hoà nhập với xã
hội. Hệ thống trại giam, nhà tù luôn được đầu tư nhằm từng bước cải thiện đời
sống vật chất, tinh thần của phạm nhân. Quyền cơ bản của người chấp hành án
phạt tù tại các trại giam được pháp luật bảo vệ, như quyền tự do thân thể,
quyền sống, vui chơi, giải trí, không bị tra tấn... Phạm nhân thi hành đủ 1/3
án phạt tù, nếu cải tạo tốt, được xét giảm thời gian chấp hành án mỗi năm một
lần. Xuất phát từ chính sách khoan hồng, nhân đạo, vào những dịp lễ lớn, Nhà
nước xem xét đặc xá cho những phạm nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật Đặc
xá. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán 2009, hơn 15.450 người đang chấp hành án
phạt tù đã được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Có thể
nói, những thành tựu đạt được trong việc đảm bảo quyền dân sự, chính trị cho
người dân thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của Nhà nước Việt Nam
trong bối cảnh điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn. Đây là
tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn các
quyền cơ bản của người dân.
Bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa