Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Phạm Trung

Càng đến gần ngày khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch và những phần tử phản động, cơ hội càng đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Chúng cho rằng, vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mơ hồ, sai lầm, đã kinh tế thị trường thì không cần định hướng xã hội chủ nghĩa, đã chủ nghĩa xã hội thì không có kinh tế thị trường. Đây thực chất là quan điểm sai trái, thù địch, cố tình xuyên tạc sự thật về nhận thức, thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. Về mặt nhận thức, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại. Kinh tế thị trường là cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của chủ nghĩa tư bản chứ không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản. Trên thế giới đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi quốc gia, dân tộc như: Kinh tế thị trường tự do (Mỹ, Anh...); kinh tế thị trường xã hội (Đức, Thụy Điển ...); kinh tế thị trường nhà nước phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc...); kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Việt Nam, v.v.).

Tại Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001), khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính thức được sử dụng trong các văn kiện. Các kỳ Đại hội tiếp theo, quan niệm này không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ thêm khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự thảo Báo cáo khẳng định: Đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển. Như vậy, nội hàm khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được Đảng ta chỉ rõ, không phải là một khái niệm mơ hồ.

2. Về mặt thực tiễn, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã chứng tỏ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.

Nhờ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam đã phát triển từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé chuyển sang một nền kinh tế thực hiện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020, v.v..

Đặc biệt, năm 2020, trong khi cả thế giới chao đảo vì Đại dịch Covid-19, đa số các quốc gia, dân tộc có chỉ số tăng trưởng âm thì Việt Nam lại thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới (tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 2,91%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công này, nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận đó là do áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ áp dụng mô hình này, mà kinh tế Việt Nam có khả năng tự chủ, tự cường, khả năng thích ứng linh hoạt, vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. BBC - hãng thông tấn xã uy tín hàng đầu của các nước tư bản chủ nghĩa ngày 12-1-2021 đã thừa nhận: “Việt Nam đã xử lý kiên quyết, chặt chẽ và ngay từ đầu với đại dịch Covid-19, nhờ đó hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Như là một thắng lợi kép, Việt Nam đã phát triển kinh tế trở lại trong khi thế giới còn đầy rẫy khó khăn.”.

Trên đây là những luận cứ về lý luận và thực tiễn không thể phủ nhận, bác bỏ luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần kiên định và cảnh giác trước sự chống phá của các thế lực thù địch.


1 nhận xét:

  1. Nhân dân Việt Nam rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng

    Trả lờiXóa