Thời gian qua, lợi dụng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch đã phát tán, tuyên truyền nhiều luận điệu phản động, xuyên tạc, rằng: “Dân chỉ mong thay đổi đường lối”. Đây là luận điệu thâm độc của các thế lực thù địch, cần phải đấu tranh vạch trần, loại bỏ.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, mà văn kiện chính là “linh hồn” của Đại hội. Việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội là một công việc hệ trọng, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, thể hiện quan điểm nhất quán “lấy dân làm gốc” của Đảng; mọi chính sách phát triển đều “vì nhân dân”. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí, hành động của toàn Đảng, toàn dân, hòa quyện lòng Dân - ý Đảng. Ngay sau khi Dự thảo các Văn kiện được công bố, quần chúng nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, đề cập nhiều nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, được Đảng ta trân trọng, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo các văn kiện.
Thế nhưng, bên cạnh các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo quần chúng nhân dân, thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại lợi dụng việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân để xuyên tạc, tuyên truyền những luận điệu sai trái, chống phá công tác chuẩn bị Đại hội, gây tâm lý hoài nghi, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những ngón đòn không mới, nhưng rất thâm hiểm, đó là tung ra các luận điệu vô căn cứ, như: “Dân chỉ mong thay đổi đường lối”. Cụ thể là, với thủ đoạn “thêm bớt”, “cắt xén” từ ngữ trong các quan điểm có tính nguyên tắc trong đường lối chính trị của Đảng ta, như: về “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì họ đòi bỏ cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, chỉ “phát triển kinh tế thị trường” là đủ. Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì họ ra sức tung hô, cổ xúy cho cái gọi là “đa nguyên, đa đảng”. Hay trên lĩnh vực văn hóa, lại đòi phải “cởi trói cho văn hóa”, nghĩa là “nền văn hóa Việt Nam phải được hòa nhập vào thế giới”, phải “Tự do báo chí”, “Tự do ngôn luận”. Thậm chí, họ đòi phải thay đổi tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thành “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, v.v.
Có thể khẳng định ngay rằng, tất cả các quan điểm, luận điệu đó không phải là ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân, không có chuyện “Dân chỉ mong thay đổi đường lối”. Đó chẳng qua chỉ là sự áp đặt khiên cưỡng, xuyên tạc vô căn cứ, ngụy biện, che giấu cho một mưu đồ đen tối của một số kẻ cơ hội chính trị, phản động, nhằm hướng lái con đường cách mạng Việt Nam, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Tính chất nguy hại của luận điệu là làm cho nhân dân ta mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, dẫn đến hoài nghi, mất niềm tin vào Đảng, chia rẽ giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Vậy, “Thay đổi đường lối” là thay đổi thế nào? Phải chăng là thay đổi cái mục tiêu, con đường cốt lõi: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”???.
Thực tiễn hơn 90 năm qua, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn kiên định, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là con đường duy nhất đúng, phù hợp với khát vọng, ý chí của Nhân dân và được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh. Kiên định, nhất quán với đường lối đúng đắn, sáng tạo ấy, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta giành được nhiều thành tựu to lớn: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa người dân Việt Nam từ kiếp nô lệ đứng lên thành người làm chủ đất nước; giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, v.v. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Những thành tựu to lớn đó đã khẳng định: con đường “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là duy nhất đúng” và “Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với sự hoành hành của đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương (đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm), dự kiến tăng 2% - 3% trong năm 2020; đời sống nhân dân ta được bảo đảm. Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, người có hoàn cảnh khó khăn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Đối với nhân dân vùng thiên tai, thảm họa môi trường ở miền Trung vừa qua, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sạt lở đất nhanh nhất có thể. Với phương châm “bốn tại chỗ” và “không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở”, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các đơn vị Quân đội, Công an đã huy động nguồn nhân lực, vật lực cao nhất, tập trung bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định đời sống người dân. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất hơn 16.000 tấn gạo dự trữ quốc gia; hơn 1.200 tỷ đồng và hàng ngàn tấn nhu yếu phẩm, thuốc men; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 350 tỷ đồng để cứu trợ cho người dân vùng lũ, lụt. Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm tiếp tục có hiệu quả. Những thành tựu đó, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là minh chứng thuyết phục, sinh động về đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc cho con đường phát triển đi lên của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, luận điệu “Dân chỉ mong thay đổi đường lối” của các thế lực thù địch chỉ là sự xuyên tạc, vô căn cứ, nhằm chủ đích kích động, gây rối, chống phá Đại hội lần thứ XIII của Đảng về cương lĩnh, đường lối. Luận điệu ấy không chỉ gây chia rẽ Đảng với Nhân dân, mà còn gây tâm lý do dự, hoài nghi dẫn đến mất niềm tin đối với Đảng. Tuy nhiên, dù có thâm độc, xảo trá như thế nào, chúng cũng không thể chia rẽ được mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhân dân Việt Nam được vun đắp, phát huy, tỏa sáng trong hơn 90 năm qua. Hơn lúc nào hết, chúng ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần vào sự thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Để đấu tranh vạch trần, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trên của các thế lực thù địch, trước hết, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, xây dựng niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đây được coi là “chất keo” kết dính, gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân và Nhân dân với Đảng; đồng thời, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội và là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc nhất để ý Đảng hòa quyện lòng Dân, cùng chung sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cấp ủy các cấp từ Trung ương đến địa phương phải thực sự phát huy dân chủ, trí tuệ, ý chí, khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia nghiên cứu, đóng góp vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu đề xuất đưa ra Đại hội thảo luận, quyết định. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đối với những kẻ mượn cớ, nhân danh “góp ý” để chống đối, phá hoại thì phải kiên quyết trừng trị theo pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội.
Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung sau bão, lũ, sạt lở đất khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống, sản xuất, tạo kế sinh nhai của nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây chính là những hoạt động thiết thực, trực tiếp củng cố, giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là biện pháp hiệu quả nhất làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trực tiếp là luận điệu xuyên tạc “Dân chỉ mong thay đổi đường lối” mà họ vẫn thường rêu rao.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN SỸ HỌA và Thượng tá, TS. ĐÀM QUANG ĐỨC
Nhân dân Việt Nam tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng
Trả lờiXóa