Ngọc Bảo
Phát triển bền
vững thực chất là sự phát triển theo hướng nhân văn, gắn với văn hoá và vì tiến
bộ xã hội. Theo Uỷ ban M ôi trường và Phát triển thế giới (WCED), phát triển
bền vững là "phát triển đáp ứng những nhu cầu của đời nay mà không làm tổn
hại khả năng đáp ứng những nhu cầu của đời sau".
Thế giới chỉ
phát triển được trong một chỉnh thể có nhiều yếu tố vận hành, với tư cách thống
nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Chính bản chất đó, trạng thái đó tạo nên
nội lực sâu xa và căn bản của sự phát triển. Xem xét sự phát triển của xã hội
với tư cách là một bộ phận của thế giới cũng phải trên cơ sở nguyên lý đó. Quá
trình xây dựng, phát triển của một quốc gia, một xã hội chỉ có thể có được trên
cơ sở xác lập một lý thuyết phát triển thật sự khoa học, dựa trên các nguyên lý
và quy luật phát triển phổ biến của tự nhiên và xã hội, với sự nhận thức và vận
dụng đúng đắn các yếu tố, các khả năng trong những điều kiện nhất định. Sự phát
triển kinh tế, theo nghĩa đó, không thể chỉ là vì mục tiêu kinh tế, mà còn phải
vì mục tiêu xã hội.
Trong lịch sử văn minh của mình, loài người đã xây dựng nên nhiều lý thuyết
về sự phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, các lý thuyết phát triển ngày càng
có nội dung tiến dần tới mục tiêu lý tưởng chung của xã hội, ngày càng đáp ứng
tốt hơn những yêu cầu, những mong muốn của con người. Để bảo đảm cho sự phát
triển chung, tăng trưởng kinh tế bao giờ cũng phải gắn liền với phát triển xã
hội. Hơn nữa, kinh tế phải vì phát triển xã hội mà trong đó, điểm quy tụ là
phát triển con người. Khai phá những nguồn lực con người trở thành trung tâm
của các lý thuyết về phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Ngay những nhà
xã hội học tư sản cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta không biết là chúng ta
nghèo khổ chừng nào chúng ta không tiến hành công việc thăm dò, khai thác, kinh
doanh các tiềm năng của các nguồn nhân lực. Còn các nhà kinh tế học cỡ lớn đã
chất vấn: Tại sao có nhiều nhà kinh tế lại bỏ qua tâm lý học của giá trị đã quy
định giá trị là ở trong con người chứ không phải ở trong hàng hoá? Tại sao
chúng ta lại gần như hoàn toàn thất bại, không đưa được tiềm lực sáng tạo trong
sự lựa chọn của con người vào các mô hình tác động qua lại về kinh tế? Những
câu hỏi dạng đó chỉ có thể trả lời bằng sự thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa tính
hiệu quả kinh tế và giá trị văn hoá. Chiều hướng phát triển hiện nay,
do vậy, phải trả thị trường từ vai trò của người chủ về đúng vai trò của người
phục vụ đắc lực và năng động cho xã hội. Điều đó tất nhiên sẽ dẫn đến việc
khẳng định bước phát triển kinh tế vĩ đại sắp tới sẽ là sự kết hợp giữa hiệu
quả sản xuất và mục tiêu xã hội, con người phải được coi là cứu cánh chứ không
phải là phương tiện duy trì và phát triển xã hội.
Ngày nay, các quốc gia
và dân tộc trên thế giới đã và đang tìm kiếm một mô hình phát triển bảo đảm cho
tính đa dạng về xã hội, về dân tộc, về văn hoá và về tộc người. Sự phát triển
đó phải có sự tham gia đầy đủ của mọi công dân trong điều kiện chung sống hoà
hợp và hợp lý một cách tự nhiên; đặt nền móng cho tương lai và không làm tổn
hại đến chất lượng sống của các thế hệ tương lai. Vì vậy, mô hình phát triển
bảo đảm thể hài hoà con người - tự nhiên - xã hội, có sự kết hợp đồng bộ của
các mặt kinh tế, kỹ thuật, văn hoá... trong một chỉnh thể thống nhất vận động
đi lên bằng chính động lực nội tại của mình và vì phẩm giá cũng như vị thế của
con người là một mô hình phát triển mà loài nguời cần lựa chọn và vươn tới.
Tính toàn diện của sự
phát triển đòi hỏi mọi lý thuyết phát triển phải đưa vào đó cái trục nhân văn,
tính đến chiều cạnh văn hoá của sự phát triển. Trong mọi chế độ xã hội ngày
nay, bất luận ở trình độ phát triển nào, văn hoá và phát triển vẫn là hai mặt
gắn liền nhau. Mục tiêu phát triển không chỉ nhằm đạt tới các chỉ tiêu số
lượng, mà điều quyết định là chất lượng cuộc sống. Một cuộc sống tương lai
không chỉ là cuộc sống đầy đủ hơn, mọi thứ có nhiều hơn, mà vấn đề là cuộc sống
đó phải trở nên tốt hơn, đẹp hơn, có ý nghĩa nhân văn hơn. Sự tiến bộ cục bộ,
vì vậy, phải được nhìn nhận, đánh giá, xử lý theo quan điểm toàn bộ. Lý thuyết
phát triển phải là một hệ thống thống nhất các yếu tố chính trị, kinh tế, xã
hội, tâm lý và sinh thái. Tư tưởng chủ
đạo xuyên suốt của phát triển ngày nay phải là sự phát triển bền vững, theo
chiều sâu, vì con người và do con người, tức là sự phát triển bền vững.
Điều đó xuất phát từ những chức năng xã hội đặc trưng của văn hoá. Văn hoá
có chức năng định hình hệ giá trị và định hướng phát triển giá trị đối với mỗi
cộng đồng văn hoá nhất định, do vậy nó chi phối việc xác lập mọi tiêu chí của
sự phát triển xã hội theo hướng tính đến giá trị đích thực cho đời sống cộng
đồng. Văn hoá cũng thể hiện chức năng thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người theo chuẩn mực và bản sắc
chung của cộng đồng, cho nên mọi quá trình phát triển xã hội không thể không
tính đến yếu tố chuẩn mực và bản sắc văn hoá ấy. Chức năng của văn hoá trong
giáo dục và phát triển vốn tri thức của con người dẫn đến tạo nên một trong
những động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển xã hội. Văn hoá còn có chức năng
điều tiết hoạt động của xã hội và hành vi con người bằng hệ chuẩn chân thiện
mỹ, và theo đó nó hướng mọi quá trình phát triển xã hội đến cái chân,
cái thiện, cái mỹ.
Kinh nghiệm thực tế
trong những thập kỷ qua của hàng loạt nước trên thế giới, kể cả các nước phát
triển và chậm phát triển, đã chứng tỏ:
Một
là, văn hoá không
phải là sự phản ánh thụ động, là sản phẩm "tự nhiên", tự phát của
kinh tế. Sẽ là phiến diện nếu cho rằng chỉ cần phát triển kinh tế thì văn hoá
tự khắc phát triển theo. Có những nước kinh tế phát triển cao mà văn hoá, đạo
đức lại suy đồi. Trái lại, có nước trình độ phát triển kinh tế chưa cao nhưng
ngay từ đầu đã coi trọng mở mang văn hoá, giáo dục để "làm kế sâu rễ bền
gốc" cho sự phát triển.
Hai
là, bản thân sự
phát triển kinh tế - xã hội cũng không phải chỉ do các yếu tố kinh tế đơn thuần
tạo ra. Trong thời đại ngày nay, nguồn gốc của sự phát triển kinh tế không phải
chỉ là lao động, vốn, kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên, mà còn là và ngày
càng chủ yếu là tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo
này lại nằm trong văn hoá, nghĩa là trong sự hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lí,
lối sống, thị hiếu, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả một cộng đồng
dân tộc. Vì vậy, để phát triển kinh tế - xã hội một cách lâu bền, cần vượt lên
trên cách tiếp cận kinh tế học thuần tuý.
Ba
là, xu hướng chung
của nhân loại tiến bộ ngày nay là không chấp nhận chạy theo tăng trưởng kinh tế
mà phải hy sinh văn hoá, hy sinh con người như chủ nghĩa tư bản cổ điển từng
thực hiện. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã chủ trương phấn đấu vừa đạt sự
tăng trưởng kinh tế cao, vừa chú trọng bảo tồn và chấn hưng văn hoá dân tộc làm
cơ sở cho thực hiện các mục tiêu nhân đạo trong phát triển. Phát triển trên cơ
sở kết hợp hài hoà kinh tế và văn hoá là sự phát triển năng động, có hiệu quả
và vững chắc nhất.
Như vậy, chỉ có gắn
với văn hoá và tiến bộ xã hội thì mới tìm thấy được con đường phát triển thực
sự lâu dài và bền vững. Một mặt, văn hoá đặt ra hệ tiêu chí đồng đại đối
với phát triển, đòi hỏi sự phát triển một lĩnh vực xã hội nào đó dứt khoát phải
đặt trong tương quan với tất cả các các lĩnh vực khác, sự phát triển một tiểu
cộng đồng văn hoá phải không làm tổn hại đến sự phát triển của cả cộng đồng.
Mặt khác, văn hoá đặt ra hệ tiêu chí lịch đại đối với phát triển, đòi
hỏi một quy hoạch phát triển nhất định luôn phải nhìn nhận từ kinh nghiệm quá
khứ để khơi nguồn động lực và kế thừa các giá trị truyền thống, cũng như nhìn
nhận vào thực tại để tăng độ thiết thực trong lý thuyết phát triển, đồng thời
biết hướng tới tương lai để không chệch hướng.
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa