Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT HÌNH THỨC CỦA THUYẾT QUYẾT ĐỊNH LUẬN

 Thiện Chí

Từ khi học thuyết hình thái kinh tế - xã hội ra đời, giai cấp tư sản, học giả tư sản luôn tìm cách công kích chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết của Mác về hình thái kinh tế - xã hội từ mọi phía. Chúng lu loa rằng: “Chủ nghĩa Mác là một hình thức của thuyết quyết luận,... Học thuyết về lịch sử của C.Mác chỉ là một phiên bản của thuyết quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người đúng như những gì đã xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa”.

Vậy phải nhìn nhận như thế nào với luận điệu đó?

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: C.Mác không phát minh ra chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản mà chính phong trào chống áp bức, bóc lột của giai cấp công nhân ở châu Âu đã đạt tới tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong đại ông sống. Các khái niệm về giai cấp xã hội, ý niệm về giai vô sản cũng là những sản phẩm khoa học quen thuộc của nhiều tư tưởng thế kỷ XIX như Hêghen, William Thompson, v.v.., mà C.Mác nói rằng: “… tôi không có công lao là đã phát hiện ra sự tồn tại của các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng không phải có công lao là đã phát hiện ra cuộc đấu tranh giữa các giai cấp với nhau. Các nhà sử học tư sản trước tôi rất lâu đã trình bày sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp đó, còn các nhà kinh tế học tư sản thì đã trình bày sự giải phẫu kinh tế của các giai cấp”[1].

Và C.Mác là người đã phân tích lại một cách cẩn trọng, tỉ mi toàn bộ những khái niệm ấy. Cái mới của C.Mác đối với vấn đề này được C.Mác trình bày rõ trong thư gửi Vây-đờ-mây-ơ: “Cái mới mà tôi đã làm là chứng minh rằng: 1) sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất, 2) đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, 3) bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không có giai cấp[2].

Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp là quy luật tất yếu của xã hội. Tính tất yếu của đấu tranh giai cấp xuất phát từ tính tất yếu kinh tế, từ sự đối lập về lợi ích căn bản không thể điều hoà được giữa các giai cấp. Cần thiết phải hiểu đúng, hiểu đủ về tuyên bố nối tiếng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản rằng: "Lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp. Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả của phường hội và thợ bạn, nói tóm lại là những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội hoặc bằng sự diệt vong của cả hai giai cấp đấu tranh với nhau”[3]. 

Kế thừa những tư tưởng hợp lý và tiến bộ của các nhà khoa học đi trước, C.Mác, Ph.Ăngghen đã đưa ra lý luận khoa học, cách mạng về giai cấp. Các ông đã đưa ra phương pháp luận khoa học và cách mạng làm cơ sở cho xem xét giai cấp, đó là gắn giai cấp với phương thức sản xuất nhất định trong lịch sử.

Điều này, trong tác phẩm "Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước" Ph.Ăngghen trình bầy tỉ mỷ quan điểm mácxít về sự xuất hiện giai cấp. Theo đó sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến sự phân công lao động. Sự phân công lao động làm cho lao động được chuyên môn hoá, đưa đến năng suất lao động được nâng cao. Năng suất lao động nâng cao dẫn đến của cải dư thừa tương đối. Do có của cải dư thừa tương đối đã tạo khả năng chiếm đoạt của cải dư thừa đó làm của riêng. Quá trình phân công lao động xã hội cũng dẫn đến chế độ tư hữu ra đời. Chế độ tư hữu làm cơ sở cho sự phân hoá xã hội thành giai cấp có lợi ích đối kháng nhau. Như vậy nguồn gốc của giai cấp là từ chế độ kinh tế.

Ở đây phải hiểu đúng tư tưởng của C.Mác rằng, đấu tranh giai cấp là phần cơ bản nhất, là động trực tiếp của lịch sử nhân loại, nhưng không phải là động lực duy nhất.

C.Mác khẳng định về sự sụp đổ của giai cấp tư sản và chiến thắng của giai cấp công nhân là "tất yếu như nhau". Và như vậy, một khi chủ nghĩa tư bản hoàn toàn thất bại thì tất yếu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng.

Sự thật hiển nhiên là như vậy, đó là logic của lịch sử, chứ không phải như luận điệu của các thế lực thù địch của giai cấp vô sản cho rằng nó là một hình thức quyết định luận duy nhất./.



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.661 - 662.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.661 - 662.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4 ,Nxb CTQG, H. 1995, tr. 597.

1 nhận xét: