Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

PHÁT HUY VAI TRÒ TIỀN PHONG, GƯƠNG MẪU TRONG “TỰ ĐỔI MỚI” CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU


                                                                         Gió biển
Trong giai đoạn hiện nay, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong “tự đổi mới” của cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu là một trong những nội dung quan trọng đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực.
Đảng chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”[1]. Theo đó, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc và xác định “tự đổi mới” là lương tâm, trách nhiệm của mình trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tình hình mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị và là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tấm gương sáng cho quần chúng học tập, noi theo. Trong tình hình hiện nay, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong “tự đổi mới” cần tập trung ở một số nội dung chủ yếu đó là:
Trước tiên, phải tiền phong, gương mẫu “tự đổi mới” về chính trị, tư tưởng nhưng phải trên cơ sở giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng: đổi mới về chính trị, tư tưởng không có nghĩa là thay đổi lập trường, quan điểm mà là có hiểu biết ngày càng sâu sắc và ngày càng kiên định, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, khả năng phát hiện, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình bảo đảm tính khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Trước những sự kiện chính trị có tính chất phức tạp, nhạy cảm, nhất là các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, kích động… cần có bản lĩnh, lập trường kiên định, quan điểm, chính kiến rõ ràng, giữ vững định hướng tư tưởng trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Luôn có tư duy đổi mới, hết lòng, hết sức vì sự bình yên của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, luôn đặt lợi ích của tập thể, tổ chức lên trên hết, trước hết và suốt đời hy sinh phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng đó.
Thứ hai, tiền phong, gương mẫu trong “tự đổi mới” về phẩm chất đạo đức, lối sống: luôn lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm khát vọng dân thân, cống hiến và hy sinh. Rèn luyện tác phong, lối sống gần gũi và gắn bó với quần chúng nhân dân, không thỏa mãn, dừng lại mà thường xuyên soi mình, sửa mình, tẩy trừ những tư tưởng, tâm lý, thói quen, tập tục lạc hậu, những thói hư, tật xấu và các căn bệnh “quan cách mạng”. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu theo tiêu chuẩn chung của người cán bộ trong thời kỳ mới là phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe… Trong các tiêu chuẩn đối với cán bộ, phải đặc biệt coi trọng cả “đức” và “tài”, trong đó “đức” là gốc. Cán bộ cấp càng cao thì tiêu chuẩn đạo đức càng phải chuẩn mực, nghiêm ngặt.
Thứ ba, tiền phong, gương mẫu trong “tự đổi mới” về hành động, việc làm: ở mọi lúc, mọi nơi, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần thể hiện tinh thần ham học, ham rèn, chủ động vươn lên làm chủ tri thức, nhất là chuyên môn, nghiệp vụ. Có kiến thức, năng lực khoa học trong công tác lãnh đạo, tổ chức quản lý, kiểm tra thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Luôn bình tĩnh, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; khôn khéo xử lý linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả các tình huống nảy sinh trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Thực hiện nói đi đôi với làm, tư tưởng gắn với động tác, tác phong, lý luận liên hệ với thực tiễn; chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử góp phần xây dựng hình ảnh và từng bước nâng tầm uy tín của người cán bộ trong thời kỳ mới.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII, mỗi cán bộ càng nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Với tinh thần cầu thị, xây dựng và quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm, mỗi cán bộ cần “tự đổi mới”, ra sức nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện trở thành những cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.



[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.203.

1 nhận xét: