Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

GIÁO DỤC CON NGƯỜI VỀ VĂN HOÁ VÀ BẰNG VĂN HOÁ


Ngọc Bảo
Văn hoá thực hiện chức năng giáo dục mà nhờ đó tác động trực tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, tới mọi mặt đời sống tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của con người. Giáo dục con người là chức năng xã hội bao trùm của văn hoá, thể hiện ở việc định hướng lý tưởng, đạo đức, hành vi... của con người và cộng đồng theo hệ chuẩn chân, thiện, mỹ.
Với chức năng này, văn hoá trở thành động lực hết sức cơ bản tạo nên sự phát triển liên tục của lịch sử nhân loại và từng dân tộc, như sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, duy trì và phát triển truyền thống bản sắc độc đáo của từng dân tộc. Tuy nhiên, điều đó chỉ đạt hiệu quả cao khi quá trình giáo dục được biến thành tự giáo dục, tức là thành quá trình nhập thân văn hoá, để biến những yêu cầu của nếp sống có văn hoá, kỷ cương, pháp luật của xã hội thành hệ thống động cơ, thái độ bên trong của mỗi người dân, làm cho quá trình xây dựng con người trở thành quá trình tự xây dựng, tự phát triển, hoàn thiện.
Nâng cao dân trí là chức năng xã hội hàng đầu của văn hoá. Một tác phẩm nghệ thuật cùng với việc làm rung cảm trái tim người thưởng thức thì cũng được thấu hiểu và mang tới cho họ những hiểu biết mới về tự nhiên, xã hội, cuộc sống, con người... Nhờ có chức năng này và thông qua thực hiện chức năng này, văn hoá góp phần trang bị hệ thống tri thức trong suốt lịch sử phát triển của con người và cộng đồng, làm cho thế hệ sau đứng trên vai thế hệ trước với tầm nhìn ngày càng rộng mở. Văn hoá còn tạo điều kiện để từng cộng đồng nâng cao dân trí về mọi mặt, qua đó bồi bổ vốn văn hoá của con người. Chức năng nâng cao dân trí của văn hoá không chỉ được phản ánh trong lý luận văn hoá chuyên ngành, mà còn thể hiện một cách đa dạng, phong phú và sinh động ở chiều rộng, chiều sâu của các ngành khoa học khác. Trên thực tế, việc trang bị các tri thức khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đều là quá trình là truyền thụ những giá trị văn hoá.
Văn hoá góp phần xây dựng, phát triển nhân cách toàn diện của con người thông qua chức năng điều chỉnh xã hội của nó. Xã hội là một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, trong đó mỗi cá nhân sống và hoạt động theo những quy tắc, chuẩn mực nhất định mà cộng đồng đã xác lập nhờ cách thức văn hoá hoá. Một mặt, văn hoá góp phần điều chỉnh mọi quan hệ xã hội và hành vi con người theo một định hướng, lý tưởng, mục tiêu nhất định, do đó làm cho xã hội vận hành bình thường. Mặt khác, văn hoá thường xuyên bổ sung hệ thống chuẩn mực ứng xử, quan hệ xã hội và loại bỏ dần những chuẩn mực đã lỗi thời, lạc hậu. Cùng với việc thực hiện chức năng ấy, văn hoá còn tự điều chỉnh để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, đúng hướng của chính nó, đấu tranh chống lại những yếu tố có xu hướng phản chân, phản thiện, phản mỹ. Những yêu cầu của nếp sống văn minh, đạo lý, kỷ cương, phép nước... nếu được áp đặt thông qua con đường hành chính đơn thuần hoặc chỉ bằng biện pháp giáo dục chung chung, xa rời thực tế sẽ trở nên cứng nhắc, gượng ép, hiệu quả không cao. Nhưng khi được chuyển hoá thành yếu tố của văn hoá, những yếu cầu đó sẽ thấm vào đời sống và hoạt động của con người và cộng đồng một cách hoàn toàn tự nhiên, trở thành những thuộc tính bên trong của từng thành viên với độ bền vững cao.
Văn hoá thông qua chức năng thẩm mỹ tạo ra những tiền đề cần thiết để con người tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hoá tiên tiến, mở rộng giao lưu văn hoá qua những hình thức hoạt động và thiết lập những quan hệ văn hoá lành mạnh, từ đó hình thành những yếu tố mới trong phẩm chất, năng lực toàn diện của con người. của văn hoá. Nhu cầu và khả năng hướng tới cái đẹp là dấu hiệu cơ bản nói lên trình độ phát triển những giá trị người ở mỗi cá nhân và cộng đồng, đồng thời là một trong những động lực quan trọng tạo nên sự tiến bộ xã hội. Thực tiễn lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, mỗi bước tiến của xã hội cũng là một bước con người vươn tới cái đẹp. Nếu không biết rung động trước cái đẹp, không biết trân trọng cái đẹp và tìm mọi cách thức để sáng tạo nên cái đẹp, thì con người dù giàu có, giỏi giang, hiểu rộng biết sâu cũng không thể được coi là con người có văn hoá một cách hoàn chỉnh.
Chính quá trình sáng tạo, truyền toả, phát huy giá trị của các hình tượng nghệ thuật là quá trình văn hoá góp phần định hướng cảm xúc, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ và khơi gợi, bồi dưỡng khả năng, nhu cầu thẩm mỹ của con người. Văn hoá còn đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành những yếu tố mới trong phẩm chất, năng lực toàn diện của từng người, góp phần hoàn thiện con người và cộng đồng theo tiêu chí cái đẹp. Vai trò này không tách rời vai trò nâng cao dân trí và hướng tới làm cho văn hoá thực hiện tốt chức năng giáo dục cũng như các chức năng khác như giao tiếp, giải trí, dự báo, phê phán, tích luỹ, bảo quản và truyền bá thông tin...
Như vậy có thể thấy, sự tác động của văn hoá đến quá trình xây dựng con người là sự tác động toàn diện, sâu sắc với rất nhiều phương thức, cách thức và góc độ khác nhau. Định hướng đúng đắn sự tác động đó trong một chỉnh thể thống nhất hữu cơ chính là tạo ra một trường văn hoá lành mạnh, năng động; đồng thời, xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp là nhằm lành mạnh hoá, năng động hoá các phương diện đó. Điều này có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người theo hướng ngày một văn hoá hơn. Bởi vì, nói đến vai trò của văn hoá đối với xây dựng con người là nói đến tổng thể những điều kiện nuôi dưỡng, vun đắp, phát triển nhân cách con người cả về mặt văn hoá văn hoá vật chất và mặt văn hoá tinh thần.

1 nhận xét: