Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay

TCCS - Thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nguyên tắc này, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Nhận thức của Đảng về thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền; hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng được xây dựng và phát triển, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng vào thực tiễn đất nước. Từ đây, Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt của công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951) khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là: “Sự lãnh đạo của Đảng phải thống nhất đối với các bộ phận quân, dân, chính và toàn diện, nghĩa là bao quát tất cả các vấn đề, nhưng đặc biệt là vấn đề quan trọng của các mặt hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Như thế dưới sự lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Đảng, bộ máy chính quyền dính liền với bộ máy quân sự và bộ máy dân vận, công tác chính quyền dính liền với công tác toàn Đảng”(1).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960) tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đặt ra vấn đề phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng đối với tổ chức khác trong hệ thống chuyên chính vô sản: “Củng cố sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với mọi ngành, mọi mặt công tác của Nhà nước và của quần chúng là điều không thể thiếu để phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh công tác của ngành theo đúng đường lối của Đảng”(2).

Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện đất nước bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng, quan điểm đổi mới thấm sâu trong mọi lĩnh vực, trong đó có công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Theo đó, nhận thức của Đảng về nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, phát triển qua các kỳ Đại hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VIII “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” nhấn mạnh, đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội phải luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, không rời xa nguyên tắc Đảng lãnh đạo thống nhất, toàn diện hệ thống chính trị: “Giữ vững và tǎng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, bản chất cách mạng của Nhà nước ta, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị”(3).

Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng: “Kiện toàn tổ chức bộ máy phải nhằm bảo đảm các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”(4).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với việc đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị. Trong đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, nhấn mạnh: “Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị”(5). Với quan điểm này, lần đầu tiên, nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đặt ra và quy định chính thức, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất hoạt động đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Một số kết quả đạt được và những hạn chế trong thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Việc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua đã đạt được một số kết quả cụ thể:

Một là, Đảng luôn quan tâm và lãnh đạo có hiệu quả việc đổi mới mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó nhiều mô hình thí điểm đã được triển khai và đạt kết quả tốt. Mô hình trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có 89,7% cấp ủy cấp huyện đã thực hiện tại 61/63 tỉnh, thành phố; mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh được thực hiện ở 22/63 tỉnh, thành phố; cơ quan ủy ban kiểm tra của cấp ủy với cơ quan thanh tra cấp huyện có 7,5% cấp ủy cấp huyện thực hiện tại 11/63 tỉnh, thành phố; ban tổ chức cấp ủy với cơ quan nội vụ cấp huyện có 8,33% cấp ủy cấp huyện đã thực hiện tại 13/63 tỉnh, thành phố; ban tuyên giáo với ban dân vận cấp ủy cấp huyện có 0,42% cấp ủy cấp huyện đã thực hiện tại 3/63 tỉnh, thành phố(6).

Hai là, thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đạt kết quả rõ rệt. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn. Tính đến ngày 31-12-2019, đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; 6 tổng cục và tương đương; 19 cục, vụ; 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; 3.768 phòng, đội và tương đương; giảm 4.963 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 3.646 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương(7). Nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn, tổ dân phố được hợp nhất, sắp xếp lại cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Cả nước có 46 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; qua đó đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã; các tỉnh, thành phố đã giảm 20.910 thôn, tổ dân phố(8).

Ba là, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, các cấp ủy, tổ chức đảng đã thực hiện nghiêm túc việc quản lý biên chế và đạt nhiều kết quả rõ nét. Biên chế của hệ thống chính trị có xu hướng giảm liên tục trong những năm gần đây, bảo đảm lộ trình theo đúng quy định; đến năm 2019, đã giảm được 236.039 người (giảm 6,58% so với năm 2015). Biên chế khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giảm 10,46%. Tại các cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý, biên chế số công chức xã giảm được 6,75%, biên chế viên chức giảm 3,87%(9) .

Bốn là, Đảng quan tâm lãnh đạo việc thực hiện chính sách cán bộ cho đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện chủ trương “bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp”(10), các địa phương quyết liệt và chủ động xây dựng phương án, chính sách cụ thể đối với những cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kinh phí hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cho 2.747 người, kinh phí hỗ trợ là 16,281 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh giải quyết chế độ, chính sách đối với 171 người dôi dư sau sắp xếp, với kinh phí hỗ trợ là 17,640 tỷ đồng (11).

Năm là, Đảng tập trung lãnh đạo có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc đổi mới tổ chức bộ máy của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cấp ủy, tổ chức đảng nhằm đánh giá kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết tại địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp đã tập trung kiểm tra việc thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những nơi có những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 1.392 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên(12).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong lãnh đạo thực hiện xây dựng mô hình và thể chế tổ chức bộ máy của các cấp ủy, tổ chức đảng đạt hiệu quả chưa cao, vẫn còn có biểu hiện chủ quan, thiếu thống nhất trong việc quyết định, lựa chọn mô hình, xây dựng thể chế tổ chức bộ máy; thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có nơi, có lúc còn thiếu tập trung, quyết liệt; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị qua nhiều lần kiện toàn, sắp xếp đã nâng cao một bước về hiệu quả, chất lượng, nhưng nhìn chung vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng nhiều đơn vị quản lý biên chế các tổ chức trong hệ thống chính trị, dẫn đến sự phân tán, thiếu thống nhất…

Từ những kết quả và hạn chế nêu trên cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ; hệ thống quy định, hướng dẫn về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được ban hành kịp thời, nên nhiều địa phương, đơn vị khi triển khai còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có nhận thức đúng đắn và thống nhất tư tưởng về thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đồng thời có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả nguyên tắc này trong thực tiễn. Tiếp tục nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tăng cường tuyên truyền đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong toàn hệ thống chính trị về thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy; tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong việc xây dựng, ban hành, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vào thực tiễn.

Thứ hai, chú trọng cụ thể hóa nội dung thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Để việc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phát huy được những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, cấp ủy các cấp cần cụ thể hóa nội dung thực hiện nguyên tắc này phù hợp với từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên cơ sở xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những định hướng lớn về đổi mới tổ chức bộ máy sát hợp với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể hóa việc xây dựng mô hình và thể chế tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện thực tiễn. Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản, quy định về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Xây dựng chương trình, kế hoạch, tiêu chí để xác định số lượng biên chế cụ thể được giao gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Đổi mới chính sách cán bộ thông qua ban hành, xây dựng hệ thống quy định, thể chế; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; có chính sách cụ thể đối với việc quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến các cấp ủy, tổ chức đảng cấp cơ sở về việc lãnh đạo thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: 1- Đổi mới khâu chuẩn bị ban hành nghị quyết, hình thức, nội dung ban hành nghị quyết; 2- Tiếp tục đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thông qua công tác tuyên truyền, quán triệt đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; 3- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác tổ chức, cán bộ trong các tổ chức hệ thống chính trị, trong đó coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu trong hệ thống chính trị và bố trí, phân công cán bộ phù hợp, am hiểu, có trình độ chuyên môn phụ trách công tác tổ chức; 4- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua việc lãnh đạo tổ chức đảng, đảng viên trong đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 5- Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết và các nội dung đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với cấp ủy các cấp, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, tăng cường xây dựng thể chế đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, cụ thể là các văn bản, quy định về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để các cấp ủy, tổ chức đảng có đủ cơ sở và căn cứ pháp lý thực hiện có hiệu quả việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đối với hệ thống tổ chức của Đảng, cần tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy từ Trung ương đến địa phương; coi trọng xây dựng quy định về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn, thẩm quyền của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và xây dựng quy định cụ thể nhằm tăng tính độc lập, thẩm quyền, trách nhiệm cho ủy ban kiểm tra của cấp ủy khi thực hiện kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy. Đối với cơ quan nhà nước, cần tiến hành xây dựng kịp thời các quy định đổi mới tổ chức bộ máy của Nhà nước, như tiếp tục bổ sung quy định khung số lượng đầu mối, số lượng cấp phó, biên chế của các cơ quan, tổ chức; xây dựng quy định tăng tính độc lập, thẩm quyền và trách nhiệm của hội đồng nhân dân trong thực hiện giám sát hoạt động của ủy ban nhân dân cùng cấp trong thực hiện đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương; xây dựng quy định nhằm nâng cao vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của tòa án nhân dân các cấp.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý tổ chức bộ máy và thực hiện nghiêm việc Đảng thống nhất lãnh đạo quản lý biên chế đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII nhấn mạnh: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm”(13). Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vừa là cơ sở để phân định rõ ràng trách nhiệm, thẩm quyền, cũng như chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành, vừa là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị cần quán triệt thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo quản lý biên chế; khắc phục tình trạng một nhiệm vụ được giao cho nhiều cơ quan quản lý, thực hiện nguyên tắc phân công “một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”(14); đẩy mạnh việc ban hành quy định, hướng dẫn đối với các cấp ủy, tổ chức đảng về quản lý biên chế và hoàn thiện quy định về thẩm quyền quản lý công chức nhằm tạo ra sự liên thông, thống nhất trong việc bố trí, điều động biên chế giữa cơ quan đảng với cơ quan chính quyền; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 17-KL/TW, ngày 11-9-2017, của Bộ Chính trị, “Về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021”.

Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ tinh gọn, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị, bảo đảm tổ chức bộ máy không chồng chéo, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của Đảng với cơ quan tham mưu về công tác tổ chức của Nhà nước nhằm cung cấp thêm cơ sở bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chuyên trách; chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, trí tuệ, bản lĩnh chính trị; kịp thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới các quy định, quy chế và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Để công tác kiểm tra, giám sát việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được tăng cường và tiến hành toàn diện, đồng bộ, bảo đảm thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến cấp cơ sở, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp về công tác kiểm tra, giám sát việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đối với việc đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên; tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp./.

TRẦN THỊ KIM DUNG
Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


----------------------

(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 12, tr. 249
(2) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, 2002, t. 21, tr. 711
(3) Văn kiện Đảng Toàn tậpSđd, 2015, t. 58, tr. 391
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XNxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 27
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIIVăn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr. 43 - 44
(6) Báo cáo số 288-BC/BTCTW, ngày 8-1-2020, của Ban Tổ chức Trung ương, “Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2020
(7), (8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 182, 183
(9) Báo cáo số 288-BC/BTCTW, ngày 8-1-2020, của Ban Tổ chức Trung ương, “Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2020
(10) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr. 44
(11) Trần Lê Việt: “Tháo dỡ khó khăn trong giải quyết chính sách với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư”, Tạp chí Xây dựng Đảng, tháng 12-2021, tr. 66
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 200
(13), (14) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr. 50, 49

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét