Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

LẠI BÀN VỀ TỰ DO BÁO CHÍ

Văn Hóa

Vừa qua một số cá nhân, tổ chức, đài báo ở nước ngoài có quan điểm sai trái, phản động như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ)... đã xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”. CPJ vu cáo Nhà nước Việt Nam là một trong ba nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới và đòi Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”. Tổ chức này đưa ra một số tên làm “ví dụ điển hình” cho các nhà báo bị giam giữ như: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang…

Đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái thể hiện sự thiếu hiểu biết về vấn đề tự do, dân chủ ở Việt Nam của CPJ. Bởi lẽ những cái tên trên là những đối tượng vi phạm pháp luật, bị bắt giữ và xét xử theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 05/01/2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi bị cáo 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Hay ngày 14/12/2021 tại phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát cho thấy, từ ngày 16/11/2017 đến 05/12/2018, Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Cần nhận thấy, vấn đề tự do, dân chủ, nhất là trong hoạt động báo chí luôn được Nhà nước Việt Nam rất coi trọng và thực hiện tốt trên thực tế. Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Nhà báo có các quyền: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… Nhà báo có các nghĩa vụ như: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;  không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật…

Thực tiễn cho thấy, Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo các quyền tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi lợi dụng tự do báo chí, tự do Internet, tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân, kích động gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc. Từ những nội dung trên cho thấy CPJ đã xuyên tạc sự thật, bóp méo vấn đề tự do, dân chủ, quyền con người ở Việt Nam một cách trắng trợn. CPJ cần tìm hiểu thật kỹ mọi vấn đề và thận trọng khi đưa ra những nhận định để khỏi hổ thẹn với chính bản thân mình khi bị cho là thiếu hiểu biết và định kiến cá nhân trong các phát ngôn của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét