TCCS-Theo quan niệm chung, “đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình.
Vấn đề đảng cầm quyền trong quan niệm của thế giới thường gắn liền với chính thể nhà nước, cách thức bầu cử, tương quan lực lượng trong thành phần của nghị viện. Do vậy, khái niệm “đảng cầm quyền” không hoàn toàn giống nhau trong chính thể đại nghị và chính thể tổng thống. Một quan niệm chung, phổ biến trên thế giới hiện nay, đảng cầm quyền (ruling party) là đảng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ và cạnh tranh. Trên cơ sở đó, đảng đứng ra thành lập chính phủ và đưa các quyết định chính sách dưới danh nghĩa quyền lực nhà nước, đại diện cho nhân dân. Trong hệ thống nghị viện, đảng cầm quyền là đảng chính trị hoặc liên minh chính trị chiếm đa số ghế trong nghị viện.
Trong chính thể tổng thống, ứng cử viên tổng thống của đảng nào được người dân lựa chọn thông qua cuộc bầu cử, thì đảng đó được gọi là đảng cầm quyền. Như vậy, đảng cầm quyền là đảng của tổng thống, của người đứng đầu cơ quan hành pháp, chứ không phải đảng chiếm đa số trong quốc hội. Hai chủ thể quyền lực này được bầu ra theo những cách thức khác nhau. Trong tương quan quyền lực đó thì quyền lực của tổng thống trội hơn quyền lực của quốc hội. Đảng của tổng thống có thể chiếm đa số trong quốc hội, nhưng cũng có thể không(11).
Đảng cầm quyền cũng là thuật ngữ dùng để chỉ các đảng cộng sản ở những nước có duy nhất một đảng cầm quyền, đang nắm chính quyền để lãnh đạo cách mạng ở các nước đó như: Đảng Cộng sản Trung Quốc (dù nhiều đảng nhưng thực chất là một đảng cầm quyền), Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào...
Bản chất của đảng cộng sản cầm quyền là đảng lãnh đạo chính quyền và thông qua chính quyền để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; nhân dân làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội. Vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và quan hệ gắn bó máu thịt giữa đảng với nhân dân(12). Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước nhưng không thể đồng nhất quyền lực của Đảng với quyền lực nhà nước. Quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật.
Trong quá trình cầm quyền của đảng, việc tồn tại một đảng hay nhiều đảng ở mỗi nước là do những điều kiện lịch sử - cụ thể quy định, không có khuôn mẫu chung cho tất cả các nước, cũng như cho mọi giai đoạn, mọi thời kỳ trong phạm vi một nước. “Chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo đều có mặt ưu và nhược do điều kiện cụ thể mỗi nước, mỗi giai đoạn lịch sử quy định. Vấn đề là ở chỗ bản chất của đảng cầm quyền đó như thế nào? Phục vụ cho giai cấp, tầng lớp xã hội nào?”(13).
Ở Việt Nam, từ trước năm 1988, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo chính quyền, còn có hai đảng tham chính: Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Hai đảng này đều do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra vận động thành lập, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phải là đảng đối lập. Năm 1988, hai đảng tuyên bố tự giải thể sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình(14), trên chính trường Việt Nam chỉ còn lại duy nhất một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong văn bản chính trị và pháp lý ở Việt Nam, thuật ngữ được sử dụng phổ biến, chính thức là Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Khái niệm “đảng cầm quyền” được dùng như “đảng lãnh đạo” và vì vậy, “nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng” cũng được dùng như là nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội(15). Khái niệm “đảng cầm quyền” không loại trừ nội dung “Đảng lãnh đạo chính quyền” mà bao hàm trong đó. Không lãnh đạo chính quyền thì Đảng không cầm quyền được. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(16)
PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM
(12) Xem Ban Tổ chức Trung ương: Một số vấn đề về đảng cầm quyền và công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới (Tài liệu bồi dưỡng thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp khối Đảng, đoàn thể năm 2011), Hà Nội, 2011, tr. 2
(13) Lê Hữu Nghĩa: “Vai trò lãnh đạo của Đảng là hợp lòng dân, hợp hiến, hợp pháp”, Báo điện tử Vì Tổ quốc Việt Nam, http://vitoquocvietnam.wordpress.com/2013/03/29/vai-tro-lanh-dao-cua-dang-la-hop-long-dan-hop-hien-hop-phap/, ngày 29/3/2013
(14) Vũ Trọng Lâm: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu khách quan”, Tạp chí Cộng sản, số 944, tháng 6-2020, tr. 42
(15) Xem Nguyễn Văn Huyên: Đảng Cộng sản cầm quyền - Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng, Sđd, tr. 35
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 88
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét