Phạm Trung
Nhìn lại một năm sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có những sự kiện, thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực.
Một là, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là
cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, với gần 70 triệu
lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt tới 99,6%.
Thành công của cuộc bầu cử này tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng
lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt trong điều kiện phải chống
chọi với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Hai là, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, GDP của tăng trưởng 2,58%.
Đại dịch Covid-19 gây ra hậu quả vô
cùng to lớn, năng nề đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để thích
ứng với điều kiện bình thường mới, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược phòng,
chống dịch từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu
quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã
hội, kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước
hết”.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng
nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III-2021,
nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài,
GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Dù thấp hơn mức
tăng trưởng 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại
đây, nhưng đây là nỗ lực lớn của nước ta trong việc phòng, chống dịch bệnh, duy
trì sản xuất, kinh doanh.
Ba là, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển
khai quyết liệt, hiệu quả.
Trong năm 2021, cuộc đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, nhiều vụ
án lớn được đưa ra xét xử. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được triển
khai quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng được quy định rõ ràng hơn, mở rộng phạm
vi chỉ đạo, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mà còn là
cả phòng, chống tiêu cực.
Bốn là, Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26.
Ngày 1-11-2021, tại Glasgow, Vương
quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam
tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về
biến đổi khí hậu (COP26). Tại đây, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ về ứng
phó với biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khoa học, công nghệ, tài
chính với nhiều đối tác quốc tế. Cam kết mạnh mẽ này đã được cộng đồng quốc tế
ghi nhận và đánh giá cao, đồng thời định hướng cho phát triển bền vững của Việt
Nam trong thời gian tới.
Năm là, ngành ngoại giao đạt nhiều thành quả ấn tượng.
Năm 2021, ngành ngoại giao đạt được
nhiều thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của
công tác đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới. Cùng với Hội
nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tạo ra khí thế mới,
xung lực mới cho ngành ngoại giao thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đối
ngoại theo đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, trong bối cảnh
dịch bệnh phức tạp, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước vẫn được duy trì với
nhiều chuyến thăm song phương, nhiều cuộc hội đàm, điện đàm trực tuyến được tổ
chức, nhiều hoạt động đa phương hiệu quả. Công tác “ngoại giao vaccine” được đẩy
mạnh, đạt kết quả thiết thực, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một
trong 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới.
Sáu là, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, vượt dự toán thu ngân sách.
Chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2021
diễn ra mạnh mẽ để thích ứng tốt hơn với đại dịch Covid-19. Việc khai trương Hệ
thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng
trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế
số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng. Doanh
nghiệp công nghệ số có sự phát triển vượt bậc. Cho tới nay, Việt Nam đã có
64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ
USD. Đặc biệt, nhiều giải pháp công nghệ cũng đã được đưa vào giải quyết các vấn
đề của quốc gia, như việc triển khai trên cả nước Hệ thống khám, chữa bệnh từ
xa (Telehealth); thí điểm dịch vụ Mobile Money (ví điện tử viễn thông), v.v..
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều
khó khăn, thách thức, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý năm
2021 đã hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng. Có 60/63 địa phương đánh
giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước. 14/19 khoản
thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Kết quả ấn tượng này
đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn về tài
chính ngân sách.
Như vậy, sau một năm thành công của
Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đây là “tiêu chuẩn thực tiễn” sinh động khẳng định sự thành công của Đại hội
không chỉ trên nghị trường mà còn được hiện thực hóa trong cuộc sống. Những
thành tựu quan trọng này tạo tiền đề để năm 2022 Việt Nam quyết tâm chiến thắng
dịch bệnh và phục hồi kinh tế, hiện thực hóa những mục tiêu mà Đại hội XIII của
Đảng đã xác định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét