Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Nhận thức chung về đảng chính trị

TCCS-Quá trình hình thành của đảng chính trị bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đồng thời cũng là thời kỳ ra đời các hệ thống chính trị của các nhà nước tư sản non trẻ ở Tây Âu và Mỹ(1). Các tổ chức tiền thân của các chính đảng là các nhóm chính trị, các câu lạc bộ. Tại nước Anh, các tổ chức đảng được phôi thai từ thế kỷ XVII(2). Ở Pháp, sự phát triển của các nhóm nhỏ mà được coi là các đảng mới được hình thành, phôi thai từ cuộc cách mạng năm 1789(3)... Nhưng phải đến cuối thế kỷ XVIII, đảng chính trị mới xuất hiện. Ở Mỹ, Đảng Dân chủ xuất hiện năm 1792 với tư cách là một nhóm cử tri ủng hộ Thomas Jefferson trở thành Tổng thống năm 1801 (Đảng Cộng hòa ra đời muộn hơn, vào năm 1854).

Trong lịch sử phát triển của loài người, khi xã hội phân chia thành giai cấp thì xuất hiện mâu thuẫn về lợi ích giai cấp. Lịch sử đấu tranh giai cấp đã chứng minh rằng, đấu tranh giai cấp phát triển đến một trình độ nhất định thì các đảng chính trị mới có khả năng ra đời. Các đảng chính trị được xuất hiện trong cách mạng tư sản, trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện lịch sử mới, quyền lực nhà nước không còn nằm trong tay vua chúa và không được truyền cho con cháu theo nguyên tắc “cha truyền con nối”. Việc thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước được tiến hành bằng phương pháp bầu cử phổ thông, đầu phiếu.

Xét về phương diện tổ chức quyền lực nhà nước, đảng chính trị xuất hiện như là kết quả việc hạn chế quyền lực của nền quân chủ chuyên chế, của sự ra đời quyền bầu cử (thế kỷ XIX)(4). Trong bối cảnh đó, các lực lượng muốn chiếm giữ quyền lực và nhân rộng tầm ảnh hưởng trong xã hội cần phải bảo đảm cho mình sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng. Chính đảng chính trị đã trở thành công cụ hợp pháp để phản ánh quyền lợi của những nhóm cử tri khác nhau và để chọn lựa giới thượng lưu cho xã hội. Đây chính là những lý do khách quan cho sự ra đời của đảng chính trị.

Sự ra đời và phát triển của các chính đảng có liên quan chặt chẽ đến ba khái niệm cơ bản: quyền tồn tại của các nhóm khác nhau trong xã hội, quyền các nhóm được kiểm soát và chi phối lãnh đạo, hạn chế quyền của phái đa số cầm quyền(5). Biểu hiện tập trung, cụ thể và thiết thực của ba khái niệm đó là quyền giành quyền lực bằng con đường tuyển cử và bằng đấu tranh ở Quốc hội. Một số quốc hội ra đời sớm ngay khi còn chế độ quân chủ chuyên chế như Quốc hội Anh (giữa thế kỷ XIV), Quốc hội Pháp (giữa thế kỷ XV). Sự kiện đó đã phản ánh mối quan hệ thống trị, đấu tranh và hợp tác giữa nhà vua, quý tộc, tư sản và nông dân trong một thời gian tương đối dài trước khi có các cuộc cách mạng tư sản. Tại Hoa Kỳ, Quốc hội và Chính phủ đều ra đời qua thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thiết lập chính quyền tư sản. Trong bối cảnh đó, các chính đảng dần dần ra đời và phát triển.

Trên thế giới đã có nhiều quan niệm về đảng chính trị, vừa có nét tương đồng, vừa có sự khác biệt, thậm chí khác nhau khá xa. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã đưa ra định nghĩa về đảng chính trị từ phương diện một thuộc tính tiêu biểu của đảng chính trị, đó là vai trò của đảng trong các cuộc bầu cử để tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Theo đó, phạm trù đảng chính trị bao gồm những dấu hiệu sau(6):

Đảng tồn tại với mục đích nắm giữ quyền lực nhà nước. Đây là mục đích mang tính công khai, nhất quán đối với tất cả các đảng chính trị. Khác với những tổ chức khác hoạt động trên chính trường, đảng công khai đấu tranh vì những vị trí trong nghị viện và chính phủ. Vai trò, vị thế của các đảng chính trị được thể hiện ở sự tham gia tích cực vào đời sống chính trị ở mọi giai đoạn của hoạt động chính trị: tham gia vào các cuộc bầu cử, hình thành các cơ quan nhà nước, đưa các quyết định chính trị vào hoạt động của nhà nước và việc thực hiện chúng.

Phương thức giành quyền lực nhà nước của đảng chính trị là phương thức cạnh tranh trong bầu cử, là con đường hòa bình. Đây là phương thức được các chính trị gia phương Tây đề cao, bởi theo họ, đó là con đường chính trị ưu việt, phù hợp với tinh thần dân chủ cao nhất.

- Để trở thành một đảng chính trị, tồn tại và phát triển với vị thế là một đảng chính trị thì các tổ chức đảng chính trị phải có các yếu tố cấu thành: các đảng đều phải có hệ tư tưởng riêng, phải là một tổ chức có kỷ cương và phải được sự thừa nhận, điều chỉnh của luật pháp. B. Konstan đại diện cho trường phái bảo thủ ở Anh cho rằng, đảng phái là tập hợp những người theo những học thuyết chính trị giống nhau(7).

Nhà triết học chính trị Xôviết Anatôli Butenkhô đã đưa ra định nghĩa: “Chính đảng là tổ chức chính trị đoàn kết những đại diện tích cực nhất của một giai cấp xã hội nhất định (hay một nhóm xã hội) và thể hiện (trong cương lĩnh và các văn kiện khác) những lợi ích cơ bản của giai cấp đó. Chức năng quan trọng nhất của đảng là tìm ra những phương hướng và phương tiện thực hiện những lợi ích đó, là người tổ chức những hoạt động của giai cấp và của các đồng minh của nó”(8).

Trong lịch sử, không có một giai cấp cầm quyền nào mà lại tự nguyện từ bỏ quyền lực chính trị của giai cấp mình. Đấu tranh chính trị đòi hỏi giai cấp phải có mục tiêu chính trị rõ ràng, phải có tổ chức chặt chẽ để tập hợp lực lượng của giai cấp, để huy động lực lượng đồng minh đánh bại kẻ thù, giành thắng lợi. Các đảng chính trị ra đời là do đòi hỏi khách quan của cuộc đấu tranh chính trị giữa các giai cấp. Đảng là một tổ chức chính trị thể hiện lợi ích của giai cấp xã hội nhất định (các đảng công nhân, tư sản, nông dân, dân chủ cách mạng...). Đảng chính trị, về nguyên tắc, là tổ chức cao nhất, chặt chẽ nhất của giai cấp, tập hợp những người giác ngộ nhất về lợi ích giai cấp, kiên quyết nhất trong đấu tranh để bảo vệ lợi ích giai cấp khi chưa giành được quyền lực chính trị cũng như khi đã giành được quyền lực chính trị.

Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất của đảng chính trị là tập hợp lực lượng để thành đảng cầm quyền. Nếu không có mong muốn giành chính quyền thì không thể là đảng chính trị. Xét về nguyên tắc, mọi đảng chính trị đều mong muốn trở thành đảng cầm quyền. Sự tồn tại của một đảng gắn bó với cuộc đấu tranh để giành chính quyền, thỏa mãn những lợi ích giai cấp và đạt tới mục tiêu cuối cùng của nó là trở thành đảng cầm quyền. Khi trở thành đảng cầm quyền, đảng đứng ra thành lập chính phủ để thể hiện ý chí thống trị xã hội của giai cấp mình.

Để trở thành một đảng chính trị, thì đảng đó phải đạt được một số tiêu chuẩn nhất định. La Palombara, một trong những chuyên gia người Mỹ có uy tín về đảng phái học đã nêu bật bốn yếu tố cấu thành đảng:

Thứ nhất, đảng đó phải có hệ tư tưởng cho các hoạt động, mục tiêu tồn tại của mình. Các đảng phái về bản chất là người đại diện cho hệ tư tưởng hoặc ít nhất cũng phải thể hiện một định hướng nhất định về thế giới quan hoặc nhân sinh quan.

Thứ hai, đảng là một tổ chức, nghĩa là có một sự liên kết con người tương đối lâu dài theo thời gian của các thành viên (đảng viên) hợp thành, là một thiết chế mà nhờ đó đảng khác với các tập hợp quần chúng.

Thứ ba, mục tiêu của đảng là giành và thực hiện quyền lực nhà nước. Trong hệ thống đa đảng, tự thân đảng khó có thể trở thành đảng cầm quyền. Một trong những điều kiện cơ bản để trở thành đảng cầm quyền đó là đảng phải có chương trình vận động tranh cử, phải được nhân dân tín nhiệm.

Thứ tư, các đảng phái phải nỗ lực tranh thủ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

Từ cách tiếp cận trên, Quaermonne đưa ra định nghĩa về các đảng phái như sau: “Các đảng là lực lượng chính trị có tổ chức, liên kết công dân có cùng khuynh hướng chính trị nhằm động viên ý kiến về một số mục tiêu nhất định để tham gia vào các cơ quan quyền lực để hướng quyền lực đến chỗ đạt được những yêu cầu đó(9).

Chức năng của đảng chính trị được thể hiện trên những phương diện hoạt động cơ bản như sau(10):

- Động viên, tổ chức, hỗ trợ và lãnh đạo các tầng lớp xã hội đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của họ với yêu cầu cao nhất của đấu tranh là giành và giữ chính quyền.

- Xây dựng chính sách phù hợp, phản ánh nguyện vọng cụ thể của từng giới và thực hiện nhiệm vụ trung gian giữa chính quyền và nhân dân trong việc điều chỉnh chính sách trong từng giai đoạn.

- Việc thi hành và xây dựng chính sách chịu tác động qua lại của tình hình quốc tế, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, nên không thể chủ quan, duy ý chí.

- Khi một chính đảng trình bày chương trình và chính sách của mình cho nhân dân, chính đảng đó không thể không tính đến sự cạnh tranh của các chính đảng khác và yêu cầu của các giới để có thể tham gia vào chính quyền; do đó, cần phải điều chỉnh ý định, quan điểm, yêu cầu của mình.

- Việc tuyên truyền và thực hiện chính sách của một chính đảng còn có thể vấp phải sự chống đối và cạnh tranh của những thế lực trong từng khu vực và lĩnh vực của “các nhóm lợi ích và bộ máy viên chức”.

Trong hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa, các đảng chính trị có một vị trí rất quan trọng. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, vai trò của đảng chính trị có thể được ghi hay không được ghi trong hiến pháp. Ví dụ, Hiến pháp của Hoa Kỳ không ghi vai trò của đảng chính trị, nhưng Hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Đức lại ghi rõ tại Điều 21, xác định nhiệm vụ của các đảng là “góp phần vào việc hình thành ý chí chính trị của nhân dân” và quy định việc ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho các đảng chính trị. Dù có được ghi hay không được ghi trong hiến pháp thì trong thực tế, các đảng chính trị tư sản vẫn được pháp luật các nước tư bản thừa nhận. Các đảng tư sản cầm quyền có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị tư sản, có tầm ảnh hưởng to lớn đến các chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia.

PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM 

(1) Xem Văn phòng Quốc hội: Tổ chức và hoạt động của quốc hội một số nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 47
(2) Theo đánh giá của T.B. Macaulay - chính trị gia người Anh, những nhóm đầu tiên có thể gọi là các đảng chính trị là những người thuộc Cavalier và Rouhead: Cavalier là nhóm các kỵ sĩ hộ tống vua Charles I trong thời kỳ nội chiến ở Anh và Rouhead là những người ủng hộ nghị viện
(3) Xem Joseph La Palombara and Myron Weiner: Political parties and political development, Princeton University Press, USA, 1966, p. 5
(4) Xem Văn phòng Quốc hội: Tổ chức và hoạt động của quốc hội một số nước, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 47
(5) Xem Hồ Văn Thông: Hệ thống chính trị ở các nước tư bản phát triển hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 95
(6) Xem Văn phòng Quốc hội: Tổ chức và hoạt động của quốc hội một số nước, Sđd, tr. 48
(7) Xem Viện Thông tin khoa học xã hội: Chính trị học, Nxb. Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 43
(8) Xem Anatôli Butenkhô: Đảng trong hệ thống chính trị của xã hội xã hội chủ nghĩa, Nxb. APN, Mátxcơva, 1970, tr. 19
(9) Viện Thông tin khoa học xã hội: Chính trị học, Sđd, tr. 44
(10) Xem Hồ Văn Thông: Hệ thống chính trị ở các nước tư bản phát triển hiện nay, Sđd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét