Vì sao học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội mác-xít bị chống phá dữ dội?

Trước sự biến động dữ dội của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là những khó khăn, thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kể từ sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các quan điểm, luận thuyết xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin “nở rộ như nấm sau mưa”.

Vin vào cớ chủ nghĩa tư bản đương đại đang đổi mới, thích nghi và phát triển, họ cho rằng, Việt Nam lại “giậm chân tại chỗ”, vì cứ “bám lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin”, mục tiêu, con đường chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn nên bị tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự trì trệ, bảo thủ chậm khắc phục với những hạn chế, bất cập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đang đẩy Việt Nam xuống vực thẳm, hố sâu, đi vào “ngõ cụt”, “bế tắc”(!).

Mượn cái cớ đó, một số kẻ cơ hội chính trị, bất mãn quan điểm với Đảng, Nhà nước cho rằng, cả đời đã ngưỡng mộ, tin theo học thuyết Mác-Lênin là sai lầm, họ tiếc nuối vì đi theo “con đường chủ nghĩa xã hội không tưởng” của C.Mác nên giờ nhận thức lại, họ thấy cần phải “tẩy sạch, gột rửa nền tảng tư tưởng của Đảng cho sạch đầu” là Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là lý luận về hình thái kinh tế-xã hội của Mác để “thanh thản đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, mong sớm phát tài, giàu sang, noi gương các nước Đông Âu (!).

Vì sao khi chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch lại chĩa mũi nhọn vào việc xuyên tạc, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác một cách điên cuồng và quyết liệt như vậy? Hẳn là họ ý thức rõ ràng về sức sống mãnh liệt và sự nguy hiểm của học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác đối với sự tồn tại, phát triển và đe dọa lợi ích nhóm của họ.

Kiên quyết bảo vệ “hòn đá tảng” của học thuyết mác-xít về hình thái kinh tế-xã hội
 Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn 

Bởi lẽ, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác đã vạch ngọn nguồn “bí mật” của chế độ áp bức, bóc lột; chỉ ra con đường, biện pháp “kết liễu”, đập tan sự dối trá của họ; hướng tới xóa bỏ mọi sự áp bức, bóc lột, bất công; dẫn dắt, chỉ đường cho giai cấp vô sản đấu tranh tự giải phóng mình, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp-xã hội xã hội chủ nghĩa.

Những người có quan điểm đối lập với Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nhận thức rằng, chừng nào còn tồn tại học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác thì chừng ấy còn có sự thống trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, còn có đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, cũng như cuộc đấu tranh không khoan nhượng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản.

Do đó, họ cảm nhận các nguy cơ đe dọa sự tồn tại của họ là sự thật. Điều tất yếu sẽ đến là sự diệt vong khó tránh khỏi. Rõ ràng, sự tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ từ học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “lưỡi dao đâm thẳng vào tim họ” và họ không mong muốn kết cục bi thảm, đau thương ấy.

Vì lẽ đó, họ không thể ngồi nhìn sự “chết dần chết mòn” của đồng đảng, của chính mình và không thể “chịu đựng nổi” uy tín và vai trò ngày càng tăng lên của đảng cộng sản, ưu thế và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Để tự cứu lấy mình, buộc họ phải dùng thuyết âm mưu để chống phá học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác-một nội dung trọng yếu trong nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản-Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Kiên quyết bảo vệ “hòn đá tảng” của Chủ nghĩa Mác-Lênin

Điều khác biệt căn bản về chất so với các luận thuyết chính trị-xã hội có trong lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác là sự thống nhất biện chứng giữa tính khoa học và tính đảng, tính lý luận và thực tiễn.

Trong Chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận về hình thái kinh tế-xã hội là một nội dung then chốt, nền tảng, nhờ nó mà quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử không còn là một giả thuyết, mà được chứng minh bằng khoa học; trở thành kim chỉ nam chỉ đạo nhận thức và hành động của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Mác và Ăng-ghen đã xác nhận rằng, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội chính là kết quả lớn nhất mà hai ông đã đạt được, nó trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu sau này.

Phải chăng vì lẽ đó, những người theo chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại dưới mọi màu sắc luôn tập trung công kích, bài xích, phủ nhận lý luận mác-xít về hình thái kinh tế-xã hội với hy vọng từ đó phủ nhận toàn bộ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Họ lớn tiếng phê phán “sai lầm chủ yếu trong học thuyết về lịch sử của Mác là học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội”. Từ đó, họ ra sức lý tưởng hóa mô hình xã hội tư bản hiện đại, tán dương các học thuyết xã hội phi mác-xít, chứng minh “tính hợp lý” của học thuyết của Avin Tốp-lơ với ý đồ dùng nó để thay thế học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác; phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chúng ta không phủ nhận những yếu tố hợp lý trong các học thuyết xã hội ngoài mác-xít, đáng kể là thành tựu cũng như vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại, về sự phát triển của lực lượng sản xuất, về đẩy mạnh giáo dục và đào tạo với sự tiếp thu “hạt nhân hợp lý” của nó để nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...

Song cần thấy rõ hơn những khiếm khuyết, hạn chế của các học thuyết đó, nhất là việc né tránh giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội khác với vấn đề giải phóng con người, xóa bỏ áp bức, bóc lột và các vấn đề xã hội khác như chiến tranh và hòa bình...

Không phải ngẫu nhiên mà Thời báo Los Angeles (Mỹ), phát hành sau sự kiện cuộc đảo chính tại Liên Xô ngày 19-8-1991, đã nhận định: Tư tưởng xã hội của Chủ nghĩa Mác vẫn còn ghi dấu ấn không thể xóa bỏ trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Nhiều vấn đề chính trị học, xã hội học, kinh tế học của thế giới đương đại đều được phân tích bằng lăng kính của Chủ nghĩa Mác, thậm chí còn được phân tích, sử dụng từ những khái niệm mác-xít. Cựu Tổng thống Mỹ R.Nixon, trong cuốn “Chớp lấy thời cơ-thách thức mới đối với Hoa Kỳ trong thế giới một siêu cường” cũng phải thừa nhận: “Học thuyết Mác vẫn đang được hâm mộ trong các trường đại học ở Mỹ và Tây Âu”.

Hiểu đúng sự thật, tôn trọng sự thật thì phải thừa nhận rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, điều kiện, lực lượng và phương thức đấu tranh giải phóng triệt để xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hóa, đói nghèo dưới mọi hình thức; đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Lẽ phải duy nhất là Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra những quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan, sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đưa giai cấp công nhân và những người dân lao động từ nô lệ lên địa vị làm chủ xã hội.

Bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác-Lênin thể hiện ở tính tất yếu khách quan của sự ra đời học thuyết, ở việc khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại và phát triển lịch sử xã hội loài người, ở quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, ở mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ở việc khẳng định sự phát triển của các hình thái kinh tế-xã hội là quá trình lịch sử-tự nhiên...

Không thể lấy cách tiếp cận khác, ví như cách tiếp cận lịch sử các nền văn minh, các làn sóng văn minh, hoặc cách tiếp cận của sự phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật... để thay thế học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác-Lênin, mặc dù trong các cách tiếp cận của các học thuyết ngoài mác-xít có một số yếu tố khoa học, chúng ta có thể chắt lọc, tiếp thu, kế thừa trên tinh thần phê phán để phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giàu có Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Điểm nhấn cần nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác-Lênin là ở chỗ, Mác làm nổi bật vai trò quyết định-xét đến cùng-của nhân tố kinh tế. Tuy nhiên, Mác, Ăng-ghen và Lênin không bao giờ coi kinh tế là nhân tố duy nhất quyết định sự vận động, phát triển của lịch sử.

Về vấn đề này, Ăng-ghen đã khẳng định rõ ràng: “Theo quan niệm duy vật về lịch sử, xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả tôi lẫn Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu có ai đó xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa. Tình hình kinh tế là cơ sở hạ tầng, nhưng các yếu tố khác của kiến trúc thượng tầng... cũng có ảnh hưởng đến quá trình của cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức của cuộc đấu tranh ấy"(1).

Mác chỉ ra vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển xã hội, con người, loài người. Nếu không có hoạt động sản xuất vật chất, thì con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển. Ngoài chức năng đầu tiên và trực tiếp này, con người thông qua lao động sản xuất vật chất còn sản xuất ra chính bản thân mình.

Ăng-ghen khẳng định: “Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ đời sống loài người... lao động đã sáng tạo ra bản thân con người”(2).

Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học để chúng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Chủ nghĩa Mác vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chính nó là vũ khí lý luận sắc bén để chúng ta đứng vững trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, phản động, bảo vệ chân lý khoa học của Chủ nghĩa Mác- Lênin trước sự tấn công từ nhiều phía của kẻ thù; kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, H.1997, t.37, tr.641- 642.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, NXB. Chính trị Quốc gia, H. 2002, t.20, tr.641.