Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

VIỆT NAM KHÔNG TÁN THÀNH VỚI BÁO CÁO NHÂN QUYỀN NĂM 2017 CỦA MỸ


Trong Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20/4, khi nhắc đến Việt Nam, phúc trình nhận định: “…còn tồn tại các tình trạng đàn áp nhân quyền bao gồm: tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiện, phi pháp; nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người; vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa; hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo…”
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về Báo cáo trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 4/5/2018, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”.

Thật vậy, ngay từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm, quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Đảng ta chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN với bản chất là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc biệt ở Việt Nam, các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Còn ở Mỹ thì người dân không có quyền bầu cử, việc này chỉ được thực hiện đối với đại cử tri.
Nhân quyền ở đây còn được thể hiện rõ nét ở việc con người được sống trong một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” và an toàn, lành mạnh như ở nước ta. Có thể thấy, Việt Nam là điểm đến yêu thích của bạn bè các nước trên thế giới không chỉ là từ vẻ đẹp của các điểm du chơi, nghỉ dưỡng mà còn là sự an toàn, bình đẳng ở nơi đây. Điều này chính hãng phim nổi Hollywood (Mỹ) đã thừa nhận khi xây dựng bộ phim hành động với tựa đề “Không lối thoát” (No escape). Phim kể về một gia đình Mỹ sang một nước Đông Nam Á nhưng gặp cảnh tranh chấp đẫm máu giữa người dân với chính quyền, nhóm người này còn tìm người nước ngoài để chém giết. Gia đình người Mỹ kia đã tìm cách trốn thoát và thật may mắn khi tới Việt Nam, được bộ đội Việt Nam giải cứu. Tuy chỉ là một tình tiết trong phim nhưng có thể nói bộ phim đã dựa trên bối cảnh thực tế là sự an toàn, thân thiện của Việt Nam.
Trong báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có nói về “vấn đề bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa”. Việc các cơ quan chức năng bắt và xử lý các đối tượng như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Xuân, Lê Thu Hà,… đều dựa vào các chứng cứ khẳng định hoạt động phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây đâu phải hoạt động bắt và giam giữ tùy tiện?
Rõ ràng, Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam là thiếu khách quan, trung thực, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam. Có thể khẳng định rằng chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
(Diệp Vấn)

1 nhận xét:

  1. Báo cáo nhân quyền thường niên toàn cầu năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam là thiếu khách quan, trung thực, không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa