Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

"Không phải ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng"

(TG) -Việc lựa chọn một đảng cầm quyền như ở Việt Nam hay đa đảng như các quốc gia khác là tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì một đảng cầm quyền hay đa đảng cầm quyền đều sẽ có điều kiện để nảy sinh tham nhũng. 

Luận điệu  "Ruột cũ bình mới"
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc; luôn luôn trung thành, kiên định lãnh đạo nhân dân ta thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Song, thời gian vừa qua, các thế lực thù địch ở nước ngoài và phần tử cơ hội chính trị ở trong nước đang rêu rao cho rằng: “Ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng”. Đây là luận điệu kiểu “ruột cũ bình mới”, tiếp nối sự thất bại của các luận điểm mà chúng từng cao hứng cho rằng: “Ở Việt Nam, do có một Đảng cầm quyền nên không có dân chủ, đất nước còn nghèo khổ và không giàu mạnh, phát triển được...”. Mẫu số chung, mục đích chính trị sâu xa của những luận điểm thù địch đó là đánh đồng hiện tượng tham ô, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đi đến phủ nhận vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, nhằm lừa bịp, kích động, gây mơ hồ ảo tưởng, nhận thức sai lệch của quần chúng nhân dân lao động về Đảng. Từ đó, dọn đường cho một lực lượng chính trị lãnh đạo khác thay thế sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới đổi màu chế độ xã hội theo một kịch bản đã định. Sự tinh vi của mỗi luận điểm phản động nêu ra đều dựa vào những hiện tượng không phải là bản chất của chế độ ta; bới tìm những hạn chế nhất thời để vu khống, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính chất sai trái của luận điểm cho rằng: “Ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng”, thể hiện ở cả góc độ lý luận và thực tiễn.

Về lý luận, tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực và lợi ích cá nhân, là một hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công khác. Tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ, với những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào bản chất và trình độ quản lý của nhà nước đó, chứ không phải do một đảng cầm quyền hay thực hiện chế độ đa đảng. Việc lựa chọn một đảng cầm quyền như ở Việt Nam hay đa đảng như các quốc gia khác là tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì một đảng cầm quyền hay đa đảng cầm quyền đều sẽ có điều kiện để nảy sinh tham nhũng.

 Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị - kinh tế tạo ra lợi ích, siêu lợi ích và đó là tiền đề khách quan quan trọng làm cho tham nhũng có điều kiện nảy sinh và phát triển. Chừng nào điều kiện để lợi ích kết hợp với sự lạm quyền của những người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn thì chừng đó vẫn còn sinh ra tệ tham ô, tham nhũng. Từ đó, có thể thấy, với mỗi một quốc gia, dù là một đảng cầm quyền hay thực hiện chế độ đa đảng thì tệ tham ô, tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan công quyền vẫn luôn là nguy cơ tiềm tàng.

Về thực tiễn, tham nhũng là vấn nạn chung của toàn cầu, xảy ra ở mọi lĩnh vực có liên quan hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, không phải chỉ xuất hiện ở Việt Nam, với chế độ một đảng cầm quyền mà ngay tại các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng như Hoa Kỳ, Singapore, Nga, Hàn Quốc… cũng diễn ra nghiêm trọng. Tại Mexico, tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp và thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc (có hiệu lực ngày 13-1-2005). Công ước là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng và Việt Nam là một trong hơn 110 nước đã ký Công ước chống tham nhũng… Vì vậy, lập luận rằng “Ở Việt Nam, chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham ô, tham nhũng” không phải chỉ là một sự ngụy biện phản động, áp đặt thô thiển mà còn là sự thiển cận trong tư duy!

Chống tham nhũng ở Việt nam không có vùng cấm

 Thực tế ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa và tác hại của tệ tham ô, tham nhũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định rất phức tạp và lâu dài. Đảng Cộng sản Việt Nam trong các Đại hội từ VI đến XII đã khẳng định quyết tâm tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, như Nghị quyết 04-NQ/TW khóa VI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII về “Lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng”. Trong đó, đã xác định rõ đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân...


Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã xác định rõ mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đề ra 6 giải pháp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Gần đây, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”,v.v.. nhất là, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mạnh mẽ phê phán tham ô, tham nhũng, coi đó là một trong 27 biểu hiện sự suy thoái của cán bộ, đảng viên và đưa ra cảnh báo: Tham nhũng đang làm xói mòn uy tín của Đảng cầm quyền, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Thể hiện rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, thể chế hóa quan điểm của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban được thành lập năm 2013 cùng hàng loạt các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được thành lập tại các bộ, ban, ngành đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta không bao che cho các hành vi tham ô, tham nhũng, các hành vi làm trái với pháp luật và làm tổn hại đến tài sản của đất nước, niềm tin của nhân dân. Những vụ việc liên quan đến tham ô, tham nhũng, làm trái quy định, gây tổn hại đến tài sản quốc gia, đến uy tín của Đảng đều được xem xét, xử lý công khai và khẳng định không có vùng cấm.


Một số kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một số vụ “đại án” gần đây cho thấy, các dấu hiệu của tham ô, tham nhũng, liên quan đến tham ô, tham nhũng đều được chỉ đạo điều tra, giải quyết kịp thời và minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là những hoạt động thể hiện sự phát huy tối đa những thuộc tính dân chủ xã hội ở Việt Nam theo phương châm “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” - thường gọi là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vậy nên, cả về lý luận và thực tiễn đều đã chứng minh rằng: vấn đề tham ô, tham nhũng là vấn nạn nhiều quốc gia phải đối mặt trong nhiều thời kỳ lịch sử, nhiều bối cảnh chính trị khác nhau. Việc quy chụp, xiên xẹo thể chế chính trị là nguyên nhân gây ra tham ô, tham nhũng là luận điệu cố tình bóp méo, xuyên tạc hòng đánh tráo khái niệm, làm sai lệch bản chất trong tranh luận, cần phải được nhận thức và phản bác quyết liệt

Đại tá, PGS.TS. Lưu Ngọc Khải

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa