Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, MỘT THIÊN TÀI TRÍ TUỆ, MỘT NGƯỜI CỘNG SẢN, NHÀ MÁC-XÍT MẪU MỰC
Thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hóa. Các giá trị chung của nhân loại về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa nhanh chóng lan tỏa trên internet, mạng xã hội. Đây là cơ hội cho các dân tộc có thể chia sẻ những giá trị của dân tộc mình với các dân tộc khác. Thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh-một thiên tài trí tuệ, một nhà mác-xít mẫu mực là một trong những giá trị đó.
Thiên tài trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu hiện từ tuổi vị thành niên. Nét đặc sắc thiên tài của Người là luôn gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc. Năm 1923, khi đang cộng tác tại Quốc tế Cộng sản ở Moscow, một nhà thơ lớn của Liên Xô đến thăm Người, trong câu chuyện giữa hai người, nhà thơ Liên Xô hỏi “vì sao đồng chí muốn ra nước ngoài?”, Nguyễn Ái Quốc trả lời rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… (bởi vậy) tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”.
Đối với dân tộc ta, với cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tìm ra con đường giải phóng dân tộc, người cầm lái vĩ đại, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, mà còn là kiến trúc sư thiên tài, kiến tạo chế độ xã hội, Nhà nước và Quân đội ta theo những tiêu chí của một xã hội văn minh. Có thể nói, không có một đảng chính trị nào, một cuộc cách mạng nào như cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân ngay sau khi giành được chính quyền. Thường đảng cách mạng nắm giữ chính quyền bằng những hình thức khác nhau trong một thời gian dài để củng cố quyền lực, vị thế của mình. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi giành được chính quyền, trong điều kiện thù trong giặc ngoài đã lập tức thiết lập thể chế nhà nước theo mô hình “dân chủ cộng hòa” với nguyên tắc: Chính quyền các cấp, từ thấp đến cao đều do nhân dân bầu ra, đại diện cho quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân.
Nói đến sự sáng tạo về chính trị, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nói đến Bản Tuyên ngôn Độc lập, 1945. Trong văn kiện lịch sử này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại Bản “Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ”, 1776 và bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp”, 1789. Từ những tiền đề tư tưởng lớn trong hai bản tuyên ngôn đó, Người đưa ra chân lý mới có ý nghĩa thời đại đối với các dân tộc bị áp bức: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập, 1945 là một bản tuyên ngôn kép-tuyên ngôn độc lập cho dân tộc Việt Nam, đồng thời là tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc bị áp bức.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và rút ra kết luận: Một cuộc cách mạng thành công thì “quyền phải giao cho dân chúng số nhiều”, “chớ để trong tay một bọn ít người” và dân chúng phải “được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật” (“Đường kách mệnh”, 1927). Ngày 15-7-1969, trong bài trả lời phỏng vấn của đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-o, phóng viên Báo Nhân đạo (Đảng Cộng sản Pháp), về vai trò của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng… một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam… mà giành được thắng lợi to lớn… Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều yếu tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác-Lênin".
Là một người mác-xít mẫu mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ bản chất, giá trị cốt lõi của Chủ nghĩa Mác-Lênin là làm cách mạng để đi đến xây dựng một chế độ xã hội, trong đó “nhân dân là người chủ”; là “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “nhân dân có quyền lợi làm chủ thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân”. Lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người xác định mục tiêu trực tiếp của cách mạng là giành lại độc lập dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân. Trên nền tảng của hai giá trị đó đi đến mục tiêu cuối cùng của cách mạng là xây dựng một chế độ xã hội bảo đảm tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho nhân dân. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (17-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống phải luôn đặt lên hàng đầu đối với cán bộ, đảng viên. Trong chương trình đào tạo cán bộ cho Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, năm 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người xếp chương “Tư cách một người cách mệnh” lên hàng đầu, trong đó Người viết: “Tự mình phải: Cần kiệm/ Hòa mà không tư/ Cả quyết sửa lỗi mình… Không hiếu danh, không kiêu ngạo/ Nói thì phải làm/ Giữ chủ nghĩa cho vững/ Hy sinh/ Ít lòng tham muốn về vật chất.../ Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ/ Với đoàn thể thì nghiêm...”. Đọc lại những dòng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1927, tưởng như Người đang nói với Đảng ta, nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.
Tư tưởng “đạo đức là gốc” là một trong những tư tưởng lớn và còn nguyên giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và Đảng ta. Người từng có câu thơ: Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao,/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức, là văn minh...”.
Là một người mác-xít nhưng Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa biệt phái, theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa yêu nước ích kỷ, Người luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích giai cấp. Đồng thời, Người theo chủ nghĩa quốc tế-tôn trọng tập quán, luật pháp quốc tế, yêu chuộng hòa bình, mong muốn thiết lập tình hữu nghị với tất cả các quốc gia dân tộc, không phân biệt chế độ xã hội, hệ tư tưởng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tại khóa họp lần thứ 24 tại Paris (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987), Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990. Đây là sự ghi nhận công lao vĩ đại giải phóng dân tộc và tài năng xuất sắc trên lĩnh vực văn hóa của cộng đồng quốc tế đối với Người.
Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta một lần nữa tự hào khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh-một biểu tượng rực rỡ cho trí tuệ, nhân cách, khí phách của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Người còn là một nhà mác-xít, một người cộng sản mẫu mực. Thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Người luôn tỏa sáng đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
(TS CAO ĐỨC THÁI, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

1 nhận xét:

  1. Chúng ta thật tự hào là người con của Việt Nam, là con cháu Bác Hồ; chúng ta nguyện sẽ suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa