Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Thành tựu xóa đói giảm nghèo – một bảo đảm thực thi nhân quyền vững chắc ở Việt Nam

Với Việt Nam, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ.
Quyền con người là giá trị chung của nhân loại, là quy định pháp luật cơ bản của các nhà nước pháp quyền, không phân biệt trình độ phát triển và mang tính đặc thù bởi lịch sử, bản sắc văn hóa và chế độ chính trị. Trong đó, bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền hạnh phúc của người dân là cơ bản nhất. Thực tế cho thấy, đói nghèo là hiện tượng mang tính toàn cầu, không chỉ tồn tại ở những nước nghèo, có thu nhập thấp, mà còn ở những nước phát triển. Cho nên, xóa đói giảm nghèo là vấn đề nóng hổi của cả thế giới, thuộc chương trình nghị sự của Liên hợp quốc và là chiến lược phát triển của mọi quốc gia.
Với Việt Nam,xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ. Nhận thức sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”1, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo cho mọi người dân đều có việc làm, có cơm ăn, áo mặc, học hành và được, chăm sóc về thể chất,tinh thần. Bởi, “Con ngườilà trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”2. Đảng ta luôn “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã ký kết”3. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Ở nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”4. Trên tinh thần đó, Nhà nước đã và đang triển khai hàng loạt chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, công bằng xã hội trên cả nước, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo5. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo6.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Vì người nghèo” mang đậm chất nhân văn đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, bằng những nội dung, hình thức thiết thực; công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tại Hội nghị Liên hợp quốc ngày 11-11-2006, Việt Nam tuyên bố hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGS)7về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Theo đó, giai đoạn 1993 - 2004, tỷ lệ người nghèo giảm từ 58,1% (năm 1993) xuống còn 19,4% (năm 2004); giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ người nghèo giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,25% (năm 2016). Tính theo chuẩn mới: đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 7% (giảm 1,3% so với năm 2016); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở huyện nghèo giảm còn dưới 40%; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3% - 4% so với năm 2016. Việt Nam đã xóa đói giảm nghèo cho hàng chục triệu người, đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng thiếu đói trên cả nước. Người dân Việt Nam không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành, mà còn ăn no, ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng, mặc ấm, mặc đẹp; hạ tầng thiết yếu chăm lo cho con người ngày càng tốt hơn.
Tại cuộc họp báo về nội dung Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển bền vững diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc, ngày 24-9-2015, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú tại Việt Nam của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thành xuất sắc MDGS và nhấn mạnh: “Có ít quốc gia đạt được kết quả như Việt Nam và đây là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, hiệu quả vớiquyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước(TG. nhấn mạnh)”. Cuối năm 2017, khi đến thành phố Đà Nẵng, Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ D. Trump đã thốt lên rằng “Việt Nam là điều kỳ diệu của thế giới”. Phát biểu như vậy, phải chăng D. Trump nhận thấy những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Trong khi đó, năm 1992, nước Mỹ còn tới 40 triệu người nghèo, nhưng đến năm 2017 (theo Cục Thống kê dân số Mỹ), số lượng người nghèo đói còn tăng lên 41 triệu người? Ông Philip Alston - đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề cực nghèo và nhân quyền - sau cuộc khảo sát tại nước Mỹ (tháng 6 - 2017) nhận định: Mỹ không được đánh giá cao về vấn đề hỗ trợ những gia đình khó khăn và giúp những gia đình có thu nhập thấp thoát khỏi cảnh nghèo, trái ngược với “Giấc mơ Mỹ”,… nghèo đói và bất bình đẳng vẫn tồn tại ở nước Mỹ dù đây là nước giàu”? Như vậy, việc bảo đảm nhân quyền không chỉ phụ thuộc sức mạnh nền kinh tế, mà quan trọng hơn cả là phụ thuộc bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội. Việt Nam là ví dụ điển hình.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền của người dân. Nổi bật là,về nhà ở, đi lại, đến năm 2017, cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm ở các thôn, bản; 99% địa bàn đông dân tộc thiểu số, miền núi có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã8.Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế (trong đó có trên 98% là người nghèo) và được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Với hệ thống bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế thông suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn, bản, Việt Nam đã khống chế, đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm; tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 64 tuổi trong thập kỷ 90 (thế kỷ XX) lên gần 73 tuổi năm 2015; số phụ nữ tử vong do sinh sản giảm từ 233/100.000 xuống còn 62/100.000; tỷ suất trẻ em tử vong dưới 5 tuổi giảm từ 58% xuống còn 23,1%, v.v.
Về giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo dục - đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học, với cơ sở vật chất được hiện đại hóa, chất lượng giáo dục - đào tạo ngày được nâng lên, góp phần đáng kể vào phát triển nhân lực, trí lực cho đất nước, v.v. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000); phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2010); hiện đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ cho người lớn. Cơ hội tiếp cận giáo dục đối với người nghèo ngày càng cao, họ chỉ phải chi trả 1/7 chi phí giáo dục, còn lại được hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước và xã hội qua Cuộc vận động “Vì người nghèo”, phong trào “Nâng bước em đến trường”, xóa nạn mù chữ, v.v.
Về quyền tự do ngôn luận, báo chí,đến tháng 6-2017, Việt Nam có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động trên mọi lĩnh vực, với nhiều hình thức, kịp thời chuyển tải mọi thông tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Người dân Việt Nam đều có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg. Qua in-tơ-nét, người dân Việt Nam cũng có thể tiếp cận tin, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí như: AFP, AP, BBC, Reuters, Kyodo, v.v. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển in-tơ-nét hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng facebook;lượng người dùng in-tơ-nét lớn thứ ba tại khu vực Đông Nam Á, với khoảng 50 triệu người sở hữu tài khoản facebook, trong đó có 30 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động.
Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền của các dân tộc thiểu số.Tháng 11-2016, với tinh thần tôn trọng, bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, quy định rõ quyền tự do theo đạo hay không theo đạo của người dân và cả quyền của cá nhân (gồm cả những người đang bị giam giữ, thi hành án) được thực hiện các nghi thức, thực hành tín ngưỡng; quyền của người nước ngoài về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, v.v.Các dân tộc thiểu sốđược Nhà nước chăm lo tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, thực hành dân quyền. Số người dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cơ sở, phổ thông trung học ngày càng tăng; hiện nay, gần 200 người đạt trình độ trên đại học, gần 1,2 vạn người có trình độ đại học, cao đẳng, 7,3 vạn người có trình độ trung học chuyên nghiệp, v.v. Đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 86 người dân tộc thiểu số chiếm 17,4%; trong đó, 83 người có trình độ đại học và cử nhân chiếm 96,5%, trình độ trên đại học 32 người chiếm 37,20%.
Quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật) được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới tham gia ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em” (năm 1989). Hằng năm, Việt Nam tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.Quyền của nữ giới, được lồng ghép đầy đủ trong hệ thống pháp luật quốc gia và được chăm lo trên thực tế: lao động nữ đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước; phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%; trong Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu, v.v.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng hiện nay Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo để hoàn thành những mục tiêu đã cam kết, xây dựng xã hội: dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.Chính phủ Việt Nam đề ra Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020), với số vốn 41.449 tỷ đồng (đã giao cho Chương trình trong 02 năm 2016 - 2017 là 14.584 tỷ đồng). Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng. Các địa phương trong cả nước còn huy động được khoảng hơn 7.303 tỷ đồng, trong đó chi hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo trên 5.560 tỷ đồng trong năm 2016 và 2017.
Có thể khẳng định rằng, với cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc, quyết tâm chính trị cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam đã đạt thành tựu to lớn về xóa đói giảm nghèo, một bảo đảm vững chắc cho quyền con người ngày càng tốt hơn. Điều đó cũng khẳng định rằng, bản chất tốt đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn hướng tới. Đó là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.
________
1 - Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.
2 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 76.
3 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 167.
4 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoản 1, Điều 14, Nxb CTQG, H. 2013.
5 - Chương trình 135/1998/QĐ-TTg về “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số miền núi, được tổ chức thực hiện hai giai đoạn: (1997 - 2006 và 2006 - 2010); Chương trình 134/2004/QĐ-TTg về “Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn”; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 61 huyện nghèo”, v.v.
6 - Nơi có tỷ lệ hộ nghèo gấp 3,5 lần mức bình quân cả nước, với dân số khoảng trên 2,4 triệu người, trong đó 90% là dân tộc thiểu số.
7 - Tám mục tiêu MDGs của Liên hợp quốc tại Việt Nam, gồm: 1. Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; 2. Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; 3. Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; 4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5. Nâng cao sức khỏe bà mẹ; 6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; 7. Đảm bảo bền vững về môi trường; 8. Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.
8 - Đến nay, hầu hết các huyện nghèo, xã nghèo đã có đường ô tô đến được trung tâm.
Nguồn: Tạp chí Quốc phòng toàn dân

1 nhận xét:

  1. Với Việt Nam, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ

    Trả lờiXóa