Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Tư tưởng của C. Mác mãi trường tồn


C. Mác là một nhà khoa học cách mạng. Tư tưởng khoa học, cách mạng của Ông không hề bị “lỗi thời” như một số kẻ xuyên tạc, mà luôn tràn đầy sinh lực, mãi trường tồn cùng nhân loại trong sự nghiệp giải phóng con người. 
C. Mác năm 1875
C. Mác hoàn thành cuộc cách mạng lý luận, tư tưởng về đời sống xã hội, đưa cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và lao động quốc tế trở thành phong trào tự giác. Trước khi chủ nghĩa Mác ra đời, xã hội loài người đắm chìm trong vòng tăm tối của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo. Là thiên tài sáng tạo, vượt lên trên tầm cao trí tuệ của các nhà tư tưởng đương thời, C. Mác cùng với Ph. Ăng-ghen đã thâu tóm những tinh hoa tri thức nhân loại để xây dựng nên hệ thống lý luận khoa học hoàn bị với ba bộ phận cấu thành, là: Triết học mác-xít; Kinh tế học chính trị mác-xít; Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Trong lịch sử nhân loại, chưa từng chứng kiến một học thuyết xã hội nào mà ảnh hưởng của nó lại sâu rộng đối với loài người như chủ nghĩa Mác. Bởi lẽ, tất cả những học thuyết xã hội trước đây chỉ là công cụ trong tay các giai cấp thống trị dùng để nô dịch quần chúng trong vòng ngu tối. Trái lại, Học thuyết Mác đã đưa yếu tố tự giác vào phong trào công nhân quốc tế, khơi nguồn trí tuệ, thắp sáng niềm tin của nhân loại cần lao vào sức mạnh của chính mình. C. Mác đã hoàn thành cuộc cách mạng lý luận, tư tưởng về đời sống xã hội với hai phát kiến vĩ đại là Chủ nghĩa duy vật lịch sử và Học thuyết giá trị thặng dư. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã cung cấp cho nhân loại “chìa khóa” để không ngừng khám phá, nhận thức sâu sắc đời sống xã hội cũng như phương thức cải tạo nó. Chính nó đã đưa C. Mác trở thành nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong số những nhà tư tưởng hiện đại. Với “chìa khóa” ấy, C. Mác đi sâu nghiên cứu, “giải phẫu” và mở toang cánh cửa chứa những “bí mật” của xã hội tư bản, chỉ rõ bản chất kinh tế tư bản là bóc lột giá trị thặng dư của người lao động làm thuê. Từ đó, C. Mác chứng minh rằng: “xác thịt” của tư bản có thể thay đổi, nhưng bản chất bóc lột lao động làm thuê bằng giá trị thặng dư thì không hề thay đổi. Đến nay, kết luận đó vẫn còn nguyên giá trị. Bằng lý luận khoa học sắc bén, C. Mác đã làm sáng tỏ quá trình phát sinh, phát triển và tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản, cũng như khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng thời, đưa lý luận khoa học ấy thâm nhập vào phong trào công nhân, biến nó thành sức mạnh vật chất vô địch của cách mạng vô sản. Cuộc cách mạng ấy là sự đoạn tuyệt với các chế độ xã hội cũ đầy bất công, con người được giải phóng, từng bước vươn lên làm chủ chính mình và xã hội, xây dựng cuộc sống mới, con người mới phát triển toàn diện.
Thực tiễn cho thấy, tư tưởng của C. Mác có vai trò ngày càng sâu rộng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (02-1848) là mốc son đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác. Từ đây, giai cấp công nhân thế giới đã có Cương lĩnh cách mạng dẫn đường, đưa phong trào đấu tranh từ tự phát trở thành tự giác. Sự ra đời của “Hội liên hiệp lao động quốc tế” - Quốc tế I (1861 - 1872) trở thành tổ chức lãnh đạo đầu tiên của giai cấp công nhân thế giới, thông qua tuyên truyền giác ngộ quần chúng và cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận. Tiếp đó, “Hội Quốc tế xã hội chủ nghĩa” (Quốc tế II) ra đời, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu. Đặc biệt, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) đã hiện thực hóa lý tưởng cách mạng của C. Mác, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản; đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên tự giải phóng, giành lại những giá trị chân chính của mình. Sự ra đời, không ngừng lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực và phong trào cách mạng ở thế kỷ XX là những bằng chứng đầy sức thuyết phục, khẳng định vai trò và sức sống của chủ nghĩa Mác (sau này là chủ nghĩa Mác – Lê-nin).
Tư tưởng C. Mác tiếp tục soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và lao động quốc tế. Nhân loại bước sang thế kỷ XXI với những biến đổi nhanh chóng, khó lường. Bức tranh thế giới có nhiều thay đổi về tương quan so sánh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Nhờ tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, các nước tư bản phát triển đã có những điều chỉnh, thích nghi cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và được các nhà lý luận tư sản tô vẽ là “chủ nghĩa tư bản nhân dân, nhân đạo”. Họ ra sức thuyết phục rằng: “thuyết giá trị lao động” của C. Mác đã bị “thuyết giá trị tri thức” thay thế; lý luận giá trị thặng dư đã bị thay thế bởi lý luận coi lợi nhuận là thù lao cho việc tổ chức quản lý sản xuất, hay sự can thiệp của nhà nước đã triệt để loại bỏ tình trạng sản xuất vô chính phủ và khủng hoảng kinh tế; “giai cấp trung lưu mới ra đời xóa bỏ sự đối lập giai cấp giữa vô sản và tư sản”, v.v. Thực tế, ở các nước tư bản hiện đại cho thấy điều ngược lại. Mặc dù đời sống của giai cấp công nhân và người lao động ít nhiều được cải thiện, nhưng địa vị kinh tế của họ vẫn không vì thế mà thay đổi; quyền chi phối xí nghiệp, công ty vẫn do chủ tư bản chiếm đa số cổ phần điều hành. Trong nền kinh tế tri thức, vai trò của khoa học kỹ thuật không ngừng được nâng cao nhưng không hề phủ nhận thuyết giá trị thặng dư của C. Mác. Giá trị thặng dư vẫn tồn tại trong nền sản xuất tư bản hiện đại; chỉ khác ở chỗ, phần lớn giá trị lao động thặng dư được sinh ra từ lao động trí óc, thặng dư bị nhà tư bản chiếm hữu hết sức tinh vi và tăng lên gấp bội trước đây. Tạo ra giá trị thặng dư vẫn là lao động sống, chứ không phải là khoa học kỹ thuật và máy móc. Do đó, bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản vẫn không hề thay đổi mà chỉ ngày càng tinh vi, khắc nghiệt hơn. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại, với những chu kỳ khủng hoảng của nó càng chứng thực tính đúng đắn cho những kết luận của C. Mác. Những năm đầu thế kỷ XXI, thế giới tư bản đã đổ xô tìm đến những “chỉ dẫn” của C. Mác trong “Bộ Tư bản” để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không chỉ vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, các nước tư bản phát triển đã triệt để tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng lợi nhuận, bóc lột trên quy mô toàn cầu, làm cho mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, giữa lao động và bóc lột, giữa vô sản và tư sản mở rộng phạm vi ra toàn cầu. Khoảng cách chênh lệch mức sống giữa người giàu và người nghèo ở các nước tư bản phát triển ngày càng tăng, hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng lớn. Hơn một tỷ người trên thế giới đang phải sống dưới mức nghèo khổ, thiếu lương thực, nước sạch, điều kiện chăm sóc y tế, bệnh dịch, cùng nhiều tệ nạn xã hội khác ngày càng gia tăng. Giáo sư Giót-giơ Sơ-ten-nơ Đại học Cam-bơ-rít (Anh) đã chỉ rõ: “Chúng ta đã có một bước nhảy vọt về khoa học, về công nghệ, về y học. Nhưng lịch sử thì vẫn dậm chân tại chỗ”1. Đó là những “góc tối” không thể tự khắc phục được của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vì thế, cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản hiện nay cũng tất yếu như lúc nó mới ra đời, để chống lại “bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn”2 của giai cấp tư sản và nó chỉ kết thúc khi phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa được xác lập triệt để.
Hiện nay, chủ nghĩa xã hội đang gặp những khó khăn nhất thời, sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô (cuối thập niên 80 của thế kỷ XX). Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch ra sức công kích, bôi nhọ chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tham vọng làm sụp đổ nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế; cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với thất bại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và coi đó là: “Thất bại lớn - Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX”; kêu gọi “giải thể ý thức hệ cộng sản”; “từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin” để thay vào đó là các lý thuyết mới như: thuyết “hội tụ”, “ba nền văn minh”, “xã hội hậu công nghiệp”,… mà thực chất đều là các lý thuyết chống cộng của chủ nghĩa tư sản hiện đại. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chủ nghĩa Mác – Lê-nin vẫn khẳng định tính đúng đắn trước những biến thiên của thời đại; vẫn mãi là ngọn cờ tư tưởng, cổ vũ sức mạnh sáng tạo của muôn triệu con người đang đấu tranh cho lẽ phải, công bằng và một xã hội mới tốt đẹp. Lý tưởng về một xã hội không có người bóc lột người của C. Mác vẫn luôn có sức mạnh chinh phục lòng người, như các nhà lý luận tiến bộ hiện nay đã khẳng định: nhân loại sẽ không có tương lai nếu không có C. Mác và di sản của Ông. Các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế đang ngày càng đoàn kết lại để có tiếng nói chung; tích cực đổi mới, cải cách để tìm con đường đúng đắn cho những bước phát triển mới.
Cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới theo tư tưởng C. Mác. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cách mạng Việt Nam đã trải qua những chặng đường đấu tranh oanh liệt và thắng lợi vẻ vang, từng bước mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam. Mối liên hệ mật thiết ấy là nguồn gốc sức mạnh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sau hơn 30 năm, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, càng làm nổi bật những thành tựu rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định lý tưởng cộng sản cao đẹp, sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta. Có được điều đó, là nhờ Đảng ta luôn thấu suốt bài học kinh nghiệm: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”3. Với bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức của một Đảng cách mạng cầm quyền dày dạn kinh nghiệm, luôn biết tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vươn lên giành nhiều thắng lợi mới. Mặc dù, cách mạng còn nhiều khó khăn, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi. Bởi, đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của dân tộc Việt Nam, phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử nhân loại. Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” sẽ góp phần làm cho những giá trị tư tưởng của C. Mác bền vững và phát triển.
PGS, TS. PHẠM VĂN NHUẬN

1 nhận xét: