Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hình ảnh của Người là tấm gương sáng ngời trong lòng mỗi người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt, Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản cao quý đó là: tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người và chủ nghĩa Mác – Lênin luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tich Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho dân tộc, cho cách mạng, đến lúc từ biệt thế giới này, Người viết: “Chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa cho hạnh phúc của nhân dân và chỉ có một ham muốm tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Người luôn căn dặn cán bộ: “việc gì có lợi cho dân thì phải làm hết sức, việc gì hại đến dân thì phải hêt sức tránh” và Người luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Người thường xuyên nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ trước nhân dân vì “nếu nước nhà độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Để làm tròn trách nhiệm “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thì mọi cán bộ phải gần dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giúp đỡ và giải quyết mọi vướng mắc của nhân dân. Người phê phán những tư tưởng quan liêu xa dân, lên mặt quan cách mạng, cơ hội, cậy quyền, cậy thế đè đầu cưỡi cổ nhân dân.
“Thương dân Người đã dặn dò.
Đoàn kết thống nhất chăm lo đói nghèo.
Một lòng tin Đảng đi theo.
Chung tay xây dựng thoát nghèo vươn lên”.
Người đã để lại cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về tinh thần phục vụ nhân dân, Người luôn luôn thực hành làm gương trước mọi việc như mười ngày nhịn ăn một bữa, tham gia xoá mù chữ, ra mặt trận với chiến sĩ, phát động và tham gia “Tết trồng cây”, … Trên cương vị là Người đứng đầu Nhà nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn giành thời gian để thường xuyên đi cơ sở, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Những chuyến đi công tác làm việc trực tiếp với cơ sở, hoặc đi tiếp dân. Người hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Bác không bao giờ coi mình đứng cao hơn nhân dân, mà Người chỉ tâm niệm suốt đời là người phụ vụ trung thành, tận tụy vì lợi ích của nhân dân. Người nhiều lần viết thư thăm hỏi, tặng quà cho các cụ già nhân dịp mừng thọ, viết thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, vào năm học mới, ….
Tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm gương suốt đời hy sinh chiến đấu, tận tụy phục vụ, vì nước, vì dân của Người là tài sản vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập noi theo, là động lực tinh thần to lớn giúp cho dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Biên cương Tổ quốc vững bền.
Quân dân quyết trí làm nên cơ đồ”.
Người không bao giờ đòi hỏi điều kiện, vật chất cho riêng mình, ngược lại Người thanh thản, lạc quan trong cuộc sống cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư nhưng những gì Người để lại cho nhân dân, cho đất nước có thể sánh ngang với núi cao, biển rộng. Vì vậy, đức tính khiêm tốn, giản dị của bác đã trở thành huyền thoại. Kính phục và yêu mến Bác nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:
“Bác sống như trời đất của ta.
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa.
Tự do cho mỗi đời nô lệ.
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Như đỉnh non cao tự giấu mình.
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh.
Bác mong con cháu mau khôn lớn.
Tiếp bước cha anh, tiến kịp minh”.
Sau khi Người mất, căn nhà sàn của Người được mở rộng cửa đón đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm. Không ai là không xúc động trước những vật dụng gắn bó với Người gần như suốt cuộc đời, như chiếc máy chữ và chiếc đồng hồ cũ kĩ trên bàn làm việc, đôi dép lốp cao su mòn gót, giường mây, chiếu cói đơn chăn gối, tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn, …
Nhận xét về Bác Hồ, nhà phê bình nghiên cứu văn học Quách Mạt Nhược của Trung Quốc viết: “Hồ Chí Minh là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Với trí tuệ kiệt xuất, Bác đã hai tay xây dựng một cơ đồ, đó là sự nghiệp cách mạng vẻ vang, ghi dấu son trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”.
Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.
Trả lờiXóa