Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số ở các trường sĩ quan trong Quân đội trước việc các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng trong giai đoạn hiện nay



Kim Ngân

Nhãn quan chính trị là cách nhìn nhận đánh giá của một con người về những vấn đề chính trị - xã hội có liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, giai cấp. Nhãn quan chính trị được biểu hiện ở mức độ nông, sâu, xa, gần, rộng, hẹp khác nhau. Cơ sở của nhãn quan chính trị là quan điểm, lập trường chính trị - giai cấp; thế giới quan và phương pháp luận trong việc xem xét và đánh giá tình hình, kinh nghiệm thực tiễn,… Theo đó, bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng Việt Nam nhằm giúp họ xem xét và đánh giá đúng bản chất của việc lợi dụng tôn giáo, thông qua nội dung và biện pháp tuyên truyền, giáo dục, định hướng, nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.                                  
Học viên người dân tộc thiểu số ở các trường sĩ quan thường là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền đất nước, được cử tuyển để đào tạo thành sĩ quan Quân đội; họ sống ở địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nên trình độ nhận thức, sự hiểu biết về các vấn đề chính trị - xã hội còn có những hạn chế nhất định. Do vậy, việc bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số ở các trường sĩ quan Quân đội sẽ giúp họ xem xét, đánh giá chính xác những vấn đề chính trị - xã hội, có biện pháp xử lí kịp thời, đập tan mọi âm mưu chống phá của kẻ thù, không gây ảnh hưởng xấu tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Để nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đơn vị quản lí học viên trong các trường sĩ quan đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hiện nay. Nhiều học viên người dân tộc thiểu số đã tích cực, chủ động, tự giác, học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và nhãn quan chính trị của bản thân để áp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số ở một số cấp ủy, chỉ huy các cấp chưa được coi trọng đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn hạn chế, bất cập về nội dung và biện pháp..., khả năng đấu tranh của học viên người dân tộc thiểu số trước việc các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng đôi khi còn lúng túng. Vì vậy, để bồi dưỡng, nâng cao nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo hiện nay.
Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp tác động đến hoạt động bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo. Theo đó, cần thường xuyên tiến hành công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức cho học viên người dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nhãn quan chính trị. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần giáo dục, quán triệt sâu sắc lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo. Trong đó, cần tập trung quán triệt quan điểm Đại hội XII của Đảng và Luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kì họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giáo dục - đào tạo nói chung với các hoạt động sinh hoạt chính trị, chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, viết tin bài trên tạp chí, website, bản tin thi đua của nhà trường, qua hệ thống panô, khẩu hiệu,... Từ đó, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong hoạt động bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng tăng cường bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số.
Nội dung cần đổi mới theo hướng giảm thời gian giảng dạy lí thuyết trên lớp, tăng thời gian và nội dung thực hành. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu thời lượng, khắc phục sự trùng lặp nội dung giữa các môn học, loại bỏ nội dung kiến thức đã lạc hậu, cập nhật kiến thức mới. Thường xuyên phổ biến, quán triệt đầy đủ cho học viên người dân tộc thiểu số về chính sách tôn giáo và phương thức giải quyết các vấn đề tôn giáo; tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chỉ rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tinh thần yêu nước; lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và đơn vị.
Hình thức bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số cần đổi mới mạnh mẽ, theo hướng đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng như: thông qua công tác giáo dục - đào tạo, các buổi sinh hoạt của Hội đồng quân nhân, đoàn thanh niên, học tập chính trị, nghị quyết, tuyên truyền, cổ động, dân vận, phong trào thi đua, hội thao, hội thi,... giúp người học trang bị, củng cố, mở rộng kiến thức về tôn giáo, củng cố khả năng xem xét, xử lí, phân tích, đánh giá đúng bản chất của vấn đề.
Ngoài ra, cần chú trọng kết hợp giữa các phương pháp trong quá trình bồi dưỡng nhãn quan chính trị như: thuyết phục, nêu gương, tự phê bình và phê bình, kết hợp giáo dục chung với giáo dục riêng,...; thực hiện kết hợp đồng bộ, linh hoạt các phương pháp trong quá trình học tập, rèn luyện trong hoạt động bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số trước vấn đề lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hiện nay.
Ba là, xây dựng môi trường chính trị thuận lợi, giúp học viên người dân tộc thiểu số tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lí luận hiện nay.
Xây dựng môi trường chính trị thuận lợi vừa là điều kiện, vừa là động lực thúc đẩy học viên người dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên, hoàn thiện phẩm chất, năng lực toàn diện, trong đó có nhãn quan chính trị. Xây dựng môi trường chính trị thuận lợi được biểu hiện tập trung ở sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện mọi mặt của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lí luận. Tạo điều kiện cho học viên người dân tộc thiểu số được tự do thể hiện quan điểm trên các diễn đàn khoa học, tuy nhiên cần nói đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng, có cơ sở khoa học và lập luận chặt chẽ; tôn trọng và khuyến khích học viên tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lí luận nhằm chống lại âm mưu lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Khuyến khích học viên viết báo, tạp chí, website, bản tin thi đua, truyền thanh nội bộ, các tập san văn học - nghệ thuật, tham gia lực lượng 47 của nhà trường,... Các nội dung viết cần được kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan và chỉ huy đơn vị trước khi đăng tải.
Bốn là, phát huy vai trò của học viên người dân tộc thiểu số ở các trường Sĩ quan trong quân đội trong việc tự bồi dưỡng nhãn quan chính trị.
Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc bồi dưỡng nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số. Do đó, từng học viên người dân tộc thiểu số cần có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của nhãn quan chính trị, xây dựng động cơ, thái độ, niềm tin, ý chí trong học tập, tu dưỡng của bản thân. Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về vấn đề tôn giáo, xác định tốt chức trách, nhiệm vụ của bản thân sẽ giúp các học viên người dân tộc thiểu số có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn về bức tranh tôn giáo; phân biệt được giữa tôn giáo với lợi dụng tôn giáo, giữa tín ngưỡng tôn giáo, phong tục, tập quán với những biểu hiện về mê tín, hủ tục lạc hậu và những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng. Để giải quyết tốt vấn đề này, đòi hỏi học viên người dân tộc thiểu số cần bám sát dân, hiểu về thực trạng tình hình tôn giáo, kiên trì giải thích, tuyên truyền cho đồng bào không theo sự lôi kéo của kẻ xấu, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 
         Học tập, tu dưỡng, hình thành, hoàn thiện nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi tinh thần cầu thị, tính tích cực học tập, nghiên cứu để tìm ra con đường, biện pháp nâng cao nhãn quan chính trị của mỗi học viên. Bên cạnh đó, mỗi học viên người dân tộc thiểu số cần thường xuyên tự bồi dưỡng nhãn quan chính trị để có nhận thức, hành động, cách thức đấu tranh đúng đắn trước việc các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

1 nhận xét:

  1. Học tập, tu dưỡng, hình thành, hoàn thiện nhãn quan chính trị cho học viên người dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi tinh thần cầu thị, tính tích cực học tập, nghiên cứu để tìm ra con đường, biện pháp nâng cao nhãn quan chính trị của mỗi học viên.

    Trả lờiXóa