Ngô Quyền
Giai cấp vô sản trên toàn thế giới có thể tự hào mà
nói rằng khoa học của mình là tác phẩm sáng tạo của hai nhà bác học kiêm chiến
sĩ mà tình bạn của họ đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những
truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người. Đó là những gì mà nhân
loại tiến bộ và những học trò của C. Mác và Ăng ghen đã viết về tình bạn vĩ đại giữa hai ông. Tình bạn ấy đã thể hiện những đặc trưng mà sau này trở thành chuẩn
mực để nhận biết đâu là những tình bạn chân chính. Ngày nay, khi nhân loại đã tiến những bước dài so với thời kỳ của các ông thì cuộc
đấu tranh tư tưởng lý luận trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục và sẽ còn tốn nhiều công
sức để thảo luận, tranh luận về tầm ảnh hưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với
sự phát triển của nhân loại từ thế kỷ thứ XIX trở về sau. Sự đánh giá đó có thể khác nhau tuỳ theo tầm nhìn, góc độ, chỗ đứng và tâm trạng của những người nghiên cứu.
Song có một điều hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận được là sự đóng góp to
lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen vào dòng chảy chung của văn hoá nhân loại nếu ta
hiểu văn hoá là sự sáng tạo, đổi mới và phát triển, là những cái thuộc về lòng
nhân ái, vị tha, sự sáng suốt và lòng dũng cảm đấu tranh cho cái thiện và cái
đẹp...
Cả C.Mác và Ăngghen đều xuất thân từ tầng lớp trung
lưu của xã hội đương thời, nhưng hai ông đều sớm tự nguyện hiến dâng cuộc đời
mình cho cuộc đấu tranh vì hạnh phúc của nhân loại. C.Mác sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Tơriơ
trong gia đình luật sư Henrich Mác. Ông nổi bật ở những lĩnh vực
đòi hỏi tính độc lập sáng tạo. Mùa thu 1835, C.Mác tốt nghiệp trường trung học,
sau đó không lâu, tháng 10/1835, C.Mác vào trường đại học tổng hợp Bonn để học
luật. Hai tháng sau theo lời khuyên của bố C. Mác tiếp tục học ở trường Đại học
Tổng hợp Berlin. Ở trường Đại học, năm 1836, ngoài luật học, sử học và ngoại
ngữ C.Mác bắt đầu đi sâu nghiên cứu triết học. Mùa xuân 1837, C.Mác bắt đầu
nghiên cứu kỹ những tác phẩm của Hêghen, năm 1839 và một phần của năm 1840, C.Mác
tập trung nghiên cứu những vấn đề lịch sử triết học Cổ đại. Năm 1841, khi
mới 23 tuổi, C.Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học với luận án: “Về sự khác nhau giữa
triết học tự nhiên Đêmôcrit và triết học tự nhiên của Êpicuya” tại trường Iêna.
Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 ở
Barmen, Vương quốc Phổ (nay là Wuppéctan, Đức). Bố của ông là một chủ xưởng dệt
lớn ở Phổ lúc bấy giờ. Năm 1837 theo yêu cầu của Bố, Ph.Ăngghen phải thôi học
trung học để làm kinh doanh.
Trong thời gian này ông tự
học các ngành sử học, triết học, văn học, ngôn ngữ và thơ ca. Tháng 6/1838,
Ph.Ăngghen đến làm việc tại văn phòng thương mại ở thành phố cảng Barmen.
Cuối năm 1839, Ph.Ăngghen bắt tay
vào nghiên cứu các tác phẩm triết học của Hênghen..Tháng 9/1841, Ph.Ăngghen đến
Beclin và gia nhập đoàn pháo binh, nhưng ông vẫn lui tới Đại học Tổng hợp
Beclin nghe các bài giảng triết học, tham gia thảo luận về các bài giảng lịch
sử tôn giáo. Mùa xuân 1842, Ph.Ăngghen bắt đầu cộng tác với tờ Nhật báo tỉnh Ranh. Tháng 11/1842, trên
đường sang Anh, Ph.Ăngghen đã ghé thăm trụ sở tờ báo và Ph.Ăngghen ở lại Anh 2
năm. Bài báo “Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh” (1842) cùng với
những bài báo khác của Ph.Ăngghen viết ra năm đó đã phân tích rõ sự phân chia
xã hội thành ba giai cấp cơ bản: Giai cấp quý tộc chiếm hữu ruộng đất,
giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản.
Lần đầu
tiên, C.Mác gặp Ph.Ăngghen vào cuối tháng 11/1842, khi Ph.Ăngghen trên đường
sang Anh và ghé thăm ban biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh (nơi C.Mác đang công tác). Từ đó họ trao đổi thư từ với nhau, tình bạn giữa hai nhà
lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản được bắt đầu và ngày càng thắm thiết. Thông qua những
lần cộng tác và trao đổi về các tác phẩm của các nhà kinh điển, C. Mác đã truyền
cảm hứng cho Ăngghen tiếp tục say mê nghiên cứu triết học. Hai ông đã trở thành
những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý
luận và thực tiễn. Mặc dù khó khăn về kinh tế, C.
Mác đã phải viết suốt ngày đêm để cho ra đời các tác phẩm của mình nhưng cũng
là để kịp thời gửi tòa soạn đăng báo lấy tiền nhuận bút; trong thời gian đó Ăngghen
đã luôn ở bên cạnh kịp thời giúp đỡ C.Mác cả trong công việc và tiền bạc để
C.Mác có thời gian viết các tác phẩm của mình. Động cơ, mục đích để họ xây
đắp nên tình bạn vĩ đại là sự
hội tụ của hai tâm hồn trong sáng, hai bộ óc thiên tài cùng chung mục đích, lý tưởng vì sự nghiệp giải phóng con người. Họ đã sát
cánh bên nhau viết nên những công trình khoa học và lãnh đạo phong trào công
nhân đấu tranh nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Tháng
8/1844, ở Pari, đánh dấu cho lần hợp tác lý luận đầu tiên giữa C.Mác và
Ph.Ăngghen. Cuộc gặp gỡ ở Pari không những đã xây dựng tình bạn của hai ông vì
mục tiêu chung, mà bằng công việc của mình, các ông đã hỗ trợ nhau rất nhiều
khiến thiên tài và trí tuệ của mỗi người bổ sung cho nhau một cách rất kỳ diệu.
Sau này Ph.Ăngghen đã kể lại rằng: “Vào mùa hạ năm 1844, khi tôi đến thăm C.Mác ở
Pari, chúng tôi thấy rằng chúng tôi hoàn toàn nhất trí với nhau về tất cả các
vấn đề lý luận và chính từ lúc đó, chúng tôi bắt đầu cộng tác với nhau”, bởi ở hai ông đã đọc của nhau một cách
rất cẩn trọng nên đã “yêu nhau vì nết, trọng
nhau vì tài”; ý
nghĩa của cuộc gặp gỡ ở Pari là ở chỗ: Một mặt, đối với sự ra đời của lý luận
cách mạng của giai cấp công nhân, nó mang ý nghĩa đáp ứng nhu cầu của thời đại;
mặt khác, xét về tiến trình tư tưởng của hai người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản lại có tính
tất yếu nội tại. Hai mặt đó biểu hiện tập trung ở sự bắt đầu cộng tác của hai
ông cùng nhau xây dựng quan điểm duy vật lịch sử. Và đứa con tinh thần của hai
người là cuốn sách "Gia
đình thần thánh".
Chí vì giành hết tâm
lực cho sự nghiệp cách mạng, nên gia đình C.Mác gặp rất nhiều khó khăn túng
thiếu trong cuộc sống. Những lúc ấy, Ph.Ăngghen luôn là người tận tình giúp đỡ
C.Mác. Ngày 03/02/1845, C.Mác bị trục xuất khỏi Pari giữa lúc nguồn tài chính
của gia đình cạn kiệt, vì trước đó Mác đã bỏ tiền ra mua vũ khí cho một cuộc
khởi nghĩa. Được tin, Ph.Ăng ghen đã tất bật tìm cách quyên tiền từ các bạn bè,
đồng chí để giúp gia đình C.Mác vượt qua hoạn nạn. Ông cũng đã cố tìm cách khéo
léo để khỏi chạm tới lòng tự ái của C.Mác, thuyết phục ông nhận sự giúp đỡ nhỏ
nhoi ấy. Từ đó trên con đường nghiên cứu khoa học và hoạt động đấu tranh cho sự
ra đời và thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen luôn
là người bạn, người đồng chí chung thủy, sắt son bên cạnh chia ngọt sẻ bùi,
đồng cam cộng khổ với C.Mác, bảo vệ và tôn trọng ông ngay cả khi C.Mác đã qua
đời. Những năm tiếp theo, tiến sỹ C.Mác - nhà lý luận kinh tế lỗi lạc vẫn luôn
ở vào cảnh túng thiếu, thậm chí có lúc không mua đủ bánh mì ăn hàng ngày. Để bạn
hoàn thành sự nghiệp, Ph.Ăngghen đã cam chịu làm thư ký trong hãng buôn của cha
mình (một công việc mà ông vô cùng chán ghét) suốt 20 năm để lấy tiền giúp
C.Mác.
Trong
thời gian viết bộ Tư bản, trong tình cảnh rất khó khăn, C.Mác còn phải viết bài
cho các báo để có tiền chi tiêu. Rất nhiều đêm, Ph.Ăngghen thức đến tận 2 giờ
sáng viết bài thay C.Mác để đăng kịp các số báo mà C.Mác cộng tác. Những bài
báo đó của Ph.Ăngghen luôn có nội dung khoa học sâu sắc, hấp dẫn đọc giả và đều
mang tên C.Mác. Cũng vì để C.Mác có thời gian viết bộ Tư bản, nên tất cả gánh
nặng của cuộc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác đều
trút lên vai Ph.Ăngghen. Tiêu biểu là cuộc luận chiến chống Đuyrinh, trong các
bài viết, Ph.Ăngghen đã phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học,
của khoa học tự nhiên và xã hội. Với nội dung khoa học sâu sắc, lý lẽ sắc bén,
Ph.Ăngghen đã đập tan sự xuyên tạc của Đuyrinh, bảo vệ sự trong sáng của chủ
nghĩa Mác.
Có lẽ C.Mác chưa từng gặp
ai như Ph.Ăngghen. Đáng ngạc nhiên là trong con người Ph.Ăngghen kết hợp chặt
chẽ tất cả những đức tính mà người ta hằng mong muốn ở một người bạn chiến đấu,
người bạn gần gũi nhất.
Năm
1883, những người cộng sản và công nhân thế giới phải chịu một tổn thất lớn
lao, C.Mác - lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản đã từ trần. Bộ Tư bản - công
trình khoa học đồ sộ nhất của C.Mác cống hiến cho loài người mới xuất bản được
cuốn I, còn cuốn II và cuốn III đang ở dưới dạng bản thảo, khi C.Mác ra đi.
Ph.Ăngghen vô cùng lo lắng trước số phận của cuốn sách. Ông đã dừng những công
trình khoa học của mình để giành thời gian hiệu đính hai bản thảo bộ Tư bản cho
C.Mác. Mỗi bản thảo ấy có hàng ngàn trang với chi chít những dòng chữ rất khó
đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn
gốc. Phải mất 10 năm Ph.Ăngghen lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già và
bệnh tật, bộ Tư bản của C.Mác đã được xuất bản trọn vẹn. Trong công trình đồ sộ
ấy, Ph.Ăngghen không chỉ hiệu đính, sửa chữa mà một số chương sau cùng là do
ông viết.
Sau những cống hiến miệt
mài, ngày 05/8/1895, trái tim lãnh tụ vô sản Ph.Ăngghen đã ngừng đập để tìm đến
người bạn, người đồng chí tri kỉ của mình -C.Mác. Những lớp hậu thế
trên khắp thế giới đã dựng tượng đài hai ông ở khắp nơi để tỏ lòng ngưỡng mộ về
tình bạn và sự nghiệp cao quý của C.Mác và Ph.Ăngghen. Và tình bạn cao cả, vĩ đại giữa C.Mác và Ph.Ăngghen không còn từ ngữ nào có
thể diễn tả hoàn hảo hơn bằng cụm từ “tinh
thần đạo đức cộng sản”, quyết chung sức chung lòng vì hoài bão lý tưởng lớn.
Tình bạn vĩ đại và cảm
động giữa C.Mác và Ph.Ăngghen đã trở thành một tấm gương sáng để cho các thế hệ
ngày hôm nay noi theo để xây dựng một tình bạn chân chính. Có thể nói rằng nếu
không có sự đồng cảm, thấu hiểu và hy sinh giữa hai lãnh tụ vô sản trong tình
bạn, tình đồng chí sắt son, keo sơn thì không thể có sự ra đời và thắng lợi của
chủ nghĩa xã hội khoa học.
Thực tế trong cuộc sống và trên sách, báo cũng đã có nhiều tình bạn đẹp được các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học viết miêu tả
trong các tác phẩm của mình; nhưng có lẽ chưa có một tình bạn nào lại vĩ đại và gây
xúc động mạnh mẽ như tình bạn giữa C.Mác và Ph.Ăngghen. Đó là tượng đài cao đẹp
nhất về tình nhân ái giữa con người với con người; là minh chứng hùng hồn nhất
cho sức mạnh mà tình bạn có thể tạo ra. Nhân loại sẽ mãi tôn thờ tình bạn bất
diệt đó./.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóa